Trong những năm gần đây, bơ đã trở thành loại đặc sản nổi tiếng của Đắk Lắk và đang được bày bán tại nhiều siêu thị lớn tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng..
Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ cây bơ do các giống bơ hiện có đều đồng loạt chín cùng lúc vào khoảng tháng 6 - 6 hàng năm. Vào chính vụ, giá bơ trên thị trường chỉ còn khoảng vài trăm đồng/kg, nhiều người dân đã chặt bỏ những cây bơ sai quả trong vườn cà phê để chuyển sang trồng sầu riêng, chôm chôm, măng chụt, xoài...để có thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên, gần đây nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ các cơ quan nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Trường đại học Tây Nguyên, nhiều nông dân ở xã Ea Na huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã chuyển sang trồng một giống bơ mới có tên là Booth. Đây là giống bơ trái vụ (cho thu hoạch vào khoảng tháng 10, sau các loại bơ hiện có khoảng 2-3 tháng) và đã mở ra một triển vọng mới cho nông dân Đắk Lắk.
Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, giống bơ Booth tỏ ra thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu Đăk Lăk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Hơn nữa, loại bơ này kháng sâu bệnh khá tốt và cho năng suất, chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên đã được nhiều nông dân đưa vào trồng, thay thế những vườn cà phê già cỗi. Mặc dù cho thu hoạch trái vụ nhưng năng suất của bơ Booth không thua kém bơ chính vụ. Đặc biệt, ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao.
Theo một nông dân ở xã Ea Na cho biết, mật độ trồng của loại bơ này khoảng 6x6 mét, bơ rất dễ trồng, sau 3-4 năm là cho thu hoạch, bình quân mỗi cây có thể từ 300-400 kg quả với giá bán trên thị trường khoảng 10.000-12.000 đồng/kg thì mỗi ha bơ có thể cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 2.694 ha bơ với sản lượng hàng năm trên dưới 40.000 tấn bơ/năm. Giá trị thu về từ cây bơ ước đạt 7 triệu USD/năm.
|