Máy đo dư lượng nitrat Soeks Nuc-019-1 sản xuất ở Nga giúp người dùng có thể tự kiểm tra dư lượng nitrat cho hơn 60 loại rau củ, thịt tươi.
Máy Soeks khá tiện lợi và dễ dàng trong sử dụng. Người tiêu dùng chỉ cần chọn sản phẩm rau, củ, quả, thịt cần kiểm tra trên danh bạ. Sau đó, cắm đầu kim vào mẫu vật cần kiểm tra, chờ khoảng 15-20 giây sẽ cho ra kết quả hàm lượng cũng như có chuẩn an toàn để so sánh. Nếu thực phẩm an toàn, máy sẽ báo màu xanh, nếu vượt ngưỡng thấp, mấy báo màu vàng. Khi vượt mức nguy hiểm, máy sẽ báo màu đỏ.
Thời gian qua, thịt lợn, thịt gà trên thị trường thường xuyên bị phát hiện dương tính với các chất cấm nguy hại tới sức khỏe con người. Điển hình là chất sabultamol (C13H21NO3) là chất tạo nạc dùng trong chăn nuôi; săm pết (KNO3) là hóa chất dùng biến thịt thối thành thịt tươi; sodium nitrat (NaNO3), sodium nitrit (NaNO2) giúp giữ màu và bảo quản thực phẩm.
Điểm chung của các loại hóa chất trên đều là nguyên tố có gốc nitrat hoặc nitrit. Dư lượng nitrat (N0-3) trong mô thực vật vượt quá ngưỡng an toàn được xem như một độc tố và tồn dư N0-3 trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe có thể gây ung thư cho người sử dụng.
Đối với các chỉ tiêu về vi sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, khi rửa sạch, gọt vỏ hay cách ly trong một thời gian nhất định sẽ xử lý hoặc làm giảm lượng lớn độc tố còn tồn dư bên ngoài sản phẩm.
Tuy nhiên, với nitrat thì gần như không thể xử lý được vì nó đã ngấm vào trong tế bào động, thực vật. Vì vậy, người dùng cần phát hiện dư lượng nitrat vượt quá ngưỡng cho phép để không sử dụng hoặc giảm bớt lượng nhằm tránh gây hại cho cơ thể.
Theo phương pháp truyền thống, muốn phát hiện nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi có vượt ngưỡng cho phép hay không cần tiến hành lấy mẫu vật sinh hóa tại các phòng phân tích. Hiện nay với sự hỗ trợ của máy Soeks, người tiêu dùng sẽ biết kết quả trong vòng 15-20 giây.
Máy Soeks hoạt động theo phương pháp điện sinh hóa, cho kết quả dựa trên việc đánh giá mật độ của ion nitrat. Sự phân bố của ion nitrat tại các vị trí khác nhau trên thực phẩm có thể hoàn toàn khác nhau và thay đổi theo thời gian. Vì vậy, để có kết quả chính xác nhất, các bà nội trợ nên đo ở 3 điểm khác nhau trên cùng một loại thực phẩm và lấy giá trị trung bình để đánh giá.
Máy đo dư lượng nitrat Soeks đã được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Trước đó, hội đồng thẩm định chuyên môn gồm đại diện của Cục An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng, Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm, Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 đã kết luận sản phẩm Soeks Nuc-019-1 đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam khi có kết quả khá tương đồng với kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm.