- Theo ông Cao Hưng Thái, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã có không ít trường hợp mắc bệnh chưa đến mức phải tử vong nhưng do bị lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn kháng thuốc và chết vì nguyên nhân này chứ không phải vì bệnh ban đầu.
Ông Cao Hưng Thái cho biết ở Việt Nam đã có những chủng vi khuẩn biến đổi gen kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có. Tỉ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam rất cao. Tỉ lệ tiền thuốc dùng trong cơ sở khám chữa bệnh chiếm đến 50% chi phí khám chữa bệnh, trong đó chi phí cho thuốc kháng sinh chiếm 33%.
Ông Thái cũng cho biết theo điều tra của Cục Quản lý khám chữa bệnh, người dân ở khu vực nông thôn mua thuốc kháng sinh không có đơn thuốc rất cao. Càng ở vùng sâu, vùng xa tình trạng lạm dụng kháng sinh càng nghiêm trọng. Trong khi đó, việc lạm dụng kháng sinh ở khu vực y tế tư nhân và Nhà nước cũng có khác nhau. Trong khi cơ sở y tế nhà nước về cơ bản có nhiều hệ thống giám sát, còn y tế tư nhân rất khó kiểm soát vì số lượng quá đông, quá nhiều...
Theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, không chỉ người dân nhận thức về vấn đề kháng sinh, kháng thuốc không đúng mà ngay cả các y, bác sĩ cũng lạm dụng kháng sinh, thể hiện qua việc kê toa. Kết quả một điều tra của WHO gần đây cho thấy không ít đơn thuốc được kê trên hai loại kháng sinh. Đại diện của WHO cho rằng rất khó hiểu với việc kê đơn như vậy bởi “dường như là thói quen của bác sĩ chứ không có chuẩn mực nào quy định điều đó” - đại diện này đánh giá.
Những nguyên nhân chính khác dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam được các chuyên gia nêu ra là: bán - mua kháng sinh hiện nay quá dễ dàng, lạm dụng trong kê đơn, trong điều trị, người dân sử dụng tùy tiện kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ..