Sau gần 2 năm lặn lội vào tận Củ Chi (TP.HCM) để học hỏi kinh nghiệm nuôi dế thương phẩm, cơ sở nuôi dế miền Trung tại thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát (Bình Định) do chị Nguyễn Thị Thanh Nga làm chủ cơ sở đã phát triển tốt và bước đầu đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Cơ sở nuôi dế của chị Nga có mặt bằng chỉ khoảng trăm m2 với hơn 150 thùng nuôi dế sinh sản và dế thương phẩm. Nuôi dế sinh sản kể từ khi dế còn nhỏ đến khoảng 55-60 ngày tuổi là bắt đầu sinh sản còn dế thương phẩm chỉ nuôi trong khoảng thời gian từ 40-50 ngày là xuất bán được. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của chị Nga xuất bán 8 kg dế thương phẩm với giá từ 260-270 nghìn đồng/kg, tính ra bình quân mỗi ngày thu được trên 2 triệu đồng.
Theo chị Nga, việc nuôi dế đỡ vất vả hơn các loại vật nuôi khác, chỉ cho dế ăn mỗi ngày một lần vào buổi sáng, thức ăn là rau cỏ và trộn một ít cám nên chi phí rất thấp. Vào buổi chiều hàng ngày tiến hành dọn vệ sinh sạch sẽ để dế khỏi bị nhiễm bệnh. Điều kiện và phương tiện nuôi dế rất dễ kiếm và những gia đình có vườn rộng, đôi khi chỉ cần vài chục m2 là có thể hình thành cơ sở nuôi dế được.
Việc nuôi dế thương phẩm đã tạo ra một món ăn khá khoái khẩu hiện nay tại các nhà hàng, khách sạn. Dế được đem về chế biến thành các món ăn ngon, bổ dưỡng như: Dế rang muối, chiên dòn, tẩm bột hoặc nấu lẩu rất được khách hàng ưa chuộng và coi đây là một món ăn "đặc sản" hấp dẫn trong các cuộc nhậu, liên hoan, hay tiệc tùng.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: Việc nuôi dế thương phẩm tại cơ sở của chị Nga đã mở ra mô hình mới hiệu quả kinh tế cao và trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này để giúp nông dân trong tỉnh tăng thêm thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo./.