Mấy năm gần đây, tại Lai Châu xuất hiện mô hình doanh nghiệp và nông dân liên kết trồng rừng. Ðến nay, mô hình đã được nhân rộng ở năm huyện với diện tích rừng trồng hàng nghìn ha. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào có thu nhập ổn định từ rừng...
Với cơ chế phối hợp là doanh nghiệp đầu tư vốn, kỹ thuật cho người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, hiện tại tỉnh Lai Châu có năm công ty đầu tư trồng rừng, trong đó dự án trồng rừng của Công ty CP Minh Sơn thực hiện từ năm 2009 được đánh giá khá hiệu quả. Dự án thu hút được lao động tại địa phương, nhất là đồng bào miền núi. Trung bình, cứ khoảng 1.000 ha rừng trồng có thể tạo việc làm cho 45 lao động thường xuyên và 840 lao động thời vụ. Công ty CP Minh Sơn đầu tư trồng rừng với những chính sách hướng tới người dân như: Các hộ tham gia dự án được Nhà nước giao đất, giao rừng thì được ký hợp đồng cung cấp giống, hỗ trợ phân bón và lương thực tương đương với 200 kg gạo/ha/năm trong thời kỳ xây dựng cơ bản. Trong 5 năm đầu, mỗi năm một ha rừng trồng được hỗ trợ thêm ba triệu đồng tiền bảo vệ, chăm sóc. Công ty bảo đảm bao tiêu thu mua hết sản phẩm của người dân làm ra. Khi thu hoạch, lợi nhuận sẽ được chia đôi.
Chúng tôi đến thăm gia đình trưởng bản Sùng A Phủ ở bản Hố Bon, xã Phúc Hoa, huyện Tân Uyên. Sau một năm, gần 20 ha rừng trồng của gia đình Sùng A Phủ đã lên xanh tốt. Trưởng bản A Phủ cho biết: "Công việc của tôi là cắt cỏ, xới đất, trồng và bảo vệ rừng để trâu, bò không phá hoại, rừng không bị cháy. Năm ngoái, được hỗ trợ hơn 75 triệu đồng và ba tấn gạo, gia đình tôi đã đầu tư mua hai chiếc máy cắt cỏ. Năm nay gia đình tôi nhận trồng thêm 30 ha rừng nữa".
Ở bản Hố Bon, vợ chồng Giàng A Chống trước đây thuộc diện hộ nghèo, con cái không được đến trường. Năm 2009, khi tham gia trồng rừng cùng doanh nghiệp, gia đình A Chống đã có cái ăn, đủ cái mặc, con cái được đi học, còn mua được thêm cả ti-vi.
Theo đánh giá chung, việc doanh nghiệp liên kết nông dân trồng rừng ở Lai Châu đã giúp địa phương phủ xanh đất rừng còn bỏ hoang, chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ nương rẫy sang phát triển kinh tế rừng, bước đầu giúp người dân trồng rừng ổn định đời sống, đẩy lùi đói nghèo, góp phần tái tạo rừng phòng hộ đầu nguồn sông Ðà.
Năm 2010, Công ty CP Minh Sơn tiếp tục triển khai kế hoạch trồng mới gần 4.000 ha rừng tại năm huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ và thị xã Lai Châu. Tuy nhiên, kết quả đó chỉ đạt một nửa so với mức đăng ký của người dân. Ðể thực hiện trồng mới gần 8.000 ha rừng, Công ty phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Ngày 11-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 416/TTg-KTTH chỉ đạo về việc cho các đơn vị được vay vốn trồng rừng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Theo đó, chủ đầu tư lập hồ sơ theo quy định và được vay vốn ưu đãi: trả nợ một lần cả gốc lẫn lãi sau khi khai thác rừng, không tính lãi gộp.
Mong rằng, những khó khăn nêu trên sẽ được tháo gỡ, để các dự án xã hội hóa trồng rừng được triển khai có hiệu quả ở nhiều địa phương, để người dân vùng cao có thu nhập ổn định từ rừng./.