Đối với một số nông dân ở New Zealand, Anh và Australia, máy bay không người lái không chỉ là một món đồ chơi công nghệ mà nó đã trở thành một công cụ phục vụ cho hoạt động chăn nuôi.
Corey Lambeth, một nông dân New Zealand, ban đầu mua một máy bay không người lái với mục đích chụp ảnh, nhưng anh nhanh chóng nhận ra thiết bị này có nhiều ứng dụng thực tế hơn. “Tôi nghĩ rằng chỉ đùa đàn cừu và xem điều gì sẽ xảy ra và ý tưởng này thực sự thành công”, người nông dân chia sẻ.
Bây giờ, Lambeth đã sử dụng một máy bay không người lái với nhiệm vụ tương tự như một con chó chăn cừu suốt 3 năm qua.
“New Zealand có địa hình gồ ghề và đồi núi, là nơi hoàn hảo cho công nghệ máy bay không người lái”, Sam Watson, một phi công lái máy bay không người lái tại Australia, cho biết.
Người nông dân có thể sử dụng máy bay không người lái làm nhiệm vụ giám sát, điều khiển đàn gia súc trên nhiều loại địa hình.
Jason Rentoul, một nông dân ở Marlborough, New Zealand, đã sử dụng máy bay không người lái để quản lý đàn cừu, hươu và gia súc của gia đình trong vài năm qua. “Mỗi lần cần tập hợp đàn gia súc, chúng tôi phải huy động 4 người lớn và tối thiểu 2 con chó, với sự xuất hiện của máy bay không người lái, công việc này chỉ cần tối đa 2 người”, Rentoul nói.
Rentoul đã mua chiếc máy bay không người lái đầu tiên của mình sau khi xem video về một người nông dân sử dụng máy bay không người lái để chăn hươu trên YouTube.
“Tôi đã thử và duy trì phương pháp này với mức chi phí thấp nhất có thể”, Rentoul cho biết. “Máy bay không người lái đặc biệt hữu ích khi chăn hươu. Không giống như một con chó chăn cừu, máy bay không người lái có tốc độ bay nhanh hơn hươu chạy và cũng giữ được khoảng cách an toàn khi hươu bước vào mùa sinh sản”.
Không chỉ dựa vào công nghệ, Rentoul thậm chí còn cho đàn chó của mình phối hợp hoạt động cùng máy bay không người lái.
“Phải mất một thời gian để kết hợp của hai, đàn chó dần làm quen với máy bay và thậm chí còn dựa vào tiếng động cơ để tìm ra đàn gia súc. Ngoài ra khi đàn gia súc có biểu hiện hung dữ, chó có thể núp dưới máy bay bởi chúng biết hươu và cừu sợ tiếng động cơ”, người nông dân chia sẻ.
Lambeth cũng đã học cách đổi mới phương pháp chăn thả gia súc. Sau một thời gian tập luyện thành công, đàn cừu của anh đã quen với máy bay không người lái và không hoảng loạn với sự hiện diện của nó. Anh thậm chí còn nghĩ ra cách ghi âm tiếng chó sủa và phát qua máy bay để làm hiệu lệnh điều khiển đàn cừu.
Wojtek Behnke, một nông dân người Anh, lại có cách tiếp cận khác với công nghệ. Thay vì sử dụng máy bay không người lái của mình như một con chó cừu, anh điều khiển nó như một công cụ thuần phục cả đàn gia súc.
Sau khi xem video những con cừu bị chăn dắt bằng máy bay không người lái ở New Zealand, Behnke trở nên tò mò và tự mua một chiếc về thử nghiệm.
Anh tách một nhóm 5 con cừu ra khỏi đàn của mình để chúng quen với máy bay không người lái. Sau khi đàn cừu thoải mái, Behnke nấp sau hàng rào và ném đồ ăn theo hướng di chuyển của máy bay để đàn cừu đi theo. Khi những con cừu biết rằng máy bay không người lái không đáng sợ như chúng nghĩ, Behnke đưa chúng trở lại đàn. “Trong vòng một vài tuần, tôi có thể điều khiển 100 con cừu đi theo sau máy bay không người lái”.
Bây giờ đàn cừu 300 con của Behnke có thể đi theo hiệu lệnh của máy bay trong khoảng cách gần. “Có vẻ như đây là một trải nghiệm thú vị đối với chúng. Một số con còn nhảy lên hào hứng khi thấy máy bay”, Behnke nói.
Người nông dân đến từ hạt Shropshire này từ tin rằng việc sử dụng máy bay không người lái sẽ tác động tích cực tới chất lượng sống của gia súc. “Tôi nghĩ việc bị chó đuổi theo và sủa có lẽ ít thú vị hơn là đi theo một máy bay không người lái đối với đàn cừu”.
Tựu chung lại, tất cả những người nông dân đều đồng ý rằng lợi thế lớn nhất của việc sử dụng máy bay không người lái là theo dõi đàn gia súc. Máy bay không người lái hoạt động như một bộ mắt với giá cả phải chăng, giúp kiểm tra tình hình cả đàn mà không làm ảnh hưởng tới sự riêng tư của chúng.
“Vào đêm Giáng sinh vừa rồi, khi chúng tôi đang thưởng thức bữa tiệc nướng ngoài trời thì nghe thấy tiếng bò kêu. Nếu như trước đây, chúng tôi sẽ phải mất cả buổi để tới từng bãi chăn thả để tìm hiểu vấn đề, còn bây giờ chỉ cần điều khiển máy bay không người lái đi kiểm tra và vấn đề đã được giải quyết chỉ sau 30 phút. Đúng là một phép màu hiện đại”, Lambeth cho biết.
Huy Vũ (Theo The Guardian)
Nguồn: Báo Ngày nay