Ông Nguyễn Văn Hòa ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có 14 năm gắn liền với nghề nuôi ba ba với trang trại có quy mô 22 ao nuôi, nhiều khu dành cho ba ba đẻ trứng và lò ấp.
Mỗi năm, ông Hòa xuất bán 5 tấn ba ba thịt và hơn 360.000 con ba ba giống với thu nhập từ 1,5-2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2000. Ban đầu, ông xây ao nuôi thử nghiệm 15 con ba ba giống nhưng do chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên ba ba chết dần dần. Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi ba ba ở các tỉnh khác và tự rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, trong vòng 4 năm ông Hòa đã ổn định được tay nghề và bắt đầu kiếm được thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Đến nay, quy mô trang trại của ông đã lên đến 22 ao nuôi và sản phẩm ba ba thịt của ông được bán cho thương lái và các nhà hàng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Ba ba giống của ông được người nuôi trong cả nước đặt hàng, ông cũng đã thành lập website giới thiệu về trang trại và quảng bá sản phẩm ba ba thịt, ba ba giống.
Theo ông Hòa, khó khăn nhất đối với nghề nuôi ba ba là đảm bảo số lượng ba ba giống trong quá trình ấp, phòng bệnh cho ba ba con và giữ nguồn nước tránh bị ô nhiễm. Mỗi con ba ba bố mẹ sinh sản từ 10-30 trứng/lần nên số lượng trứng mỗi lần ấp rất lớn, người nuôi phải kiên trì và cẩn thận trong việc nhặt trứng ba ba từ các ổ trứng trong cát, xếp gọn vào hộp xốp rồi đưa vào lò ấp.
Ba ba non trong những tháng đầu cần quan tâm đến việc trị bệnh, nhất là bệnh nấm nên thường xuyên dùng thuốc phòng ngừa bệnh, cho ăn đều đặn để ba ba mau lớn và canh để ba ba không leo ra khỏi ao bỏ đi nơi khác.
Với các ao nuôi, ông làm cống, bọng thông với nguồn nước kênh để thay nước thường xuyên trong ao, tránh để nguồn nước ô nhiễm gây bệnh cho ba ba.
Ông Hòa chia sẻ muốn ba ba thịt đạt hiệu quả thì lựa con giống tốt, sạch bệnh, nuôi với mật độ 3-5 con/m2, mỗi ao có rào cao 40cm so với mặt nước để ba ba không bò ra khỏi chuồng, trong ao có bãi cho ba ba ăn và phơi nắng.
Ngoài ra, lựa chọn đối tượng bán cũng là vấn đề quan trọng, phải lựa thương lái và mối quen để bán đúng giá và giữ giá ổn định cũng như tạo đầu ra lâu dài.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang Lê Kim Ngọc cho biết mô hình nuôi ba ba của ông Hòa có hiệu quả kinh tế khá cao và đây là loại vật nuôi chưa phổ biến nhiều ở tỉnh Hậu Giang, lại đòi hỏi trình độ cao trong chăn nuôi nên rất ít người lựa chọn.
Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi ba ba trong tỉnh, đảm bảo cho ba ba thịt đạt an toàn vệ sinh, gắn liền quá trình sản xuất đạt chất lượng với thị trường tiêu thụ ổn định để tăng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.