Chăn nuôi vốn là công việc của nhà nông, góp phần mang lại thu nhập cho bà con. Nhưng với nhiều nhà nông Lâm Đồng, không dừng lại ở việc chăn nuôi gia súc, gia cầm quen thuộc như heo bò gà... họ đã mạnh dạn nuôi những con vật “lạ”, những loài vật vốn xưa nay ít được nuôi với mục đích kinh tế. Và trong cuộc thử nghiệm ấy, không ít người đã làm giàu từ đôi bàn tay và sự dám nghĩ, dám làm của mình.
Trại dế Thiên An (Xã Mê Linh, huyện Lâm Hà - Lâm Đồng) có ông chủ mới ở tuổi 27, anh Nguyễn Quang Huy. Nhà nghèo, ít đất đai, chàng trai trẻ phải rời xa mái trường đại học về nhà cuốc đất làm thuê kiếm tiền phụ cha mẹ. Thật bất ngờ, Huy đã nảy ra ý định nuôi dế, loài vật vốn hay dành cho trẻ em chơi đá dế vào những ngày hè. Sau những thất bại nặng nề vì chưa nắm được tập tính sinh hoạt của loài côn trùng này, Huy đã rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân và quyết tâm nuôi dế để trở thành một món hàng hóa có giá trị. Chọn đúng giống dế có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi mau lớn, anh bắt đầu áp dụng kinh nghiệm của mình vào chăm nuôi đàn dế. Sau nhiều thăng trầm, hiện trại dế của Nguyễn Quang Huy đã có 350 chậu dế, mỗi ngày bán khoảng 1 kg dế thịt với giá 200 ngàn đồng, thu nhập tuy chưa cao nhưng tạm ổn và đang có cơ hội mở rộng trại dế. Mong ước của Huy của làm sao mở được một nhà hàng chuyên chế biến dế thành các món ăn, để bà con có thể thưởng thức món dế ngay tại trại nuôi, không phải tìm vào các nhà hàng đặc sản như hiện nay.
Cũng ở Lâm Hà, ngay thị trấn Nam Ban lại có nông dân làm giàu với con hươu, đó là bác Lê Minh Đầm với chuồng hươu gần 20 con. Từ một cặp hươu đầu tiên được nuôi từ năm 1995, tới nay bầy hươu của gia đình đã có trên 40 con và bác Đầm đã san sẻ hươu giống cho nhiều bà con xung quanh. Theo bác Đầm cho biết, hươu là động vật sống hoang dã mới được thuần hóa, sức sống rất mạnh, không bệnh tật và chăm sóc rất dễ. Thức ăn cho hươu chỉ là các nông sản phụ nhà trồng được như rau củ trong vườn nên có thể tận dụng được nguồn thực phẩm dồi dào này. Hươu nuôi cũng không cần chuồng trại rộng, ít công chăm sóc, hàng năm đều thu được lộc nhung với giá bán hiện tại là 17 triệu đồng/kg nhung. Bởi vậy theo bác Đầm, nuôi hươu cho lãi suất cao, người nuôi lại rất nhàn và an toàn, nên phổ biến rộng rãi việc nuôi hươu cho bà con được biết và chọn lựa.
Với thành phố Đà Lạt, nhiều người lại chọn nuôi những giống chim lạ, vừa kinh doanh vừa như một thú chơi tao nhã. Trong đó, phải kể đến anh Trần Đình Nhơn, ngụ Mê Linh, phường 9, người nuôi thành công chim trĩ, một loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam. Từ sự tình cờ ban đầu, anh đã làm quen với loài chim trĩ và đã nuôi chúng sinh sản được trong điều kiện nuôi nhốt. Thức ăn cho trĩ trưởng thành không khó, tương tự như nuôi gà, riêng trĩ non có chế độ ăn khác hơn trĩ trưởng thành vì khá non nớt, dễ chết. Hiện anh đang nuôi các loài trĩ như trĩ trắng, trĩ đỏ và cả trĩ xanh, đồng thời cung cấp cho thị trường trĩ trưởng thành nuôi làm cảnh với giá 6 triệu đồng/cặp. Anh Nhơn cũng đang tiến hành đưa con chim trĩ trở lại tự nhiên tại một khu du lịch sinh thái để nghiên cứu tập tính của chúng trong môi trường hoang dã, vừa phục vụ du lịch, vừa hy vọng bảo tồn và phát triển loài chim quý hiếm này ngay trong môi trường sống của chúng.
Nuôi trĩ đã đành, anh Lê Hùng Hải, trú tại Phạm Hồng Thái, phường 10 TP Đà Lạt còn nuôi cả công, một loài chim có bộ lông tuyệt đẹp và rất khó tính khó nết. Từ biệt danh “Hải gà tây” bởi anh có trang trại chuyên nuôi gà tây, gà sao cung cấp thịt cho thị trường, nay anh Hải đang lấn sang nuôi chim công, từ công đoạn ấp nở, nuôi công non và công trưởng thành. Hiện anh Hải đang cung cấp cho thị trường công trưởng thành với giá 15 triệu/cặp, hầu hết cho những gia chủ có nhà đủ khuôn viên rộng rãi để thả công.
Nuôi giống vật lạ, mày mò tìm hiểu, mở lối đi riêng, những người nông dân này đã góp phần làm cuộc sống thêm sống động và khuyến khích người khác với tinh thần dám nghĩ dám làm.
|