Giống ngô chuyển gien NK4300 Bt/GT có tổng chi phí sản xuất thấp hơn, năng suất cao hơn, hiệu quả sản xuất ngô của bà con được nâng cao rõ rệt.
Ngày 8/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức chuyến đi tham quan, khảo nghiệm ruộng ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT tại Vĩnh Phúc. NK4300 Bt/GT là loại ngô biến đổi gen mang hai sự kiện Bt 11 kháng sâu đục thân và sự kiện GA21 chống chịu thuốc trừ cỏ glyphosate. Vụ Xuân 2015, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH Sygenta Việt Nam tiến hành khảo nghiệm so sánh diện rộng giống ngô này. Mục đích của khảo nghiệm nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất và hiệu quả của giống trong điều kiện tự nhiên và sản xuất tại địa phương để làm cơ sở công nhận giống chính thức và chuyển giao nhanh công nghệ giống cây trồng chuyển gen vào sản xuất.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho hay, hiện nay sâu đục thân và cỏ dại đang là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả của sản xuất ngô trên cả nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng các giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân và kháng được thuốc trừ cỏ là cần thiết.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống ngô chuyển gen NK4300 Bt/GT với sự kiện chuyển gen GA21 đã thể hiện mức chống chịu rất cao với thuốc trừ cỏ Glyphosate, cỏ đã được diệt tương đối triệt để đến khi thu hoạch. Do đó, cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, giúp tăng năng suất ngô khi cây hấp thu được hoàn toàn chất dinh dưỡng mà không bị cỏ dại cạnh tranh. Trong khi đó, giống ngô thường làm cỏ bằng tay việc quản lý cỏ dại không triệt để. Sau khi làm cỏ vung gốc lần 1 cỏ dại vẫn tiếp tục tái sinh và phải làm cỏ lần 2 khi cây ngô được 7 - 9 lá.
Vĩnh Phúc đang tiếp tục thử nghiệm ngô biến đổi gen NK 4300 Bt/GT trong vụ này
Đối với hiệu quả quản lý sâu đục thân, gen Bt11 đã giúp NK4300 Bt/GT hầu như không bị sâu đục thân gây hại trong suốt toàn bộ quá trình sinh trưởng phát triển. Điều này giúp ruộng ngô chuyển gen giữ được sức sinh trưởng và không bị thiệt hại về năng suất do sâu đục thân gây hại, góp phần giảm tỷ lệ thối trái thứ cấp, tăng chất lượng hạt thương phẩm. Tỷ lệ sâu đục bắp ở giai đoạn thu hoạch trên giống ngô chuyển gen là không xuất hiện trong khi trên giống ngô thường là 40.7%.
Như vậy, do hiệu quả từ việc sinh trưởng mạnh, tạo sinh khối lớn, không bị sâu đục thân phá hoại nên các chỉ tiêu cấu thành năng suất đều cao hơn đối chứng. Năng suất ngô chuyển gen đạt 8,4 tạ/ha, cao hơn giống nền chỉ đạt 6,6 tạ/ha, tăng 27,4% trong cùng điều kiện canh tác.
Năm nay là năm thứ 5 Vĩnh Phúc đưa vào thử nghiệm ngô biến đổi gen và triển khai đồng bộ ở tất cả các huyện, mỗi huyện 10 - 20 ha. Chị Lê Thị Phương, xã Duy Khiên, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc cho hay, gia đình chị đã trồng khảo nghiệm 1ha. Kết quả so sánh cho thấy, ngô biến đổi gen sẽ tiết kiệm được chi phía làm cỏ so với ngô bình thường khoảng 170.000 - 185.000 đồng/sao. Chi phí phun thuốc trừ sâu đục thân ở ruộng ngô thường cũng tốn hơn so với ruông ngô biến đổi gen khoảng 70.000 đồng/sào.
Ông Lê Văn Dũng đánh giá, hiệu quả về năng suất và kinh tế được thể hiện rõ rệt. Tổng chi phí sản xuất ngô thường là 23,6 triệu đồng/ha, trong đó cao nhất thuộc về phần công làm cỏ. Việc ứng dụng giống ngô chuyển gen, mặc dù giá hạt giống cao nhưng do giảm được công làm cỏ nên tổng chi phí sản xuất thấp hơn, dẫn đến giá thành hạ kết hợp với năng suất tăng nên hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt. Lợi nhuận thu được từ việc ứng dụng ngô chuyển gen là 30,5 triệu đồng/ha trong khi giống ngô thường lợi nhuận là 16,2 triệu đồng/ha. Như vậy, sản xuất ngô biến đổi gen lãi khoảng 1,1 triệu đồng/sào 360m2 trong khi sản xuất ngô thường là 585.000 đồng/sào.