Về huyện miền núi Vân Canh, một trong những huyện có phong trào trồng rừng mạnh nhất tỉnh hiện nay, chúng tôi tìm đến vườn ươm rộng hơn 1 ha của Ban quản lý rừng phòng hộ Vân Canh. Đây là khoảng thời gian chuẩn bị vào mùa trồng rừng nên công việc của vườn ươm khá tất bật, với trên chục lao động đang làm việc. Người làm đất, đóng bầu, người gieo hạt, ươm mầm lứa giống mới, tất cả cứ nhịp nhàng như một dây chuyền sản xuất. Ai cũng hối hả mong hoàn thành sớm những công việc của mình.
Ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vân Canh cho biết: “Vườn ươm cây giống của đơn vị đang trên đà phát triển thuận lợi. Cây giống sản xuất ra chủ yếu là để đơn vị chủ động giống phục vụ chỉ tiêu trồng rừng, một phần bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Công việc ươm giống cây lâm nghiệp diễn ra gần như quanh năm nên những lao động làm việc tại vườn ươm có việc làm thường xuyên. Hiện, vườn ươm của ban giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế lâu dài cho hơn 10 lao động địa phương. Với mức thu nhập bình quân từ 150 – 200 ngàn đồng/người/ngày. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với người dân ở nông thôn, miền núi”.
Người lao động đang thực hiện công đoạn cắt hom giống tại vườn ươm
Ngoài vườn ươm của Ban quản lý rừng phòng hộ Vân Canh, thì vườn ươm của Cty Lâm nghiệp Hà Thanh cũng tạo được việc làm cho nhiều lao động. Đưa chúng tôi đi tham quan vườn ươm, ông Cái Minh Tùng, Phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hà Thanh chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu thị trường cây giống lâm nghiệp lớn, trong khi đó Vân Canh lại có nguồn đất rừng dồi dào, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng các vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Trước đây địa phương sản xuất những loại cây trồng không đạt hiệu quả cao, thiếu ổn định như cây mía, cây mì… Nay các vườn ươm ra đời, không chỉ cung cấp giống cây phục vụ trồng rừng ở địa phương, mà còn bán cho các vùng lân cận, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không những thế nó còn tạo ra công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, góp phần làm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.
Không chỉ ở huyện Vân Canh, nhiều địa phương khác trong tỉnh như: huyện Phù Cát, Phù Mỹ, An Lão..., các vườn ươm cũng phát triển tương đối tốt và số lượng lao động làm việc cũng đông không kém. Đến huyện miền núi An Lão để “mục sở thị” đời sống lao động của người dân làm việc tại các vườn ươm. Theo số liệu của Phòng NN&PTNT An Lão, hiện trên địa bàn có khoảng 10 vườn ươm đang phát triển tốt, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, miền núi đang là bài toán khó với nhiều địa phương. Vì thế, việc đẩy mạnh phát triển các vườn ươm có quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, giúp người lao động có nhiều việc làm và thu nhập ổn định cũng là một đáp án hay cho bài toán này.