Cao su là loại cây công nghiệp lâu năm, có chu kỳ khai thác dài 20-25 năm nên công tác BVTV chiếm một vị trí rất quan trọng, đó là phòng trị các loại bệnh thường xuyên xảy ra như bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, nấm hồng, rụng lá, loét sọc mặt cạo, nứt vỏ xì mủ...
Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 5 đến nay bệnh vàng lá, rụng lá (Corynespora) đang có nguy cơ phát triển và lan rộng ở cả cao su tiểu điền và cao su của các công ty đang làm cho DN và bà con nông dân ở 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hết sức hoang mang (cụ thể ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương huyện Đồng Phú, TX đồng Xoài, TX Bình Long, tỉnh Bình Phước).
Nguyên nhân: Do nấm Corynespora cassiicola (Berk. & Curt.) Wei, họ Moniliales gây ra, gây hại nặng cho các dòng vô tính như RRIC103, RRIC104.
Ngoài cây cao su, nấm còn ký sinh trên 150 loại cây thuộc nhiều họ khác nhau, trên 80 nước trên nhiều vùng khí hậu từ nhiệt đới đến ôn đới và gây hại trên tất cả các bộ phận của cây từ lá tới rễ. Bệnh gây ra sẽ làm rụng lá, làm giảm quá trình quang hợp, đối với vườn cao su đang khai thác sẽ làm giảm sản lượng mủ, bệnh nặng có thể gây chết cây.
Triệu chứng:
Trên lá: Triệu chứng đặc trưng với vết bệnh màu đen có hình dạng xương cá dọc theo gân lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi các vết lan rộng gây chết từng phần lá do sự phá hủy của lục lạp, sau đó toàn bộ lá đổi màu vàng - cam và rụng từng lá một.
Trên lá non các vết bệnh có hình tròn màu xám đến nâu với vòng màu vàng xung quanh, tại trung tâm đôi khi hình thành lỗ. Lá quăn và biến dạng sau đó rụng toàn bộ.
Trên chồi và cuống lá: Các chồi xanh dễ nhiễm, đôi khi nấm bệnh cũng gây hại chồi đã hóa nâu. Dấu hiệu đầu tiên với vết nứt dọc theo cuống và chồi có dạng hình thoi, có mủ rỉ ra sau đó hóa đen, vết bệnh có thể phát triển dài đến 20 cm gây chết chồi, đôi khi chết cả cây.
Nếu dùng dao cắt bỏ lớp vỏ ngoài sẽ xuất hiện những sọc đen ăn sâu trên gỗ, chạy dọc theo vết bệnh. Trên cuống lá với vết nứt màu đen có chiều dài 0,5-3,0 mm.
Nếu cuống lá bị hại, toàn bộ lá chét bị rụng khi còn xanh dù không có một triệu chứng nào xuất hiện trên phiến lá.
Trước tình hình trên, Chi cục BVTV 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Viện nghiên cứu cao su Việt Nam đã đưa ra một số khuyến cáo, đề nghị bà con nông dân bình tĩnh và sử dụng đồng bộ các biện pháp như sau:
1/ Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm thì phòng trị mới có hiệu quả cao.
2/ Nếu thấy bệnh xuất hiện phải làm vệ sinh vườn, gom lá bệnh đem đốt, nếu vườn rộng không gom được lá thì rải vôi lên mặt tầng lá để tiêu diệt các bào tử nấm sau đó dùng nấm men Trichoderma của trường Đại học Cần Thơ rải hoặc tưới đều lên bề mặt để ức chế bào tử nấm phát triển.
3/ Giảm cường độ cạo (cạo d3) hoặc có thể ngưng cạo.
4/ Bón tăng lượng ka li giúp cây tăng sức đề kháng để chống chịu bệnh, hạn chế bón u rê, không dùng nước phân heo để tưới cho vườn cây cao su vì đây là một trong những nguyên nhân gây bào tử nấm phát triển.
5/ Chọn giống kháng bệnh để trồng như Pb260, Pb255.
6/ Tiến hành phun xịt theo 1 trong 2 công thức sau:
Dùng 15ml Anvil 5EC + 15ml Carbendazim cho 1 bình 8 lít.
Dùng 25 – 30ml Anvil cho 1 bình 8 lít.
Với lượng trung bình 800 – 1.000lít nước dung dịch thuốc cho 1 ha, phun xịt theo nguyên tắc 4 đúng, phun phủ đều mặt dưới lá, phun xịt nhắc lại sau 10 -14 ngày để tiêu diệt triệt để các bào tử nấm còn sót lại.
Với các cách phòng trừ trên vườn cao su sẽ ngưng rụng và ra lá non trở lại.
Hy vọng với một số biện pháp phòng trừ trên, vườn cao su của bà con nông dân sẽ nhanh chóng phục hồi và tiếp tục chu kỳ khai thác.
|