Theo đó, trên những vườn cà phê Việt Nam, các vật bị bỏ đi lại được tái sử dụng với mục đích mới, trở thành công cụ giúp nông dân tiết kiệm nước. Cụ thể, những vỏ lon sữa đặc rỗng được sử dụng để đo lượng mưa. Những chai nhựa được đặt úp trong đất có thể đo độ ẩm của đất. Những công cụ này sử dụng đơn giản, gần như không tốn chi phí gì, dễ dàng phổ biến tại các nông hộ nhỏ trồng cà phê tại Việt Nam.

Ảnh minh họa trên website tập đoàn Nestlé.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới và có tới 2,6 triệu người có đời sống kinh tế phụ thuộc vào cây cà phê. Phần lớn diện tích cà phê tập trung tại khu vực Tây Nguyên, tại đây 96% lượng nước sử dụng cho canh tác nông nghiệp.
Tình trạng thay đổi khí hậu và việc sử dụng lãng phí nguồn nước trong nông nghiệp đồng nghĩa với với việc khan hiếm nước là một mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với ngành công nghiệp cà phê.
Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé cho rằng, một cách để giải quyết vấn đề nước nhanh chóng trên diện rộng là sử dụng những công cụ chi phí thấp mà người nông dân có thể dễ dàng áp dụng, và hướng dẫn cho những nông dân khác sử dụng những công cụ này.
“Cà phê ở Việt Nam được trồng trong những trang trại nhỏ có diện tích khoảng từ 2 tới 3 ha. Do đó những kỹ thuật quản lý quy mô lớn thường khó thực hiện, tuy nhiên những công cụ sáng tạo từ sáng kiến của người nông dân thực sự rất hữu ích”, ông Ngọc cho biết.