Là một địa phương thuần nông, trước đây do chủ yếu trồng lúa, các loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, nên thu nhập của các hộ gia đình ở thôn Đại Hữu, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh còn hạn chế, số hộ khá giả nhờ làm nghề nông khá ít. Nhưng từ 3 năm trở lại đây, từ khi các diện tích rừng thông kinh tế đã đi vào khai thác lấy nhựa, nhiều hộ gia đình ở Đại Hữu đã thực sự thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn trước.
Dự án trồng rừng Pam 4304 chính thức được triển khai từ năm 1992 trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Trên địa bàn thôn Đại Hữu, xã An Ninh, từ năm 1996, có trên 10 hộ gia đình thuộc xóm mới sinh sống ở khu vực phía tây của thôn đăng ký thực hiện dự án trồng rừng Pam 4304 với tổng diện tích trên 30 ha. Nhờ nhận thức được vai trò hiệu quả cũng như thấy được tiềm năng của việc trồng thông lấy nhựa, sau khi được dự án Pam 4304 giao đất, hỗ trợ cây giống và tập huấn kỹ thuật, các hộ gia đình thực hiện dự án đã triển khai trồng kjp thời theo kế hoạch của dự án. Việc bảo vệ, chăm sóc số diện tích rừng trồng được các hộ gia đình ở đây quan tâm và thực hiện nghiêm túc, nhờ đó tỷ lệ cây sống khá cao, bình quân đạt trên 500 cây/ha.
Khi nói về hiệu quả kinh tế từ cây thông mang lại cho người nông dân Đại Hữu, ông Trương Văn Trị, Trưởng thôn cho biết: Đến nay, cả 30 ha rừng thông kinh tế của các hộ gia đình ở Đại Hữu đã đến kỳ cho thu hoạch nhựa, như gia đình anh Lê văn Long, trồng trên 3 ha, gia đình anh em ông Trương Văn Dân trồng 10 ha, gia đình ông Trương Văn Nộ trồng 2,5 ha, gia đình ông Trương Văn Mầu trồng 3,5 ha… Mỗi tháng gom nhựa 2 lần đem bán, 1 ha, người trồng thông ở đây có thể có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng. Nhờ khai thác nhựa thông, nhiều hộ gia đình ở Đại Hữu có một nguồn thu nhập khá cao.
Là một gia đình đông con, vốn sinh sống bằng nghề làm ruộng là chủ yếu, trước đây, việc thu nhập vài chục triệu đồng/năm đối với gia đình lão nông Trương Văn Dân là điều ông chưa bao giờ dám mơ. Nhưng đến nay, khi rừng thông đã đến kỳ khai thác nhựa, với diện tích 10 ha, mỗi năm, anh em gia đình ông Dân có thể thu nhập được vài trăm triệu đồng.
Ông Trương Văn Trị, Trưởng thôn cũng là một gia đình đông con, chuyên sinh sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi với quy mô nhỏ. Trước đây, ngoài thời gian làm ruộng, ông Trị còn tranh thủ thời gian đi làm thợ nề để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Đến nay, khi 2 ha thông đã đến kỳ khai thác nhựa, ông quyết định từ giã nghề thợ hồ để ở nhà vừa chăm sóc rừng vừa khai thác nhựa thông. Bình quân, khoảng trên 1.000 cây thông trên diện tích 2 ha đã cho nhựa, mỗi năm, gia đình ông đã có thu nhập gần 100 triệu đồng.