Sáng sớm, khi nước dưới sông Xà Lò còn lạnh băng và phảng phất sương mai, đồng bào Cơ Tu ở thôn Pà Oai đã vác cuốc đi vào khe núi, nơi có đám ruộng chung của dân làng. Đồng bào ở vùng giáp biên này đã tìm thấy niềm vui qua những công việc có tính tập thể, cùng ăn, cùng làm, cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống.
Tại khu ruộng chung, khoảng 100 người xếp thành một hàng dài từ bờ bên này đến tận bờ bên khe núi, từ già đến trẻ, mỗi người đứng cách nhau khoảng 2 bước chân trong tư thế chống cuốc chờ đợi khoảng 10 phút để Trưởng thôn Pờ Lăng Pơn đếm lại quân số tham gia, đồng thời chờ đợi những người đi muộn kịp có mặt trong hàng ngũ. Trưởng thôn là một thanh niên còn rất trẻ, tuổi chưa tới 30, từng hoàn thành nghĩa vụ quân sự.Pờ Lăng Pơn chạy tới chạy lui nhìn vào “hàng quân” đang trong tư thế chờ phát lệnh. Đúng lúc trưởng thôn giơ cao tay và phát lệnh “ây dà, cuốc”, không ai bảo ai, tất cả cắm cúi “bập” những nhát cuốc thật mạnh xuống đám ruộng vừa gặt. Âm thanh của cuốc, tiếng nói lao xao lẫn với tiếng cười. Gần 100 con người băm mạnh nhát cuốc và tiến dần về phía trước.
|
Gần 100 người thuộc 60 gia đình cũng cuốc đất trên đám ruộng chung. Ảnh: L.V.C
|
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, chị Alăng Kéo lấy cuốn sổ ra ghi chép số người trong tổ đi làm công.“Có một ít người ở nhà.Nhưng đi hay không thì mình cũng không ép. Đi nhiều thì có điểm nhiều, được chia nhiều lúa, mà đi ít thì ít lúa chứ không ý kiến gì hết” - chị cho biết. Theo giao ước của tập thể, bà con “xã viên” sẽ tập trung cuốc xới đất ruộng trong 3 ngày, xong xuôi sẽ định 4 ngày để cấy, đến mùa gặt lúa, bà con lại tập trung 5 ngày nữa là có thể đưa lúa về cất trong chòi. Đám ruộng tập thể nằm lọt trong thung lũng. Quanh đám ruộng có 6 ngôi nhà sàn tập thể lao xao tiếng của trẻ nhỏ và em bé sơ sinh. Đó là ngôi nhà chung của 6 đội thuộc hợp tác xã tự nguyện. Sau giờ cuốc đất, 6 đội tản về ngôi nhà này nghỉ ngơi, ăn uống, chia sẻ câu chuyện trong cuộc sống. Còn trai gái thì bắt đầu lân la tìm đến nhau để chuyện trò, tìm hiểu, hứa hẹn.
Chuyện người dân đồng lòng làm ruộng chung theo kiểu hợp tác xã được ông Pờ Long Dức (thôn Pà Oai) kể rằng, đám ruộng này có diện tích 3,5ha, nguyên của một hợp tác xã từ thời bao cấp, sau này khoán cho các hộ dân, rồi sau đó địa phương tính chia lại cho các nhân khẩu mới. Nhưng rồi cả làng đều ý kiến là “làm chung vui hơn, chia ra làm gì. Cái bụng đồng bào như vậy thì xã chấp nhận để ruộng chung làm chung, ăn chung”. Vậy là gần 30 năm qua, khu ruộng ở khe suối của xã La Êê trở thành ruộng tập thể của 60 hộ đồng bào Cơ Tu nơi đây. Ông Dức cho biết, nhờ làm chung mà mọi người đoàn kết và thương nhau hơn. Đám ruộng này được dân làng hợp tác trên tinh thần tự nguyện, và do điều kiện canh tác thuận lợi, lại có điều kiện hỗ trợ nhau nên bà con hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều người còn xem đây là cơ hội để dân làng cùng nhau chia sẻ, nuôi dạy con cái và gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào mình.“Bên cạnh đám ruộng này cũng có một vài đám ruộng nhỏ của nhiều gia đình.Họ không tham gia “hợp tác xã” vì điều kiện không thuận lợi.Làm riêng cũng được nhưng buồn lắm, không có nhiều người để nói chuyện, không có bạn rủ đi tháo nước ruộng” - ông Pờ Lăng Dức nói.
Sau ngày cuốc đất và cấy, lúa trên cánh đồng bắt đầu lên xanh mơn mởn. Trời cho mảnh đất tốt nên đồng bào không cần bón phân, chỉ cần đủ nước, giống lúa tốt là cho nhiều hạt chắc.Khi lúa nhú lên, đồng bào cử 6 người bắt đầu chấm công tháo nước và thăm ruộng.Theo quy định cứ 2 công thì mới được chấm một điểm vào sổ. Vào thời điểm này, cứ 3 - 4 gia đình đi tháo nước và thăm ruộng theo định kỳ 3 ngày/lần. Chị Dức, một thành viên trong “hợp tác xã” cho biết: “Mùa lúa năm vừa rồi, tính cộng điểm chia ra, nhà tôi được 40 ang thóc. Nhiều gia đình làm ruộng chung nên kiếm đủ gạo ăn”.