TRANG CHỦ Tổng quan về xã Bàu Lâm LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Hai, 13/5/2024
Muôn màu cuộc sống
Hoạt động UBND xãSản phẩmDịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 172228

  TIN HOẠT ĐỘNG-KHCN

  Chương trình 135 - "Đòn bẩy" phát triển vùng dân tộc thiểu số
24/12/2019

Giai đoạn 2014-2019, nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và Đề án phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Diện mạo các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn cũng thay đổi rõ rệt.

Gia đình bà Đào Thị Thảo (dân tộc Châu Ro ở tổ 1, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ 2 con dê giống từ nguồn vốn của Chương trình 135.
Gia đình bà Đào Thị Thảo (dân tộc Châu Ro ở tổ 1, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ 2 con dê giống từ nguồn vốn của Chương trình 135.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN THAY ĐỔI

Chúng tôi về xã Phước Tân, một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Xuyên Mộc nằm trong Chương trình 135. Đi trên những con đường mới khang trang, sạch sẽ, hai bên đường là những vườn cây ăn quả lúc lỉu, những rẫy tiêu, điều xanh mướt mắt, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân dần thay đổi. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết, trước năm 2015, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn xã gập ghềnh, khó đi, thương lái rất ít khi đến tận rẫy thu mua nông sản khiến đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2015, khi được phân bổ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2015-2018, UBND xã đã ưu tiên đầu tư những công tình phúc lợi thiết thực nhất, trong đó dành 30,5 tỷ đồng để nâng cấp 7 tuyến đường giao thông. “Nhờ nguồn vốn của Chương trình 135 mà những đoạn đường lầy lội trước đây, nay đã được đổ bê tông sạch sẽ, nhân dân đi lại thuận tiện, việc giao thương hàng hóa thuận lợi hơn, thu nhập của đồng bào DTTS đạt 49 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo là người DTTS giảm xuống còn 12 hộ”, ông Nguyễn Văn Nguyên nói.

Giai đoạn 2014-2019, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi và Đề án phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã bố trí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, điện, cấp nước sạch, đập thủy lợi, xây mới, sửa chữa nhà, kéo điện sinh hoạt cho đồng bào vùng DTTS.

Trước đây, do không có điều kiện lắp đặt đồng hồ điện và kéo dây về nhà nên gia đình ông Hoàng Kiên (dân tộc Hoa ở ấp Phú Tài, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) phải dùng chung nguồn điện với hàng xóm. Giờ cao điểm, nguồn điện thường bị yếu do quá tải, lại phải trả tiền điện với giá cao nên ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của gia đình ông Kiên. Đầu năm 2018, UBND huyện Xuyên Mộc triển khai hỗ trợ lắp đặt điện sinh hoạt cho người dân thông qua Chương trình 135. Gia đình ông Kiên là một trong 9 hộ đồng bào DTTS trong xã được hưởng lợi từ chính sách này. “Thay vì phải trả hơn 100 ngàn đồng/tháng như trước, hiện tại tôi chỉ phải trả khoảng 50 ngàn đồng tiền điện. Nguồn điện lại ổn định, không chập chờn như trước giúp gia đình tôi chủ động hơn trong sản xuất và sinh hoạt”, ông Kiên nói.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cây, con giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp đồng bào DTTS có điều kiện, động lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống cũng được các địa phương đẩy mạnh. Năm 2015, gia đình bà Đào Thị Thảo (dân tộc Châu Ro, ở tổ 1, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) được hỗ trợ 2 con dê giống theo Chương trình 135, đồng thời được tham gia lớp tập huấn, phổ biến khoa học, kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào chăn nuôi. Đến nay, gia đình bà đã phát triển được đàn dê hơn 40 con, cho nguồn thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Đầu năm 2018, gia đình bà Thảo đã chính thức thoát nghèo và xây được căn nhà cấp 4.

TĂNG TỐC ĐỂ VỀ ĐÍCH ĐÚNG HẠN

Tính đến nay, huyện Xuyên Mộc có 16 công trình giao thông, 2 công trình điện, 1 công trình thủy lợi trên địa bàn 12 thôn, ấp đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2019-2021 đã xuống cấp nghiêm trọng, cần đầu tư mới hoặc sửa chữa, tu bổ. UBND huyện phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ DTTS có nhà ở từ bán kiên cố trở lên, có điện thắp sáng, được dùng nước sinh hoạt và nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, việc thực hiện Chương trình 135 vẫn còn những khó khăn nhất định do ngân sách địa phương bố trí cho đầu tư công còn hạn chế, kinh phí phân bổ hàng năm cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng còn thiếu. Ngoài ra, đời sống của một số hộ còn khó khăn, phần lớn không có đất hoặc thiếu đất sản xuất nên phải đi làm mướn mưu sinh, dẫn đến thu nhập không ổn định. “Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu để ưu tiên đầu tư. Về công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện sẽ chú trọng khâu chọn hộ thụ hưởng chính sách về cây, con giống theo thứ tự ưu tiên từ chuẩn nghèo đặc biệt khó khăn đến chuẩn nghèo tỉnh và do người dân bình chọn công khai từ cơ sở, ưu tiên hỗ trợ những hộ gia đình có điều kiện phát triển sản xuất để tăng hiệu quả đầu tư của dự án”, bà Đinh Thị Trúc My cho biết.

Giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh có 5.131 hộ với 23.262 nhân khẩu, trong đó có 1.011 hộ đồng bào DTTS của 15 thôn, ấp nằm trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn được hỗ trợ từ Chương trình 135, gồm: ấp Khu 1 (xã Bình Châu); ấp Tân Rú, Tân Trung (xã Phước Tân); ấp Phú Quý, Phú Tài, Phú Lộc, Phú Vinh, Phú Lâm (xã Hòa Hiệp); ấp 1 Tây, 2 Tây (xã Bàu Lâm); ấp Bàu Hàm, Bàu Ngứa (xã Tân Lâm) thuộc huyện Xuyên Mộc; thôn 1, 3 (xã Suối Rao) và thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc) thuộc huyện Châu Đức.

Tương tự, giai đoạn 2019-2020, toàn huyện Châu Đức cũng có 10 công trình giao thông, 15 công trình điện, 13 công trình nước sinh hoạt trên địa bàn thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc) và thôn 1, 3 (xã Suối Rao) thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. UBND huyện phấn đấu đến năm 2024, thu nhập của đồng bào DTTS đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2% so với hộ nghèo toàn huyện. Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay là nhiều hộ đồng bào DTTS còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, chưa tạo được sự bứt phá trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao, khó cạnh tranh và không ổn định về đầu ra. Do đó, ngoài việc tranh thủ các nguồn lực từ Đảng, Nhà nước, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đồng bào nâng cao trình độ nhận thức, thể trạng con người, năng lực phát triển sinh kế, từng bước hình thành sản xuất sản phẩm gắn với thị trường, ổn định cuộc sống.

Thông qua Chương trình 135, đến nay, 100% vùng đồng bào DTTS đã có đường lớn trải nhựa đến trung tâm xã, 99,75% đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 99,8% đồng bào DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 72,5% hộ được sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 4%/năm, hiện nay chỉ còn 565 hộ nghèo đồng bào DTTS. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 3 xã và 6 thôn, ấp ra khỏi Chương trình 135 gồm: xã Hòa Hiệp, ấp Bình Thắng (xã Bình Châu), ấp Thạnh Sơn 3 (xã Phước Tân) của huyện Xuyên Mộc; xã Suối Rao, Đá Bạc, ấp Vinh Thanh (TT.Ngãi Giao), thôn 1 (xã Bình Trung), thôn Bình Sơn, thôn Bàu Điển (xã Đá Bạc) của huyện Châu Đức.

 

“Để Chương trình 135 phát huy hiệu quả, về đích đúng mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững đối với vùng DTTS, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước để giúp các xã dần hoàn thiện điều kiện kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS, khuyến khích các DN, nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hợp tác quốc tế cho phát triển vùng dân tộc”, ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

http://www.baobariavungtau.com.vn/
In trang Quay lại Lên trên

  
TIN NÓNG
   
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.879.007 - Fax: (84.064) 3.799.484
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu