Khi mới bắt tay vào làm, anh Soái gặp không ít khó khăn. Trường hợp lan bị bệnh chết hàng loạt hoặc không ra hoa là chuyện không hiếm gặp. Anh Soái bộc bạch: “Tôi tự tìm hiểu kỹ thuật trồng lan qua sách, báo, Internet. Một điểm thuận lợi nữa cho tôi là xã Đông La - nơi tôi sinh sống vốn là “thủ phủ” trồng hoa lan ở Hà Nội. Nhiều hộ dân ở nơi đây rất vững nghề trồng hoa lan. “Trăm hay không bằng tay quen”, tôi đến nhà các hộ trồng lan ở xã xin được phụ việc và học nghề trồng hoa lan. Các bác, các anh chị đi trước đã truyền đạt cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng lan từ cách chọn đất, phơi đất, xử lý xơ dừa, chọn cây giống, cách chăm sóc, phòng bệnh cho lan…” - anh Soái cho biết.
Bằng thực tế của mình và tìm thêm kiến thức trong sách vở, đến nay anh Soái đã thành công trong việc nhân giống được các loài hoa để chủ động nguồn giống hoa cho vườn nhà. Từ 80m2 trồng lan ban đầu, đến nay anh Soái đã mở rộng lên hơn 700m2 diện tích trồng lan. Hiện, anh Soái đang sở hữu vài chục loài lan rừng rất quý hiếm như đai trâu, tam bảo sắc, lan đuôi sóc, lan đuôi cáo... Từ trồng và bán hoa lan, mỗi năm gia đình anh Soái có thu nhập 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
“Tôi thấy trồng hoa lan rất thích hợp với nông dân nơi đô thị khi mà đất sản xuất của họ không nhiều. Với từng loại hoa lan có những cách chăm sóc khác nhau. Nhưng điểm chung cơ bản là phải tưới nước thường xuyên, bón phân, phun thuốc chống nấm định kỳ. Ngoài ra, người trồng phải có tâm huyết, tình yêu đối với cây hoa lan thì cây lan nhất định sẽ sống tốt”- anh Soái chia sẻ bí quyết trồng hoa lan.