GS Hà Minh Đức làm việc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam Đây là sưu tập cá nhân đồ sộ với gần 10.000 tài liệu hiện vật, đa dạng về loại hình, đáng chú ý là hơn 4.000 bản ghi chép, bản thảo nghiên cứu về các tác gia văn học, góp phần phản ánh sự nghiệp nghiên cứu của GS Hà Minh Đức. Đó là một quá trình kéo dài đến mấy chục năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn hay nhà nghiên cứu và ghi chép những vấn đề văn học mà ông quan tâm. Tất cả được GS Hà Minh Đức đưa thành các vấn đề cụ thể, theo thời gian. Trong đó có ghi chép về các nhà văn nhà thơ như Nam Cao, Tô Hoài, Xuân Diệu, Anh Thơ, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi… Sự nghiệp nghiên cứu của GS Hà Minh Đức bắt đầu từ khá sớm, mở đầu bằng tác phẩm Nam Cao - Nhà văn hiện thực xuất sắc ông viết năm 1961, với lời tựa của nhà văn Tô Hoài. Trong quá trình nghiên cứu, Hà Minh Đức tự xác định cho mình con đường đi riêng, với ba trọng điểm: Thứ nhất, những vấn đề lý luận văn nghệ, văn học Việt Nam thế kỷ XX; Thứ hai, nghiên cứu về văn thơ, báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thứ ba, nghiên cứu về các nhà văn, nhà thơ trong văn học Việt Nam hiện đại. GS Hà Minh Đức đã để lại khối lượng các tác phẩm: Nhà văn và tác phẩm (1971); Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (1974); C. Mác, Ph. Ănghen, V. I. Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ (1982); Thời gian và trang sách (1987); Nam Cao - Đời văn và tác phẩm (1997); Nguyễn Bính - thi sĩ của đồng quê (1994); Tô Hoài - sức sáng tạo của một đời văn (2010); Tế Hanh - Mãi mãi hoa niên (2012)… Đặc biệt, cụm công trình “Văn học Việt Nam hiện đại và lý luận văn học” đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001), và cụm công trình “Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam” đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2012)....