Với mục đích giúp bà con nông dân xác định được cơ cấu các giống rau và mùa vụ trồng thích hợp nhằm nâng cao giá trị canh tác, vụ xuân hè năm nay Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng thành công một số mô hình trình diễn sản xuất rau trái vụ cho thu nhập rất cao, từ 120 đến 200 triệu đồng/ha.
Mô hình được triển khai tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa với 30 hộ gia đình tham gia trong thời gian 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2010). Hai giống rau chủ lực được đưa vào gieo trồng là cải ngọt (2ha) và cà chua (1,5ha). Theo sự phân công, Đại học Hồng Đức cung cấp giống rau, phân bón, thuốc BVTV chuyên dụng và 90 triệu đồng từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học cho mô hình Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật chuyên trách theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ gia đình tham gia tất cả các khâu từ lựa chọn đất, giống, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn rau an toàn.
Các hộ gia đình có trách nhiệm góp đất, phân chuồng, phân hữu cơ và trực tiếp gieo trồng, chăm sóc, thu hái và tiêu thụ sản phẩm theo sự chỉ đạo của cán bộ chuyên trách. Do được gieo trồng, chăm sóc theo đúng khung thời vụ và tuân thủ nghiêm ngặt qui trình hướng dẫn nên tất cả 2 loại đều sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bán được giá cao đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao. Báo cáo kết quả dự án cho thấy: 2 ha rau cải ngọt đạt năng suất trung bình 25 tấn/ha, cho sản lượng 50 tấn, thu về 240 triệu đồng (đạt giá trị 120 triệu đồng/ha) 1,5ha cà chua giống chịu nhiệt đạt năng suất 15 tấn/ha, giá trị thu được đạt 200 triệu đồng/ha.
Nói về hiệu quả của mô hình, anh Trần Xuân Giá, một trong những hộ gia đình tham gia mô hình ở phố Bảo An cho hay: tham gia dự án, gia đình anh trồng 3 sào cải ngọt xuân hè mỗi tháng cho thu hoạch 1 lứa, sau khi trừ hết các chi phí thu lãi 1 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Đây là cơ sở khoa học để nông dân có thể mở rộng diện tích, mở rộng thời vụ gieo trồng, thay đổi cơ cấu giống cho phù hợp vừa để tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa có thêm sản lượng rau xanh cung cấp cho người dân Sầm Sơn trong thời gian tới.