Tóm tắt
Thí nghiệm ở in vitro với dịch dạ cỏ từ 3 con dê cái lai F2 Saanen (Saanen×Bách Thảo) được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của lá mít trong khẩu phần lên tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất, lên men dạ cỏ và sinh khí methane (CH4). Thí nghiệm được thiết kế với mô hình hoàn toàn ngẫu nhiên với 6 nghiệm thức (NT) và 3 lần lặp lại. Các NT trong thí nghiệm là sự thay thế lá mít cho cỏ Sả ở các mức 0, 20, 40, 60, 80 và 100%; tương ứng với các NT1-6. Kết quả cho thấy NT5 và NT6 làm giảm (P<0,01) lượng khí methane và đồng thời làm tăng (P<0,05) lượng axít béo bay hơi (VFA) sinh ra.
Ảnh minh họa
NT5 có tỷ lệ tiêu hóa thật và tỷ lệ tiêu hóa xơ trung tính ở in vitro tốt nhất (P<0,01). Từ kết quả thí nghiệm có thể kết luận rằng 80% lá mít thay thế cỏ Sả trong khẩu phần là giải pháp hiệu quả để làm giảm lượng khí methane thải ra môi trường, tăng hàm lượng VFA dạ cỏ và cải thiện tỷ lệ tiêu hóa ở in vitro.
Đặt vấn đề
Dê được biết là vật nuôi có khả năng kháng bệnh tật tốt, không tốn nhiều chi phíthức ăn, có thể ăn các loại cây, cỏ, lá, hay các phụ phẩm nông nghiệp. Thịt dê và sữa dê đang là xu hướng của người tiêu dùng hiện nay và từng bước đi vào bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình. Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dê được nuôi nhiều ở các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long (Nguyễn Văn Thu, 2016) và hiện đang phát triển ở Cần Thơ và Hậu Giang.
Trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu như ngày nay, chăn nuôi dê là lựa chọn hàng đầu cho bà con nông dân ở ĐBSCL nói riêng hay cho tất cả vùng miền cả nước nói chung. Trong nông nghiệp, mít là cây dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó nguồn thức ăn xanh từ lá mít là không nhỏ để phục vụ trong chăn nuôi gia súc nhai lại.
Tuy nhiên, lá mít chưa được khai khác hiệu quả để phục vụ trong chăn nuôi dê và những hiểu biết dinh dưỡng về ảnh hưởng của lá mít trong chăn nuôi dê còn rất hạn chế, trong khi đây là nguồn thức ăn ưa thích của dê (Van và ctv, 2005). Vì thế, đề tài “Ảnh hưởng của lá mít trong khẩu phần lên tỷ lệ tiêu hóa, lên men dạ cỏ và sinh khí methane ở dê” được thực hiện nhằm đánh giá tác động của việc thay thế lá mít cho cỏ Sả trong khẩu phần của dê lên tỷ lệ tiêu hóa, lên men dạ cỏ và sinh khí methane.
KẾT LUẬN
Khẩu phần của dê khi sử dụng 80 hoặc 100% lá mít thay thế cho cỏ Sả làm giảm mạnh
mẽ lượng khí tổng số và khí methane sinh ra. Việc tăng tỷ lệ sử dụng lá mít trong khẩu phần làm tăng hàm lượng VFA và giảm hàm lượng N-NH3 dịch dạ cỏ ở in vitro. Khẩu phần 80% lá mít có tỷ lệ tiêu hóa thật và tỷ lệ tiêu hóa xơ trung tính ở in vitro là tốt nhất. Từ kết quả thí nghiệm cho thấy lá mít có thể thay thế cỏ Sả trong khẩu phần của dê đến 80% để làm giảm lượng khí methane thải ra môi trường, tăng hàm lượng VFA dạ cỏ và cải thiện tỷ lệ tiêu hóa.
Lâm Phước Thành1*
1 Trường Đại học Cần Thơ
* Tác giả liên hệ: TS. Lâm Phước Thành, Bộ môn Chăn nuôi,
Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, Đường 3/2,
Phường Xuân Khánh, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ.
Email: phuocthanh@ctu.edu.vn