Công dụng của hạt cau ngâm rượu
Cau là loại quả rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Quả cau tách vỏ, kết hợp cùng lá trầu không và chút vôi tôi là món ăn vặt không thể thiếu với các bà, các cô thời xưa. Trầu cau cũng là những vật không thể thiếu trong các ngày lễ Tết, các đám hỷ, đám hiếu của người Việt. Chẳng thế mà từ lâu, hình ảnh lá trầu, quả cau đã đi vào những bài ca dao, những bài thơ cổ của người Việt và trường tồn đến tận bây giờ.
Không chỉ là loại quả tượng trưng cho văn hóa, cau còn được dùng làm thuốc trong Đông y. Hạt cau có vị đắng, chát, tính ôn, vào các kinh tỳ, vị, đại tràng có tác dụng diệt trùng, tiêu tích, hành khí, lợi thủy, tiêu chảy, phù nề.
Cùng điểm qua những tác dụng tuyệt vời của hạt cau như sau:
Chống đột quỵ: Nghiên cứu chỉ ra rằng hạt cau có tác dụng phục hồi chứng đột quỵ, kiểm soát bàng quang và cải thiện sức khoẻ cơ bắp.
Phòng ngừa sâu răng, giúp răng chắc khoẻ: Chiết xuất hạt cau có tác dụng chống các chủng đặc biệt của vi khuẩn trong khoang miệng, từ đó ngăn ngừa sâu răng, ngăn ngừa mảng bám trên răng.
Ngăn ngừa thiếu máu: Hạt quả cau đã được sử dụng trong nhiều năm như một loại thuốc để đối phó với tình trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai. Chúng ngăn ngừa chứng thiếu sắt nghiêm trọng và mức độ glucose trong máu thấp.
Điều trị bệnh giun sán: Giun sán là trường hợp rất nhiều người gặp phải, đặc biệt là những người ăn uống không vệ sinh, thức ăn chưa được nấu chín... Vấn đề này sẽ được giải quyết hiệu quả với sự hỗ trợ của hạt cau khô. Hạt cau hỗ trợ trong điều trị giun dạ dày như sán dây và giun đũa, giúp tránh được những vấn đề liên quan đến giun dạ dày.
Kiểm soát bệnh tiểu đường: Arecoline là một trong những sinh-hóa chất có trong hạt cau, giúp kiểm soát đáng kể về bệnh tiểu đường.
Chống trầm cảm: Hạt cau được xem là vị thuốc để kích thích các hệ thống thần kinh. Nghiên cứu cho thấy rằng trong hạt cau có chất chống trầm cảm và giảm căng thẳng.
Ngăn chặn buồn nôn: Một trong những mẹo hay là bạn có thể nhai hạt cau trước khi đi du lịch xa, việc này sẽ giúp bạn ngăn chặn các cơn buồn nôn do say tàu xe.
Một trong những công dụng chính của hạt cau chính là diệt khuẩn, chống viêm vì vậy có hiệu quả trong điều trị các bệnh về răng, làm răng chắc khoẻ, ngăn ngừa viêm lợi và sâu răng. Chính vì vậy, các bà, các cụ ngày xưa có thói quen nhai trầu mặc dù sẽ làm cho răng bị xỉn màu nhưng thường có hàm răng chắc, khoẻ và hầu như không bị sâu răng. Đó là nhờ vào tác dụng của hạt cau.
Ngày nay, để sử dụng tinh chất của hạt cau, người ta sử dụng biện pháp ngâm rượu hạt cau. Tinh chất trong hạt cau được hòa vào rượu kết hợp với nồng độ còn trong rượu giúp tăng hoạt tính của rượu cau.
Tác dụng của hạt cau ngâm rượu là diệt khuẩn, chống viêm, giúp răng chắc khỏe, ngăn ngừa sâu răng, viêm nướu răng, làm chắc chân răng một cách hiệu quả. Người dùng chỉ cần sử dụng rượu cau trong thời gian ngắn thì các cơn đau răng sẽ không cánh mà bay.
Cách ngâm rượu cau
Để ngâm rượu hạt cau chữa đau răng bạn cần chuẩn bị 1 bình thuỷ tinh, 1 kg hạt cau tươi hoặc hạt cau khô, 3 lít rượu trắng dưới 30 độ (đối với hạt cau tươi) hoặc 8 lít rượu trắng (đối với hạt cau khô).
Cách ngâm hạt cau tươi
Bạn bổ quả cau và tách lấy hạt tươi, hạt bổ đôi hoặc bốn. Sau khi tách hạt xong, cho vào bình thủy theo tỷ lệ 1:3 (1 kg hạt cau : 3 lít rượu trắng). Sau đó bạn đậy kín nắp bình và bảo quản ở nhiệt độ phòng trong khoảng từ 40-50 ngày, khi rượu chuyển màu vàng nhạt là có thể sử dụng được.
Cách ngâm hạt cau khô
Hạt cau khô sau khi làm sạch bằng khăn rồi đem rang nóng trên chảo khoảng 3 phút. Khi nào thấy hạt cau hơi nóng là được, không rang kỹ quá. Để nguội rồi đem ngâm với tỷ lệ 1:8 (1 kg hạt cau khô: 8 lít rượu trắng) trong 40 ngày là có thể sử dụng được.
Ngâm rượu cau chữa hôi miệng tại nhà tuy mất thời gian ban đầu nhưng thành phẩm có thể lưu trữ và sử dụng trong thời gian dài. Bạn nên dự trữ 1 bình rượu cau trong nhà để sử dụng lúc cần.
Cách sử dụng hạt cau ngâm rượu
Để phát huy tác dụng của hạt cau ngâm rượu, vào buổi tối hoặc sáng sau khi đánh răng xong bạn ngậm rượu cau khoảng 10 – 15 phút rồi nhổ đi. Sau khi súc miệng xong, bạn không nên ăn uống thêm thực phẩm gì nữa để tinh chất rượu cau thấm vào nướu răng và bảo vệ răng của bạn tốt hơn.
Thời gian đầu, khi chưa quen với mùi vị của rượu hạt cau, chúng ta có thể pha loãng rượu và ngậm khoảng 5 phút rồi tăng dần thời gian cho quen. Tác dụng của hạt cau già ngâm rượu rất tốt cho sức khoẻ răng miệng, chúng ta nên kiên trì ngậm rượu hạt cau để nhanh chóng đánh bại các cơn đau nhức răng ê buốt.
Chỉ cần thực hiện ngậm rượu cau 2 lần/ngày bạn sẽ nhận thấy hiệu quả tối đa của loại rượu này.
Rượu ngâm hạt cau có uống được không? Các chuyên gia khuyến cáo rượu cau chỉ nên dùng để ngậm trong khoang miệng, không nên uống trực tiếp. Rượu kết hợp với cau khi vào dạ dày sẽ không tốt, nếu với số lượng lớn thời gian dài sẽ gây viêm loét dạ dày.
Sau mỗi lần sử dụng rượu hạt cau, bạn cần đậy nắp bình cẩn thận. Rượu hạt cau có thể bảo quản trong phòng thoáng, nhiệt độ không quá 25 độ C, không để rượu cau dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Tác dụng của rượu cau là diệt khuẩn giúp chắc răng, khoẻ nướu chữa sâu răng và các bệnh về nướu răng. Tuy nhiên, rượu cau chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn chứ không diệt được triệt để vi khuẩn gây bệnh, ngay khi ngưng sử dụng rượu cau thì bệnh lý có thể quay lại bất cứ lúc nào và có thể có biến chứng nguy hiểm gây mất răng vĩnh viễn.
Vì vậy, bạn cần đến các cơ sở nha khoa uy tín để thăm khám, tìm hiểu chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời, từ đó bảo vệ sức khoẻ răng miệng được tốt hơn.
Bài viết đã cung cấp thông tin về tác dụng của hạt cau ngâm rượu cũng như cách sử dụng để phát huy công dụng của bài thuốc dân gian này. Nếu bạn sử dụng rượu cau nhưng không thấy hiệu quả, cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa, tránh việc sử dụng rượu cau nhiều lần và thường xuyên làm tổn thương răng.