Chuối hột - loại trái nhiều công dụng
Trái chuối hột
Tuy trái chuối hột lúc chín vàng ăn ngọt lịm nhưng vì có nhiều hột nên thường chỉ được tận dụng làm thuốc. Có 2 loại chuối hột rừng phân loại dựa trên kích cỡ lớn, bé. Cả 2 đem ngâm rượu đều thơm ngon nhưng loại bé vẫn được đánh giá cao hơn vì nhiều nhựa.
Về công dụng, loại trái này có thể chữa đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp, táo bón, sỏi bàng quang, bệnh gút, hắc lào,... hiệu quả. Cụ thể:
-
Lấy 1-2 trái chuối chín đem vùi vào bếp lửa. Vỏ quả ngả màu đen, ruột chín nhũn thì lấy ra để nguội, cho người bị táo bón ăn, khoảng mười phút sau là có thể đi đại tiện được.
-
Để trị sỏi bàng quang, thái lát chuối rồi sấy khô, hạ thổ trong vài ngày. Khi cần, sắc 50-100g chuối cùng 400ml nước, chia làm 2 lần uống trong ngày vào lúc bụng no.
-
Muốn chữa khỏi gút, sao vàng 3g chuối hột rừng, 4g củ ráy rừng, 1g khổ qua cùng 2g tỳ giải. Sau đó hạ thổ, đóng 10g/gói. Mỗi ngày dùng 2-3 gói pha nước nóng để uống sẽ thấy bệnh thuyên giảm.
Hạt chuối hột
Hạt chuối hột có đặc điểm vỏ màu đen, bên trong là bột trắng. Hạt chỉ lấy ra được khi chuối chín và thường được đem sao nhẹ để dùng làm rượu thuốc hoặc tán nhỏ uống hằng ngày.
-
Trị sỏi thận, bàng quang: rang giòn hạt chuối rồi giã nát thành bột mịn. Mỗi ngày, thêm 2 muỗng bột vào ấm nước trà. Dùng liên tục trong 30 ngày sẽ thấy sỏi dần dần được đào thải hết qua nước tiểu.
-
Để chữa đau, nhức lưng, chân, tay, đem giã nát 200g hạt chuối, sau đó ngâm cùng 1 lít rượu 40 độ. Sau hơn 10 ngày, lấy ra mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 15ml trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Vỏ chuối hột
Ngay đến cả vỏ chuối hột cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe mà chúng ta thường không ngờ đến. Cụ thể:
-
Đem 40g vỏ quả chuối hột phơi khô, sao vàng rồi tán bột, trộn cùng 4g quế chi, 2g cam thảo. Sau đó, cho mật ong vào quyện thành viên tán, uống 2-3 lần mỗi ngày sẽ giúp chị em thoát khỏi chứng đau bụng kinh niên.
-
Để chữa tiêu chảy, đem thái nhỏ vỏ quả, khơi phô rồi dùng như trà, mỗi ngày pha 4-8g để uống.
Rượu chuối hột có công dụng gì?
Rượu chuối hột từ xưa vẫn được xem là bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời từ thiên nhiên với nhiều công dụng: trị sỏi thận, đau dạ dày, lợi tiểu, chữa đau lưng, mệt mỏi, trị biếng ăn, mất ngủ, cảm sốt, táo bón, tăng cường sinh lý,...
Cách làm chuối hột ngâm rượu
Chọn nguyên liệu như thế nào?
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên vị ngon cho rượu chuối hột chính là chọn đúng loại rượu để ngâm. Chị em nên mua rượu có nồng độ từ 40-45 độ là tốt nhất. Trong các loại, rượu nếp được đánh giá cao hơn cả vì thành phần tinh bột amylopectin trong chúng rất dễ hồ hóa giúp cho độ ngon của rượu được gia tăng.
Tiếp theo, nguyên liệu ngâm cũng cần được chú trọng chính là chuối hột. Chị em nên chọn chuối hột rừng loại nhỏ có nhiều hạt vì hạt là thành phần quan trọng nhất mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Cách ngâm rượu chuối hột đúng cách
Cách 1
Đầu tiên, cắt chuối ra khỏi buồng, đem rửa qua nước để loại bỏ hết chất bẩn rồi để vào rổ chờ ráo. Tiếp theo, thái lát chuối mỏng từ 1-1,5cm, rải đều chúng ra mâm, phủ thêm vải thưa và đem phơi khoảng 5-6 nắng (tầm 5 ngày). Đến khi lát chuối sẫm lại, có dấu hiệu rạn nứt là có thể mang vào.
Sau đó, rửa lại chuối khô qua nước sôi để loại bỏ bụi bẩn. Trút tất cả vào chảo xào sơ qua giúp cho nguyên liệu khô hoàn toàn, không còn đọng lại nước. Đợi nguội, cho chuối hột vào bình thủy tinh với tỉ lệ 1 phần chuối - 3 phần rượu là hoàn thành. Sau 90-120 ngày là bạn có thể thưởng thức thành phẩm.
Cách 2
Với nguyên liệu là chuối hột rừng có kích thước nhỏ, chị em không thái lát như cách làm bên trên mà tiến hành bóc vỏ. Để việc sơ chế diễn ra thuận lợi, bạn nên đeo găng tay nhằm tránh dính nhựa từ chuối.
Sau khi hoàn thành, xếp chuối ra mâm, phủ màn mỏng lên trên rồi đem phơi từ 8-9 nắng. Quan sát thấy chuối khô thì mang vào, tráng qua một lần rượu để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn trong quá trình phơi. Nguyên liệu đã sẵn sàng, chị em cho vào bình thủy tinh ngâm theo công thức 1kg chuối hột - 3 lít rượu là hoàn thành việc chế biến. Bảo quản ổn định ở nhiệt độ 20-25 độ C, gần 2 tháng là bạn có thể sử dụng được.
Lưu ý khi ngâm rượu chuối hột
Nếu hạ thổ hay hạ thủy trên một năm, chị em nên dùng nồng độ rượu 50-52 hoặc lên đến 55 chứ không nên quá thấp dưới 45 độ. Như vậy chất lượng rượu sẽ không ngon theo yêu cầu. Còn nếu ngâm từ 6 tháng đổ lại, chị em chọn rượu từ 42-47 độ là tốt nhất.
Chọn chuối chín để ngâm, thành phẩm rượu của bạn sẽ có vị ngọt thơm, ít chát. Trường hợp sử dụng chuối xanh và cắt lát, vị rượu sẽ thấm hơi chát đằm đặc trưng của loại trái còn sống. Tùy sở thích thưởng thức mà bạn có thể chọn lựa nguyên liệu ngâm phù hợp.
Uống rượu chuối hột như thế nào cho đúng?
Rượu chuối hột là rượu thuốc nên bạn không thể uống với số lượng quá nhiều trong cùng một thời điểm. Tốt nhất, rượu nên được uống khoảng một chén nhỏ trước mỗi bữa ăn. Vì là rượu thuốc hoàn toàn từ thiên nhiên nên công dụng của chúng phát huy cũng khá muộn, từ 3-6 tháng. Thế nên nếu muốn sử dụng loại thức uống này để chữa bệnh, bạn phải kiên nhẫn trong thời gian dài.
Tác hại của rượu chuối hột
Tuy chưa một tài liệu cụ thể nào chỉ ra uống rượu chuối hột lâu ngày gây loãng máu nhưng người sử dụng vẫn được khuyên chỉ nên dùng đến khi khỏi bệnh thì ngưng. Như đã nói, rượu chuối hột sau thời gian dài mới phát huy công dụng, vì thế nếu có tác dụng phụ bạn cũng không thể thấy ngay mà chỉ khi qua 3-6 tháng mới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu ngộ độc.
Ngoài công dụng chữa bệnh, rượu chuối hột còn có đặc điểm dẫn thuốc nhanh, tác dụng nhanh nhưng biến dưỡng, đào thải cũng nhanh, dẫn đến gây hại các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Dùng loại rượu này lâu ngày, niêm mạc dạ dày có nguy cơ bị kích ứng viêm do ngộ độc tanin. Vì thế, phụ nữ có thai, sau sinh, người bị đau dạ dày, trĩ, táo bón,... không nên sử dụng.
Các cách làm chuối hột ngâm rượu được hướng dẫn trên đây vô cùng đơn giản và đảm bảo chất lượng. Tranh thủ lúc rảnh chị em có thể chế biến tại nhà để có ngay bài thuốc chữa bệnh từ thiên nhiên có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Chúc bạn thành công!
Bảo San (T.H)