Mô hình trồng rau theo hướng an toàn được hình thành ở Yên Phong từ năm 2006. Địa phương đầu tiên thực hiện là Trung Nghĩa, sau đó phong trào trồng rau an toàn lan rộng sang các địa phương khác như: Yên Trung, Hòa Tiến, Thụy Hòa, Tam Đa, thị trấn Chờ...
Các lớp IPM được triển khai đến các xã, thị trấn nhằm hướng dẫn bà con nông dân nắm bắt được những tiến bộ KHKT về trồng rau sạch an toàn, hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường, tạo nên sản phẩm hàng hóa sạch và an toàn, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, tăng năng suất sản xuất. Từ năm 2005 đến nay, huyện đã tổ chức được 99 lớp IPM cho 2.546 lượt người. Nhờ đó, giá trị canh tác bình quân không ngừng tăng, từ 25,6 triệu đồng/ha/năm năm 2005 đến năm 2009 đã lên đến 29 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, diện tích rau sạch (theo IPM) cũng không ngừng tăng lên theo từng năm, từ 80 ha/vụ năm 2006 lên 419 ha/vụ năm 2008, chỉ tính riêng vụ xuân năm 2010 đã lên tới gần 300 ha.
Hàng năm, huyện cử cán bộ đi học tập mô hình, kỹ thuật trồng rau ở các địa phương có nhiều kinh nghiệm trồng rau quả an toàn. Mỗi vụ có từ 1-2 đợt tập huấn, trung bình mỗi năm huyện có 10 lớp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao KHKT đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, mỗi đợt tham gia có từ 300-500 nông dân.
Bên cạnh đó, Chi cục BVTV tập huấn, đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc đúng cách. Công tác kiểm tra cũng rất được coi trọng, Phòng Nông nghiệp huyện kết hợp với Trạm Khuyến nông thường xuyên kiểm tra cách chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV đúng cách, không bón phân tươi và dùng nước sạch để chăm tưới rau quả.
Qua các đợt tập huấn, nông dân hiểu được hiệu quả kinh tế trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất, học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc rau vừa nâng hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2009, Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ chỉ đạo làm 5 nhà lưới trồng rau và hoa cao cấp theo IPM với diện tích hơn 2.000 m2 tại HTX Bút Lâm (TT Chờ) đạt hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập trung bình từ 100-200 triệu đồng/sào/vụ.
Hiện nay, Yên Phong có 70 ha chuyên trồng rau sạch, trong đó tập trung chủ yếu ở Trung Nghĩa với hơn 50 ha. Rau màu được trồng chủ yếu là các loại có giá trị kinh tế cao như: Dưa chuột xuất khẩu cà chua PT18, cà chua Trang nông 001, 005, HT7… (cho năng suất 5-7 tạ/sào) bí xanh (năng suất 1,5-2 tấn/sào, có thể trồng 3-4 vụ/năm), ngoài ra, còn có bầu, mướp, ớt, cải ngọt, cải củ… diện tích trồng nhiều nhất là ở HTX Tiên Trà và HTX Đông Mai (Trung Nghĩa).
Rau quả của huyện ngoài cung cấp cho thị trường ở địa phương thì chủ yếu được thu gom cho các thương lái chuyển về Hà Nội, Hải Phòng tới các chợ đầu mối, các siêu thị. Trồng rau sạch không chỉ xoá đói giảm nghèo mà hiện nay đang là nghề làm giàu cho nông dân Yên Phong. Điển hình là ở HTX Đông Mai (Trung Nghĩa), sau 4 năm phát triển trồng rau an toàn, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể.
Ông Ngô Huy Cận, Chủ nhiệm HTX Đông Mai cho biết: “Trồng rau theo hướng an toàn được đưa về HTX từ năm 2006, đến nay HTX đã có 25 ha chuyên trồng rau màu. Giá trị kinh tế trồng rau sạch cao hơn trồng lúa rất nhiều. Trừ chi phí, trung bình đạt 1,2-1,5 triệu đồng/sào/vụ, một năm có thể trồng từ 9-10 vụ. Nhờ trồng rau sạch nhiều xã viên trong HTX đã thoát nghèo có cuộc sống ổn định”.
Trồng rau an toàn đang mở ra hướng đi mới cho người dân Yên Phong, tuy nhiên việc phát triển rau an toàn vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung nên việc hướng dẫn chỉ đạo và giám sát các quy trình kỹ thuật chăm sóc còn gặp nhiều khó khăn nguồn vốn đầu tư còn hạn chế chất lượng sản phẩm không đồng đều thị trường tiêu thụ không ổn định, sản phẩm thường bị ép giá khi thu hoạch đại trà… Để việc trồng rau an toàn đi vào ổn định và phát triển hơn nữa, huyện rất cần sự quan tâm đồng bộ của các ban, ngành đặc biệt là hỗ trợ vốn và hướng dẫn KHKT cho người dân.