Với vốn đầu tư không cao, chỉ 1 - 2 triệu đồng là người dân có thể chăn nuôi heo địa phương (heo đen). Nhờ mô hình này, nhiều gia đình ở các xã cụm Đầm Ròn (Đam Rông - Lâm Đồng) đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.
Heo đen vốn dễ nuôi, thường được nuôi theo hình thức thả rông. Do nhu cầu thị trường ngày càng lớn vì thịt ngon, ít mỡ nên giá thịt heo này cao gần gấp đôi so với loại thịt heo thông thường, từ 90.000 - 12.000 đồng/kg thịt hơi.
Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển và duy trì giống heo này, năm 2005, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đam Rông đã triển khai mô hình chăn nuôi heo địa phương cho 10 hộ với 60 con. Gia đình ông Liêng Hót Ha Chú ở thôn 5, xã Đạ Long được giao nuôi 6 con heo giống. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn heo sinh trưởng tốt. Thu nhập từ chăn nuôi heo, ông Chú không chỉ sửa sang nhà cửa khang trang mà còn sắm được nhiều phương tiện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Cảnh túng quẫn, thiếu thốn đã không còn đeo bám gia đình ông. Ông Chú cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, nhờ Nhà nước hỗ trợ heo, cám để phát triển kinh tế nên tôi đã cố gắng chăm sóc. Tính từ khi được giao đến giờ thì cũng được 40 con rồi”.
Từ hiệu quả của mô hình chăn nuôi heo địa phươngT, nhiều hộ ở Đạ Long đã tự mua heo về gây giống. Đến nay đàn heo đã phát triển lên gần 300 con. Nhờ chăn nuôi heo, đời sống người dân cũng được cải thiện. ông Kơ Đơng Ha Klas ở thôn 4, xã Đạ Long nói: “Ban đầu tôi chưa quen nuôi heo đen nên cũng bị thiệt hại nhưng giờ thì ổn rồi”.
Heo địa phương dễ nuôi, ít dịch bệnh, sinh sản nhanh, lại phù hợp với điều kiện chăn nuôi của bà con. Tuy nhiên, do đồng bào vẫn còn thiếu kiến thức chăm sóc, phòng bệnh nên chưa phát huy hết hiệu quả của mô hình này. Bên cạnh đó, bà con vẫn chưa chăn nuôi theo hình thức tập trung trong chuồng trại. “Nuôi heo này không khó và rất phù hợp với bà con. Để phát triển hiệu quả thì cần hỗ trợ thêm kỹ thuật chăm sóc heo”, ông Dơng Gur Ha Krong, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Long nhận định.
Đạ Long là xã thuần nông, có trên 90% dân số là đồng bào DTTS. Mô hình chăn nuôi heo địa phương đã mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi gia súc, giúp nông dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp trong việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như cách phòng chống dịch bệnh cho đàn heo để bà con ổn định sản xuất.