Tại cuộc họp bàn về việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây, khi nói đến vấn đề làm thế nào để hàng Việt chinh phục người Việt, đại diện lãnh đạo một ngành cho biết: “Mỗi lần ra Côn Đảo tôi rất buồn khi bước xuống sân bay Côn Đảo, đập vào mắt tràn ngập sản phẩm hàng hóa Thái Lan. Trong khi hàng Việt Nam rất ít, thậm chí trưng bày khuất phía sau. Cho nên không thể chỉ dựa vào việc tuyên truyền hay vận động người Việt dùng hàng Việt bằng lòng yêu nước đơn thuần, bằng những chương trình kêu gọi, hỗ trợ, mà bản thân các DN, đơn vị của tỉnh phải tự tạo nên vị thế cho mình. Đặc biệt là những nơi bày bán hàng hóa, hàng Việt Nam phải được ưu tiên, trưng bày ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy nhất”.
Ý kiến của vị lãnh đạo này được rất nhiều người đồng tình, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt trước sự “đổ bộ” từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, việc đứng vững và duy trì được thị phần trên sân nhà của DN Việt càng thách thức. Trước thực tế này, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai rộng khắp nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và làm đòn bẩy để sản xuất nhiều hàng hóa Việt có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cũng từ cuộc vận động này, các DN đã có được “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, phát triển sản xuất, kinh doanh tại thị trường nội địa. Mặt khác, người tiêu dùng cũng từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng hàng hóa, thay đổi tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận và xây dựng thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hướng đến lựa chọn những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều rào cản khiến cho hàng Việt chưa thực sự đến tay người tiêu dùng Việt như câu chuyện kể trên. Ngoài ra, hiện nay do các kênh quảng bá sản phẩm hàng Việt của các DN còn hạn chế, do đó người tiêu dùng dù biết đến thương hiệu nhưng khi có nhu cầu thì không biết mua sản phẩm ở địa chỉ nào. Vì vậy, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự có chiều sâu và đi vào thực chất trong thời gian tới thì Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng tốt hơn. Về phía DN, không thể bỏ qua việc cải thiện mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm cũng như sự nhạy bén nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Làm thế nào để hàng Việt không chỉ dừng ở mức “được ưu tiên” chọn lựa, mà cần đặt mục tiêu “chinh phục” được người tiêu dùng Việt. Chỉ có vậy mới có thể nâng tầm chất lượng hàng hóa Việt cũng như tạo ra vị thế mới cho chuỗi sản xuất phân phối hàng Việt với nhiều giá trị gia tăng. Một vấn đề cũng hết sức quan trọng là cơ quan quản lý thị trường cần đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hàng hóa sản xuất trong nước…