Bệnh héo rũ gốc mốc trắng do nấm gây ra, thể hiện rõ nhất từ khi cây ớt ra hoa, đậu quả và thu hoạch. Nấm xâm nhiễm vào phần thân cây sát mặt đất, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu tươi, về sau lan rộng tới 2-3 cm bao quanh thân, gốc và lan xuống tận rễ.
Khi cây ớt mới nhiễm bệnh rễ cây vẫn bình thường, sau đó chuyển dần sang màu thâm nâu và thối mục. Khoảng một tuần vết bệnh lan dần, lá dưới gốc héo vàng và rụng trước, sau đó lan lên lá phía trên, bệnh nặng lá ớt héo rũ, toàn thân khô.
Loại nấm này phát sinh, phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao (thích hợp nhất là nhiệt độ 25-30 độ C). Hạch nấm có thể tồn tại 5 năm trong đất khô, 2 năm trên đất ẩm. Nấm gây bệnh được bảo tồn trong đất và các tàn dư cây trồng bằng hạch hoặc sợi nấm, có khả năng sinh sống và nảy nở ở độ sâu khoảng 5-8cm, nếu bị vùi lấp sâu hơn sẽ mất khả năng này.
Để diệt trừ mầm bệnh, nông dân cần dọn sạch tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng, cày sâu từ 10-13 cm để vùi lấp hạch nấm. Trồng luân canh ớt với cấy lúa. Khi trồng cần lên luống cao, rãnh sâu, rộng để dễ thoát nước. Bón phân cân đối hợp lý, không bón nhiều đạm, nhổ bỏ kịp thời những cây héo và hạn chế tưới nước, tránh bệnh lây lan trên ruộng.
Sau khi trồng một tháng, ớt thường bị nhiễm bệnh héo rũ gốc mốc trắng nên cần dùng một trong các loại thuốc như Rovral, Viroval… phun phòng định kỳ; liều lượng phun theo hướng dẫn trên bao bì. Khi phát hiện cây ớt bị nhiễm bệnh sử dụng thuốc Carbendazim hoặc Streptomycine 50-200ppm phun theo chỉ dẫn.