Trong 7 tháng vừa qua, xuất khẩu cao su giảm mạnh tới 32%, cao nhất trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, giá cao su xuất khẩu cũng giảm gần 25%.
Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng qua, cao su là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, mức giảm cụ thể là 32%, kim ngạch chỉ ước đạt 832 triệu USD và giá xuất khẩu cũng giảm tới 24,8%.
Bộ cũng đánh giá, cao su hiện tại chủ yếu được sản xuất phục vụ cho mục đích xuất khẩu, chiếm 90% lượng cao su sản xuất. Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất trên thế giới. Năng suất cao su của Việt Nam hiện đang xếp thứ 2 thế giới và thứ 4 về sản lượng. Theo báo cáo tiềm năng xuất khẩu mới nhất của Bộ cũng đánh giá “cao su là ngành hàng có tiềm năng cao về xuất khẩu”.
Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho biết, nếu vào đầu những năm 1990, năng suất cao su trung bình của Việt Nam chỉ đạt mức 700 – 800 kg/ha thì hiện tại đã đạt 1.720 kg/ha, ngang bằng với năng suất cao su của Thái Lan và chỉ đứng sau Ấn Độ. Về diện tích trồng cao su, đến hết năm 2012 đạt xấp xỉ 910.500 ha, vượt mục tiêu 800.000 ha theo quy hoạch của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng đánh giá tiềm năng xuất khẩu (thuộc Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống hỗ trợ thương mại địa phương”) cho hay: Việc tăng diện tích cây cao su ngoài tầm kiểm soát đã gây ra một số hệ lụy liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su làm ảnh hưởng tới hệ môi trường, biến đổi khí hậu và một số tác động về mặt kinh tế – xã hội.
Đánh giá trong báo cáo tiềm năng xuất khẩu của Bộ Công Thương: Mặc dù tăng nhanh về diện tích trồng cao su, nhưng “giá trị gia tăng từ cao su lại chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân quan trọng là do công nghệ chế biến còn kém phát triển và các ngành công nghiệp phụ trợ sử dụng sản phẩm cao su ở Việt Nam chưa phát triển đúng mức để tăng thêm giá trị gia tăng cho ngành”.
Theo ông Ngô Quang Mỹ, Tư vấn Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống hỗ trợ thương mại địa phương”, tuy sản xuất và xuất khẩu nhiều nhưng lợi nhuận thu về của ngành cao su Việt Nam còn rất hạn chế. Bởi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su không lớn và Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu ròng hầu hết các sản phẩm cao su.
Theo đó, ông Mỹ cho rằng: Vấn đề chính đối với ngành cao su của Việt Nam hiện nay là các nỗ lực tập trung vào việc tăng sản lượng, nâng cấp công nghệ chế biến (ví dụ như công nghệ chế biến cao su từ xông khói được dùng để sản xuất các trang thiết bị nhựa và được ứng dụng rộng rãi trong kỹ thuật làm lốp ô tô…), khai thác khả năng sản xuất các chủng loại cao su phục vụ nhu cầu cao cấp và cải tiến hồ sơ “thương hiệu” của Việt Nam cho đến nay đều chưa hiệu quả.
Theo đó, để phát triển xuất khẩu cao su, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần phải tập trung vào việc cải thiện tính hiệu quả của cao su thiên nhiên và phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm cao su trong nước.