Nông dân Nguyễn Văn Bên, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết, giá dê thịt hiện nay dao động trong khoảng từ 120.000 – 135.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Gia đình ông hiện có chuồng trại chăn nuôi 20 con dê sinh sản. Dê con đẻ ra ông nuôi thành dê thịt cung ứng thị trường. Với mô hình trên, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi ròng trên 100 triệu đồng. Trước đây, giá dê thịt sụt giảm có lúc chỉ còn 60.000 – 70.000 đồng/kg làm cho nghề nuôi dê lâm vào giai đoạn khó khăn. Thời gian gần đây, giá dê thịt luôn giữ ở mức cao khiến người nuôi dê hưởng lợi lớn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông – địa phương có nghề nuôi dê phát đạt tại tỉnh Tiền Giang, vừa qua, giá dê giống, dê thịt đã ổn định ở mức khá cao, tiêu thụ tương đối thuận lợi, người nuôi có lãi khá.
Nhìn chung, giá dê tăng cao do nhu cầu thị trường lớn và xu hướng tiêu dùng của người dân đang quan tâm hơn sử dụng sản phẩm thịt dê nhiều hơn. Nhờ vậy, giúp nghề nuôi dê phát triển, nông dân những địa bàn khó khăn có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời tổ chức sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.
Tiền Giang hiện có tổng đàn dê khoảng 135.000 con, tập trung tại các huyện, thị ven biển như: Huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công,…Trong đó, lớn nhất là huyện Gò Công Đông có tổng đàn gần 60.000 con, huyện Tân Phú Đông có tổng đàn khoảng 40.000 con.
Là địa bàn tiếp giáp biển Đông thường xuyên đối mặt hạn hán và xâm nhập mặn hàng năm, nông dân huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông đã chọn đưa con dê vào cơ cấu sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả, giúp ổn định cuộc sống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Dê thịt có giá đã thiết thực tạo thêm động lực cho bà con phát triển chăn nuôi dê, xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn phù hợp, bền vững.
Mộng Tuyết
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang