Một năm 12 tháng chăm sóc, bao mồ hôi, công sức với hy vọng thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán. Ấy vậy mà chỉ trong vòng 1 tháng, 2 trận lũ đổ về nhấn chìm hàng chục ngàn chậu mai cảnh đang độ sung sức, chuẩn bị kết hoa đền ơn người trồng. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là xuất bán, người trồng mai không biết cây có ra hoa được không hay là chết vì "sặc nước".Một cái Tết thiếu thốn đang hiện hữu trước mắt người trồng mai.
|
Ông Nguyễn sinh Kề đang cố gắng phun thuốc kích thích lá, rễ hy vọng vớt vát phần nào vụ mai Tết.
|
Đến hôm nay, tại tỉnh Bình Định nước lũ đã rút nhưng nhiều vườn mai vẫn ngập trong nước. Hầu hết mai của bà con xã Nhơn An, thị xã An Nhơn trồng, chăm bón ngoài ruộng, vì vậy nước ngập tràn bờ và rút chậm.
Ông Võ Đình Hà đang thẫn thờ xếp từng chậu mai, tỉa lại từng cọng lá với hy vọng vớt vát khi Tết cận kề.Vụ mai năm nay, gia đình ông Hà trồng 5.000 chậu mai cảnh, trong đó dự kiến bán đợt Tết này khoảng 3.000 cây.Từ đầu năm đến nay, hơn 100 triệu đồng đổ vào vườn mai với bao hy vọng. Vậy mà chỉ trong vòng 1 tháng, 2 đợt lũ lớn, toàn bộ gần 5.000 chậu mai bị nước lũ nhấn chìm nhiều ngày.
Sau đợt lũ đầu tháng 11 chưa kịp thống kê, phân loại để chăm sóc cho cây mai hồi sức, thì đầu tháng 12 này, lại chồng thêm đợt lũ mới, khiến cây mai không thể gượng dậy nỗi.
Ông Võ Đình Hà buồn rầu cho biết, đầu tư vào vụ mai gia đình phải đi vay nóng 50 triệu, mỗi tháng 1,5 triệu tiền lãi giờ không biết xoay sở ra sao: “Tết năm nay thì bó tay. Nếu mà không bị 2 trận lụt vừa qua thì có thể bán được từ 500 đến 700 chậu hoặc ngàn gốc. Bây giờ do nước lũ, lá rụng, búp thối cho nên không có thu hoạch, không bán chác gì được hết. Con cái ăn học mình chờ vào cái Tết bây giờ không có cái gì thu hoạch được”.
|
Ông Võ Đình Hà khẩn trương chuyển những chậu mai bị ngập lên chỗ cao ráo.
|
Gần ruộng nhà ông Hà là vườn mai của gia đình ông Nguyễn Sinh Kề, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An. Cũng như các gia đình khác, ruộng mai hơn 2.000 gốc của ông cũng chìm trong 2 đợt lũ. Khi nước lũ vừa rút, ngày đêm ông ở ngoài vườn thay đất, bón phân, phun thuốc, vặt lá với hy vọng vớt vát phần nào một số chậu mai còn có thể thu hoạch cho Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, điều ông Kề lo lắng nhất là 2.000 chậu mai này liệu có thể sống nổi cho vụ năm sau, vì nếu mất trắng thì phải cả chục năm nữa mới gây dựng lại vườn mai như hôm nay.