Chị Vũ Thị Hoàng Yến, Chủ trại nấm Khánh Việt (tổ 76 ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) kiểm tra các tai nấm Linh Chi chuẩn bị thu hoạch.
Trước đây, nấm Linh Chi thường được trồng ở vùng đất có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhưng vài năm gần đây, nấm Linh Chi được nhiều người dân ở BR-VT ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT) trồng thành công, mang lại giá trị kinh tế cao. Một số địa phương trong tỉnh còn có định hướng xây dựng “làng nấm” hoặc HTX trồng nấm để tạo dựng thương hiệu riêng cho nấm Linh Chi ở BR-VT.
Cách đây 3 năm, chị Đinh Thị Thu Hồ (544, Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu) đầu tư gần 40 triệu đồng làm một căn nhà lá rộng chừng 25m2, thiết kế giàn treo, hệ thống tưới nước tự động để trồng 2.500 bịch phôi giống nấm Linh Chi đỏ. Theo chị Hồ, nấm Linh Chi đỏ là giống thuần tại Đà Lạt. Loại nấm này ít dịch bệnh, không đòi hỏi kỹ thuật trồng quá phức tạp, phù hợp với khí hậu quanh năm mát mẻ và độ ẩm cao. Nhưng với vùng đất nắng gió như ở Vũng Tàu, nếu áp dụng KH-KT, nấm Linh Chi vẫn có thể trồng được. Cụ thể, mẻ nấm đầu tiên, chị Hồ thu được gần 2.500 tai nấm. Đến nay, chị Hồ thu được gần 20 lứa nấm, mỗi lứa thu lãi hàng chục triệu đồng.
Chị Phương Thị Lời (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) cho biết, khi mới bắt đầu trồng nấm Linh Chi, chị cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại như: kinh nghiệm chưa có, vốn ít, việc áp dụng KH-KT vào trồng nấm chưa được bài bản. Thời gian qua, nhờ Hội Nông dân huyện và các đơn vị ứng dụng KH-CN hỗ trợ vay vốn, chuyển giao KH-KT (đầu tư nhà lá, bạt phủ, hệ thống tưới phun sương, cách tự nhân phôi giống)… nên mô hình trồng nấm Linh Chi của gia đình chị Lời đã cho kết quả khả quan. Đến nay, trung bình mỗi năm, chị Lời thu hoạch được 600kg nấm Linh Chi. Sau khi trừ chi phí, chị Lời thu về gần 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ Xuyên Mộc, Vũng Tàu, mà hiện nay nhiều người dân ở các địa phương khác cũng đầu tư trồng nấm Linh Chi. Trại nấm Khánh Việt (tổ 76 ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) có 10 chòi lá được làm nơi trồng nấm Linh Chi. Khi chúng tôi đến thăm, nấm đã được gần 4 tháng, tai nấm to và chuẩn bị thu hoạch được. Chị Vũ Thị Hoàng Yến, chủ trại nấm Khánh Việt cho biết, trước đây chị chỉ trồng nấm mèo, khoảng 2 năm nay nhận thấy trồng nấm Linh Chi cho lợi nhuận cao nên mỗi năm chị trồng 2 vụ nấm Linh Chi trong 10 trại với khoảng 160.000 phôi nấm. Sau 4 tháng thu hoạch một lần với năng suất đạt khoảng 2 tấn (cả giống nấm Hàn Quốc và Việt Nam). Giá bán sỉ cho các đại lý tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… là 500.000 đồng/nấm. Nấm bán lẻ được chia làm nhiều loại, loại tai dày và to bằng bàn tay có giá 700 ngàn đồng/kg; loại nhỏ hơn có giá từ 300.000-400.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí chị Yến thu lãi khoảng 120 triệu đồng/vụ. Theo chị Yến để cho kết quả cao, nhà nấm phải được lợp bằng mái lá, bên trên có gắn những ống tưới dạng phun sương. Từ ngày cấy phôi, đến khi nấm được 45 ngày, ngày nào cũng tưới 2 lần. Nhờ áp dụng hệ thống tưới phun sương nên tiết kiệm được khoảng 90% thời gian và lượng nước tưới.
Bà Trần Thị Thanh Hiếu, cán bộ nông nghiệp UBND xã Xà Bang (huyện Châu Đức) cho biết, hiện toàn xã có khoảng 10 hộ trồng nấm Linh Chi. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng kỹ thuật cao nên nhiều hộ tự làm phôi, nhân phôi giống nấm Linh Chi - Hàn Quốc và xây dựng chòi đạt chuẩn về độ ẩm nên có thể trồng nấm được quanh năm. Để khuyến khích sự phát triển của nghề trồng nấm ở địa phương, hiện xã đang vận động các hộ trồng nấm thành lập HTX hoặc làng nấm. Đồng thời giúp người dân tiếp cận quy trình xử lý nấm sau thu hoạch để bán được với giá cao hơn. “Một số đơn vị du lịch lữ hành cũng đặt vấn đề với xã về việc liên kết với các hộ trồng nấm để đưa khách đến tham quan quy trình trồng và bán sản phẩm cho du khách mua về thưởng thức, làm quà. Tôi nghĩ, bằng cách làm này sẽ góp phần tăng thu nhập cho người trồng nấm, nâng cao thương hiệu nấm Linh Chi của BR-VT đồng thời tạo thêm những điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch”, bà Hiếu nói.
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác và không tốn nhiều diện tích đất. Việc xây dựng các chuỗi liên kết giữa các hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh sẽ giúp nấm Linh Chi của BR-VT có nhiều cơ hội cạnh tranh, mở rộng thị trường.
PHƯƠNG PHÁP LÀM PHÔI NẤM LINH CHI
Để làm phôi nấm Linh Chi cần có các bước: Chuẩn bị đóng túi và thanh trùng túi phôi; chuẩn bị nguyên liệu cấy giống; cấy giống và ươm túi. Trong đó, công đoạn cấy giống rất quan trọng. Phương pháp 1 là cấy trên cọng mì: Với phương pháp này, cần tạo lỗ ở túi nguyên liệu có đường kính từ 1,8-2cm và sâu 15-17cm. Khi cấy giống phải đặt túi nguyên liệu gần đèn cồn và túi giống, sau đó gắp từng que ở túi giống cấy vào túi nguyên liệu. Phương pháp 2 là sử dụng giống linh chi trên hạt, dùng que cấy khều nhẹ giống cho vào túi nguyên liệu sau cho đều trên bề mặt túi, tránh làm dập nát giống. Lượng giống khoảng 10-15gr/túi nguyên liệu.
LÀM SAO ĐỂ BẢO ĐẢM CHO NẤM PHÁT TRIỂN TỐT?
Để bảo đảm cho phôi sinh trưởng, phát triển tốt, độ ẩm trong nhà trồng nấm luôn được giữ ở mức trung bình từ 20-28°C, độ ẩm khoảng 80-90%, không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp lên phôi. Đồng thời, tùy vào thời tiết từng mùa mà phun đủ lượng nước cho nấm. Nếu thiếu nước, nấm sẽ bị khô héo, nhưng nếu tưới quá nhiều nước, nấm sẽ bị úng. Trung bình mỗi ngày tưới nước cho phôi 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Những ngày nắng nóng, lượng nước và số lần tưới có thể tăng lên 3 lần, tùy thuộc vào kinh nghiệm của người chăm sóc. Sau 3-4 tháng, tai nấm đen hết vành là lúc nấm trưởng thành và cho thu hoạch được. Những tai nấm đạt yêu cầu phải giữ được lớp bụi phấn có màu nâu đồng nhất trên bề mặt (được gọi là bào tử), bởi đây là phần quý giá nhất của cây nấm.
|