Hiện nay, Thanh Hóa có trên 700.000 ha rừng và đất nông nghiệp, trong đó có 90.000 ha rừng đặc dụng và khoảng 25.000ha diện tích trồng cây ăn quả Từ tiềm năng thực tế về diện tích đất rừng, đất trồng cây ăn quả và đất nông nghiệp mà phong trào nuôi ong ở Thanh Hóa trong những năm gần đây đang được khôi phục và phát triển khá mạnh.
Với lợi ích thiết thực của nghề nuôi ong, Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong mật với trên 100 đại biểu là các chủ trang trại nuôi ong tham dự, nhằm động viên, khuyến khích các hội viên VAC phát triển nuôi ong thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh với mục tiêu: "phát triển nuôi ong nhằm bảo vệ rừng và làm cho môi trường trong sạch, tránh sự rủi ro do bão, lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng về đời sống kinh tế của nhân dân".
Nuôi ong không tốn đất, đầu tư vốn và công ít, nhanh thu hoạch, góp phần giảm đói nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Ban đầu, mỗi hộ đầu tư khoảng 3-6 triệu đồng cho 5-10 thùng ong, sau 3-4 tháng đã có sản phẩm, mỗi thùng thu được 15-20 lít mật/năm, với giá thành từ 70.000- 100. 000 đồng/lít. Như vậy mỗi thùng ong thu lãi từ 1,5- 2 triệu đồng.
Một số huyện trong tỉnh như: Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Thị xã Bỉm Sơn đã thành lập được câu lạc bộ nuôi ong cùng trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, phòng, chữa bệnh, cách tách đàn và quay mật... đặc biệt là hướng tìm đầu ra cho sản phẩm rất tốt Bên cạnh đó, việc nuôi ong không ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên mà loài ong còn thực hiện vai trò thụ phấn chéo cho các loại cây trồng, góp phần tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật.
Nhiều hộ ban đầu chỉ nuôi 10-20 thùng, sau một năm đã tăng lên hàng trăm thùng, cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. Nếu nuôi tốt 10 thùng ong/năm, cũng nhân thêm được ít nhất 5 thùng ong giống (giá bán 500.00đ/thùng), trừ chi phí như: thức ăn bổ sung, thuốc phòng, chữa bệnh, mua thùng và cầu ong (1.500.000 đồng), lãi thu được 9-10 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ Ông Nguyễn Đức Nhuận ở Thạch Sơn, huyện Thạch Thành nuôi 120 đàn ong, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng hộ ông Lê Bá Vượng ở trang trại Sao Vàng, huyện Thọ Xuân có 500 đàn ong, mỗi năm thu được 3 tấn mật, cho thu nhập trên 400 triệu đồng ông Lưu Văn Tĩnh ở xã Thành Kim (Thạch Thành) có 60 đàn ong, thu nhập trên 50 triệu đồng…
Hiệu quả thiết thực từ mô hình nuôi ong lấy mật ở Thanh Hoá đã và đang góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Đây là nghề có xu hướng phát triển, và được xem là một trong những nghề có thể xoá đói, giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.