Sau nhiều năm nghiên cứu, xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm trên vùng đất Tây Nguyên, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên đã xác định và đưa vào khuyến cáo bà con nông dân các địa phương trồng những loại cây phân xanh sau đây vừa để chống xói mòn, bảo vệ đất vừa dùng làm phân bón để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng:
- Kinh nghiệm của bà con nông dân các tỉnh vùng Tây Nguyên thường dùng cây đậu Hồng Đáo để trồng xen trong các vườn cà phê, cao su, cây ăn quả… khi chưa khép tán cho kết quả rất tốt: giữ ẩm tốt, hạn chế được cỏ dại, đỡ rửa trôi phân bón, tiết kiệm được nhiều vật tư và công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận. Ngoài việc trồng để làm phân, cải tạo đất, bà con còn dùng hạt đậu Hồng Đáo để ăn vì chúng rất giàu đạm.
- Cây đậu mèo Thái Lan được nhập nội và trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên từ năm 1993 hiện đang được phát triển mạnh vì có những ưu điểm như sau: cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, chịu hạn tốt, cho sinh khối hữu cơ cao, có thể gieo giữa 2 hàng cao su, hoặc trồng trên vùng đất trống, đồi trọc để phủ đất, chống xói mòn và làm phân xanh.
- Cây Kutdu (nhiều nơi gọi là cây sắn dây dại) là loại dây leo được gieo bằng hạt, hoặc giâm bằng hom cành trồng xen giữa các hàng cao su hoặc trong vườn cây ăn quả lâu năm để phủ đất và cắt làm phân xanh.
- Muồng hoa vàng hạt lớn và muồng hoa vàng hạt nhỏ đều là những loại cây dễ trồng, cho sản lượng chất xanh cao. Cả 2 loại muồng này đều có thể gieo thuần làm cây phủ đất hoặc gieo thành băng, chắn gió, chống xói mòn, gieo giữa các hàng cao su, cà phê để làm cây che bóng tạm thời hoặc cắt làm phân xanh.
- Các loại cốt khí, đậu Săng, đậu Kiếm, điên điển, lạc dại hoa vàng, cỏ Stylo, thảo quyết minh, Fleimingia v.v… đều là những loại cây đã được trồng thử nghiệm cho kết quả tốt, hiện đang được trồng phổ biến trên các vùng đất đồi núi ở Tây Nguyên chủ yếu làm cây cải tạo và bảo vệ đất rất tốt.
Theo các nhà khoa học, kết quả phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong các loại cây trồng trên cho thấy: trong 3 thành phần N, P, K thì lượng đạm chiếm hàm lượng cao nhất, tiếp đến là kali và cuối cùng là lân đặc biệt là với nhóm cây đứng, tiếp đến là nhóm thân bò và cuối cùng là nhóm thân bụi. Đây là cơ sở khoa học để giúp bà con lựa chọn đúng giống, đúng loại cây trồng phù hợp với mục đích sử dụng nhằm đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên từng loại đất, cây trồng chính và vùng sinh thái cụ thể khác nhau.