Chủ Nhật, 24/11/2024 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Kỹ thuật chăn nuôi vịt chuyên thịt hiệu quả, cho thu nhập cao
Những năm qua nước ta đã nghiên cứu chọn lọc các dòng vịt chuyên thịt có năng suất trứng trung bình 240 - 255 quả/mái/50 tuần đẻ, vịt thương phẩm nuôi đến 49 ngày đạt 3,2 - 3,8kg/con, cao hơn so với các giống vịt thịt trước đó như vịt Super M2, rút ngắn thời gian nuôi xuống được 15-20%, giảm tiêu tốn thức ăn/kg thịt hơi từ 0,3-0,5kg.
I. Cách chọn vịt giống
- Con giống phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín, có giấy kiểm dịch khi xuất bán.
- Chọn vịt con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Lông bông, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, cứng cáp, dáng đi vững vàng. Nên đưa vịt con xuống chuồng nuôi trước 24 giờ tính từ lúc nở ra.
Khi vịt được 11 - 30 ngày tuổi, mỗi tuần bà con nên tranh thủ cho vịt ra ngoài đồng để tự kiếm thêm thức ăn như ăn tôm, cua, cá khô, ốc. Ảnh: I.T
II. Chuẩn bị chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi vịt
1. Chuồng trại
Nên chọn nơi cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tránh gió lùa để dựng chuồng. Chuồng nuôi vịt cần có hệ thống thoát nước tốt. Nền chuồng có độ dốc từ 7 - 100 để thuận tiện cho khâu dọn vệ sinh, tẩy uế. Mỗi chuồng cần có hiên rộng từ 1-1,5m để tránh mưa, nắng, gió.
Tùy thuộc vào quy mô và nguồn tài chính mà người nuôi có thể lựa chọn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố hay đơn giản sao cho phù hợp với nuôi vịt chuyên thịt ở các giai đoạn tuổi khác nhau.
Chuồng nuôi vịt có khung chuồng, tường xây bằng gạch hoặc có thể sử dụng các vật liệu như tre, gỗ, mái tôn hoặc ngói, lá để làm chuồng.
Cần có diện tích sân chơi bằng 1,5-2 lần diện tích nền chuồng, có thể đổ cát hoặc lát gạch, có độ dốc để không đọng nước. Có thể có mương nước, ao hồ sạch, xây bể hoặc máng nước nhân tạo có độ sâu 20-25cm với kích thước tuỳ thuộc số lượng vịt, hàng ngày thay nước để nước luôn sạch cho vịt tắm.
2. Dụng cụ chăn nuôi vịt
a) Rèm che: Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng nuôi để giữ nhiệt, tránh gió lùa và mưa bão (nhất là giai đoạn vịt con).
b) Máng ăn: Dùng máng ăn bằng tôn có kích thước 70 x 50 x 2,5cm, sử dụng cho 70-100 con/máng. Từ tuần tuổi thứ 3 trở đi cho vịt ăn bằng máng tôn có kích thước 70 x 50 x 5cm hoặc máng nhựa hình chữ nhật.
c) Máng uống: Giai đoạn 1- 2 tuần tuổi: sử dụng máng uống tròn loại 2 lít. Giai đoạn 3-8 tuần tuổi: sử dụng máng uống tròn loại 5 lít, dùng cho 30- 40 con/máng. Có thể sử dụng máng nhựa hình chữ nhật, máng tôn, chậu sành, chậu nhựa có kích cỡ phù hợp với độ tuổi của vịt.
d) Chụp sưởi: Có thể dùng hệ thống lò sưởi hoặc bóng điện đảm bảo cung cấp đủ nhiệt cho vịt con. Dùng bóng điện 75W/1 quây (60 - 70 vịt). Mùa đông 2 bóng/1 quây.
e) Quây vịt: Dùng cót ép quây, chiều cao 0,4 - 0,5m, dài 4 - 4,5m; sử dụng cho 60-70 con/quây, từ ngày thứ 7 nới dần diện tích quây. Từ cuối tuần thứ 2, bỏ quây để cho vịt vận động, ăn uống được thoải mái.
III. Thức ăn và cách cho ăn
1. Thức ăn: Phải đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm, không bị mốc mọt. Thức ăn phải cân đối về thành phần giá trị dinh dưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng và phát triển của vịt trong từng giai đoạn.
Giai đoạn 1-4 tuần tuổi: Nuôi gột giống quy trình úm vịt con để sinh sản. Sau 4 tuần tuổi có thể kết hợp với chăn thả. Có thể sử dụng các loại thức ăn có sẵn ở địa phương.
2. Nước uống: Cần cho vịt uống nước sạch. Trong 7 ngày đầu dùng máng uống 2 lít sau đó dùng máng 5 lít. Nuôi vịt thịt cho ăn tự do nên lượng nước uống cũng phải cung cấp nhiều (thường gấp 2 lần so với lượng thức ăn), do vậy từ 5 tuần đầu đến giết thịt có thể cho uống bằng máng xây ngoài sân chơi, hoặc máng nhựa hình chữ nhật. Máng uống phải dễ cọ rửa, làm vệ sinh, vịt uống được nhưng không tắm được.
IV. Tiêm phòng vaccine:
Chỉ sử dụng vaccine khi vịt khỏe mạnh. Nên bổ sung vitamin tổng hợp hoặc điện giải cho vịt uống trong thời gian sử dụng vaccine. Sử dụng xi-lanh hoặc ống nhỏ đã được khử trùng (luộc sôi từ 5-10 phút). Sử dụng đúng liều lượng, bảo quản vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
|
Khắc phục bệnh gia cầm cắn mổ nhau
Người Chăn Nuôi) - Đây là bệnh xảy ra ở gà, vịt, ngan, ngỗng... với biểu hiện gia cầm mổ, cắn xé, ăn thịt, lông và cơ quan nội tạng của đồng loại. Bệnh tưởng chừng không nguy hiểm nhưng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế vì gia cầm chậm lớn, tỷ lệ chết cao, phẩm chất thịt kém.
Nguyên nhân
Do thức ăn không đảm bảo, cho ăn không đúng cách: Thức ăn thiếu chất hoặc thừa chất, mất cân đối giữa đạm, năng lượng, các nguyên tố vi lượng và vitamin, để gà, vịt, ngan đói quá hoặc khát quá (khoảng cách giữa các bữa ăn, bữa uống quá lâu). Giai đoạn gia cầm đẻ sẽ cần đủ lượng và chất để bù đắp lại sự thiếu hụt do phải huy động nguồn dự trữ của bản thân cho sự hình thành và phát triển trứng, nhưng nếu không được đáp ứng, chúng sẽ mổ những thứ linh tinh.
Mật độ nuôi: Gà cắn mổ nhau thường gặp khi nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, mật độ cao nhiều hơn ở gà nuôi chăn thả mật độ thấp, ở gà con giai đoạn thay lông nhiều hơn ở gà trưởng thành, ở gà đẻ nhiều hơn ở gà thịt... Thiệt hại do cắn mổ gây ra sẽ rất lớn, nếu không có biện pháp phòng ngừa và can thiệp kịp thời.
Cường độ ánh sáng: Khi cường độ chiếu sáng cho đàn gà quá cao vào một thời điểm nào đó trong ngày cũng có thể kích thích đàn gà trở nên hung hăng và cắn mổ nhau.
Khắc phục
Để khắc phục hiện tượng gia cầm cắn mổ nhau, người nuôi cần chú ý điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp, hạn chế stress gây hại trên gia cầm, không nuôi với mật độ quá cao. Chuồng trại phải luôn được thông thoáng, hạn chế ánh nắng trực tiếp chiếu vào trong trại gà quá lâu và trong những thời điểm nắng quá gay gắt, nhiệt độ ngoài trời nắng nóng.
Người nuôi cũng nên kiểm tra chất lượng thức ăn thường xuyên, nhất là đạm, chất lượng đạm và các acid amin thiết yếu, khoáng, vitamin... Đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho gà, nhất là trong giai đoạn mọc lông, khi gà hậu bị đang thay lông và giai đoạn gà đẻ trứng cho năng suất cao.
Gia cầm bị hấp dẫn bởi máu và vết thương, do vậy cần nhanh chóng loại bỏ khỏi đàn những con bị thương. Hàng rào của chuồng nuôi không được có các vật sắc nhọn làm rụng lông, rách da hay gây các thương tích khác.
Cung cấp đầy đủ nước uống sạch sẽ cho đàn gia cầm. Đối với gà, tốt nhất nên cắt mỏ gà đẻ nuôi công nghiệp trước thời gian đẻ 2 - 3 tháng để đảm bảo đàn gà luôn khỏe mạnh và không xảy ra hiện tượng cắn mổ nhau.
Gia cầm cắn mổ nhau gây thiệt hại cho năng suất nuôi Ảnh: MF
Cắt mỏ: Là biện pháp phổ biến để ngăn ngừa hiện tượng cắn mổ nhau ở gà. Khi cắt mỏ nên dùng dao nhiệt để tránh chảy máu hoặc dùng máy cắt tự động (máy có thể cắt 1.500 gà con/giờ, nhiệt độ lưỡi dao cắt 600 - 8000C). Gà nuôi thịt cắt mỏ lúc 10 - 12 ngày tuổi, gà hậu bị trứng cắt lúc 7 - 8 tuần hay 12 - 16 tuần. Tránh tiêm phòng hay gây những stress khác 1 tuần trước và 2 tuần sau khi cắt mỏ.
Giải pháp chung
Khi xảy ra hiện tượng cắn mổ nhau chưa tìm được nguyên nhân, cần can thiệp một số biện pháp sau: Nhanh chóng cách ly những gia cầm cắn mổ ra khỏi đàn, dùng thuốc xanh Methylen bôi vào vết thương để chống nhiễm trùng và tránh gà tiếp tục bị mổ; Cho gia cầm uống Catosal với liều 1 cc/2 lít nước, liên tục trong 3 ngày; Tăng cường thông thoáng và hạn chế các tác động làm xáo trộn đàn gia cầm. Có thể dùng rau xanh, non ngon rửa thật sạch, bó thành những bó nhỏ treo quanh trại để gia cầm lo tập trung ăn rau, không cắn mổ nhau. Trộn bổ sung lysine và methionine vào thức ăn với liều 200 g mỗi loại/100 kg thức ăn, đồng thời tăng hàm lượng đạm của thức ăn thêm khoảng 1 - 2%, ngay sau khi phát hiện gia cầm cắn mổ và duy trì đến khi đàn gia cầm ổn định trở lại. Kiểm tra lại máng uống để đảm bảo có đủ nước sạch và mát cho gia cầm.
|
Bệnh ghẻ trên dê và cách phòng trị (Scabies)
Bệnh ghẻ là một bệnh mãn tính thuộc nhóm bệnh do ngoại ký sinh trùng gây ra. Bệnh xảy quanh năm và thường bùng phát mạnh vào mùa Đông xuân khi khí hậu ẩm ướt,
1. Nguyên nhân và đặc điểm của bệnh
Bệnh ghẻ là một bệnh mãn tính thuộc nhóm bệnh do ngoại ký sinh trùng gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi dê và có ba dạng do các loài ghẻ khác nhau gây nên gồm ghẻ đầu (có thể lan truyền toàn thân) do Sarcoptes rubicaprae gây ra (gọi là ghẻ sarcoptic); ghẻ chân, vú, bìu dái, vùng bẹn và đôi khi ở lưng và cổ do Chorioptes caprae gây ra (gọi là ghẻ chorioptic); ghẻ tai do Psoroptes cuniculi gây ra (gọi là ghẻ psoroptic).
Bệnh xảy quanh năm và thường bùng phát mạnh vào mùa Đông xuân khi khí hậu ẩm ướt, chuồng trại ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh, không thực hiện thu gom chất thải hàng ngày.
Bệnh lây lan trong đàn do tiếp xúc giữa con bị bệnh và con khỏe mạnh, hoặc tiếp xúc với mầm bệnh tại chuồng nuôi và môi trường chăn nuôi. Bệnh ghẻ thường kết hợp với bệnh nấm da làm cho tình trạng bệnh càng nặng và phải tiến hành điều trị lâu dài.
Bệnh ghẻ không gây chết nhưng làm cho dê sinh trưởng, phát triển kém và dễ kế phát các bệnh truyền nhiễm khác. Sau khi điều trị, dê thường phục hồi chậm so với dê không bị ghẻ.
2. Biểu hiện khi dê bị ghẻ
Ban đầu xuất hiện các nốt sần sùi, đặc biệt là ở trên đầu, dê có biểu hiện ngứa và thường cọ sát vào thành chuồng, hàng rào hoặc thân cây.
Dê bị ghẻ vùng đầu, cổ
Một số dê phát triển bệnh nặng hơn ở dạng viêm da quanh mắt và tai, trên cổ và ngực, phía trong bẹn và bầu vú.
Ngoài ra còn có thể thấy các lớp vẩy, loét trên da, thường ở tai, chân sau, bầu vú, bìu dái và khu vực xung quanh. Dê thường cúi liếm các lớp vẩy loét ở chân sau.
3. Cách phòng trị bệnh
Khi mua dê cần chọn ở những đàn dê không bị bệnh, dê khỏe mạnh, da căng, lông bóng mượt.
Chuồng trại nuôi dê phải cao ráo, thông thoáng, sàn chuồng dễ thoát phân và dễ làm vệ sinh. Hàng ngày thực hiện vệ sinh chuồng trại, thu gom phân và chất thải để ủ phân sinh học nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong chất thải; định kỳ phun sát trùng chuồng trại bằng các loại thuốc sát trùng.
Khi dê bị bệnh cần tách riêng để điều trị bằng một trong các phác đồ sau:
Phác đồ 1:
- Hàng ngày bôi cồn I-ốt hoặc xanh metylen lên vùng da bị bệnh để diệt mầm bệnh và tránh nhiễm trùng kế phát.
- Xoa mỡ Ô-xít kẽm và Ketamicin lên những vùng da bị bệnh vừa điều trị ghẻ và nấm da.
- Tiêm Ivermectin dưới da cho dê (Liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc), liệu trình tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
- Tiêm thuốc giải độc gan, thận cho dê.
- Cung cấp đầy đủ thức ăn cho dê.
Phác đồ 2:
- Dùng nước xà phòng để rửa bong sạch vẩy trước khi điều trị (ngoài ra có thể dùng nước lá trầu không hoặc lá xoan ta (cây sầu đông) vò nát hòa nước và xoa lên vùng da bị bệnh).
- Sử dụng huyễn dịch bột lưu huỳnh, dầu ăn và Amitraz 0,05%, điều trị 2 lần cách nhau 5-7 ngày.
- Tiêm Ivermectin dưới da cho dê (Liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc), liệu trình tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
- Tiêm thuốc giải độc gan, thận cho dê.
- Cung cấp đầy đủ thức ăn cho dê.
|
Phòng và giám sát dịch bệnh động vật
Trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phòng bệnh là vấn đề được quan tâm hàng đầu, khi phòng bệnh tốt, vật nuôi khỏe mạnh cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hộ chăn nuôi còn hạn chế về nhận thức hoặc chủ quan do đó dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra trên đàn vật nuôi, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi mà nhiều dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng người chăn nuôi và người tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Hiện nay, thời tiết ở miền Bắc đang giao mùa, nóng lạnh bất thường, các tỉnh phía Nam đang nắng nóng, do đó nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên động vật là rất cao. Để tăng cường công tác phòng bệnh và giám sát dịch bệnh động vật, chúng ta cần thực hiện tốt các nội dung sau:
I. Phòng bệnh động vật
1. Nơi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dụng cụ dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, diệt vật chủ trung gian định kỳ và sau mỗi đợt nuôi; nơi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải được xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với hệ thống nuôi trồng thủy sản kín, nguồn nước nuôi phải bảo đảm chất lượng; nước thải, chất thải phải được xử lý trước khi xả thải bảo đảm vệ sinh thú y và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Con giống, thức ăn sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và theo quy định của pháp luật về giống vật nuôi, pháp luật về thức ăn chăn nuôi.
4. Động vật phải được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
5. Vắc-xin phòng bệnh bắt buộc trong các chương trình khống chế, thanh toán dịch bệnh động vật, phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp do ngân sách nhà nước hỗ trợ; cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chịu trách nhiệm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng vắc-xin phòng bệnh động vật.
II. Giám sát dịch bệnh động vật
1. Giám sát dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm dịch bệnh có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, các bệnh truyền lây giữa động vật và người.
2. Chương trình giám sát dịch bệnh động vật được cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật để khuyến khích chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật.
Sau mỗi đợt nuôi, cần vệ sinh, tiêu độc chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi
3. Chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các hoạt động sau đây:
a. Xây dựng và giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;
b. Khi tham gia chương trình giám sát dịch bệnh động vật, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và được vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;
c. Theo dõi, ghi chép quá trình nuôi, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật;
d. Báo cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi có kết quả kiểm tra xác định động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch và Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người; thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.
4. Cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi có kết quả xét nghiệm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch và Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người.
5. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện giám sát bệnh động vật như sau:
a. Căn cứ diễn biến của dịch bệnh động vật, xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh động vật trong quá trình nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật;
b. Chủ động điều tra, lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật;
c. Định kỳ hoặc đột xuất giám sát các bệnh truyền nhiễm có thể lây giữa động vật hoang dã và động vật nuôi tại cơ sở nuôi động vật hoang dã, vườn thú, vườn chim, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên;
d. Căn cứ kết quả giám sát, đặc điểm dịch tễ của bệnh động vật, tiến hành dự báo, cảnh báo về một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh; trường hợp phát hiện dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan y tế cùng cấp, cảnh báo tới người chăn nuôi và cộng đồng để chủ động thực hiện các biện pháp cách ly động vật lây nhiễm, phòng, chống dịch bệnh động vật lây sang người;
đ. Xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về giám sát dịch bệnh động vật và thông tin dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật; tiếp nhận và phản hồi thông tin về tình hình dịch bệnh động vật;
e. Xác nhận cơ sở tham gia chương trình giám sát dịch bệnh động vật bảo đảm an toàn.
|
Nuôi gà rừng thả vườn và những lưu ý cơ bản
Trong nhiều năm trở lại đây, gà rừng đã được thuần chủng thả vườn đã trở thành một trong những loại gà được nuôi dưỡng với quy mô hộ gia đình khá nhiều. Tuy nhiên, do bản tính nhút nhát nên gà rừng khá khó nuôi, khó chăm sóc, chậm lớn và sinh sản kém. Nếu đang có ý định nuôi gà rừng trong thời gian tới, bà con có thể tham khảo một số hướng dẫn cơ bản ngay dưới đây.
1. Chuẩn bị chuồng trại nuôi gà
Mặc dù được thuần chủng nhưng bản chất của gà rừng vẫn là sinh sống trên cây cao. Thế nên, môi trường sống tốt nhất của gà rừng là nuôi trong vườn rộng rãi. Tốt nhất là bà con hãy trồng nhiều cây trong vườn, rào kín xung quanh tránh để gà bay ra.
Việc thả gà không chỉ giúp gà có thể vận động thoải mái mà còn giúp gà có thể tự mình tìm kiếm thức ăn trong vườn. Đây đều là những yếu tố giúp tăng chất lượng thịt cho gà. Đặc biệt, do gà rừng khá nhút nhát nên bà con hãy nuôi gà ở khu vực tách biệt, tránh để chó, mèo rượt đuổi gà.
Trong trường hợp không có điều kện thả gà và phải nuôi theo hình thức nuôi nhốt, bà con nên đặt vị trí chuồng ở những nơi thoáng đãng, tránh gió tạt hay mưa lùa. Đặc biệt, do đặc tính thích tự tìm kiếm thức ăn nên bà con hãy chú ý bố trí nền chuồng làm bằng cát là tốt nhất.
2. Thức ăn cho gà
Trong ngày đầu tiên khi bắt gà về, bà con chỉ nên cho gà ăn thức ăn nghiền nhỏ là tấm hoặc ngô nghiền. Sau đó, kể từ ngày thứ hai trở đi, bà con có thể dùng cám công nghiệp cho gà sao cho có thể đảm bảo được tỷ lệ protein thô từ 19-21%, năng lượng 2800-2900 kcal. Do gà còn bé, mỗi lần sử dụng lượng thức ăn không nhiều nên bà con hãy cho gà ăn ít một.
Nếu như nuôi gà rừng theo hình thức thả vườn, bà con nên sử dụng thức ăn là rau xanh, cám gạo, cá tạp băm nhỏ để làm tăng chất lượng thịt của gà. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn mà bà con cũng nên điều chỉnh chế độ ăn như thêm canxi cho gà khi chuẩn bị đẻ bằng cách cho gà ăn vỏ trứng, vỏ sò hay vỏ ốc. Trong khi đó, với gà trống ở giai đoạn thay lông, bà con hãy cho gà ăn thêm thịt heo ba chỉ, nhiều mỡ để giúp gà có được sức lực tốt nhất.
3. Nước uống
Ngay khi bắt gà về, trước khi cho gà ăn bà con cần tiến hành cho gà uống nước có pha theo tỉ lệ 50gr đường glucoza + 1gr Vitamin C/3l nước. Hàng ngày, nước được sử dụng cho gà uống cần là nước sạch, không quá lạnh. Bà con có thể sử dụng những chiếc chai lớn, cắt đi để làm máng uống cho gà.
4. Vệ sinh chuồng trại
Với gà thả vườn, bà con cần thường xuyên quét dọn xung quanh khu vực nuôi để đảm bảo giữ vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, nếu xung quanh khu vực nuôi bùng phát bệnh, bà con cần tiến hành phút thuốc khử trùng ngay lập tức.
Với gà được nuôi trong chuồng, việc vệ sinh chuồng trại cũng cần được tiến hành theo định kỳ. Cùng với đó, bà con hãy chú ý thêm khâu vệ sinh dụng vụ nuôi thường xuyên bởi đây cũng chính là yếu tố tiềm ẩn rất nhiều dịch bệnh.
Trên đây là một vài lưu ý khi chăn nuôi gà rừng tại hộ gia đình. Bà con có thể tìm hiểu và áp dụng để có được những lứa gà tốt nhất.
|
Năm yếu tố ảnh hưởng tới năng suất sinh sản ở Heo
Những yếu tố dịch bệnh ảnh hưởng tới năng suất sinh sản trong chăn nuôi heo ngày càng tăng. Điều này dẫn tới năng suất chăn nuôi bị sụt giảm. Để giải quyết vấn đề này bài viết sẽ trình bày năm yếu tố có thể ảnh hưởng xấu đến năng suất sinh sản.
1. Khi heo 16 tuần tuổi
Heo thường phát sinh tình trạng chậm tăng trọng ở giai đoạn 13~18 tuần tuổi (bình quân 16 tuần tuổi). Khi heo đạt trọng lượng khoảng 72~82kg thì tốc độ tăng trọng bị chậm lại. Giai đoạn chậm lớn này có thể kéo dài 1~2 tuần. Vấn đề này có thể là do một số nguyên nhân như di truyền, heo nuôi với mật độ cao, thiết bị cung cấp cám và nước không phù hợp. Nếu tình trạng này xảy ra sẽ khiến thời gian từ cai sữa đến xuất chuồng bị kéo dài từ 10~20 ngày. Kết quả là diện tích mặt bằng chuồng trại thịt cần thiết để nuôi dưỡng phải tăng từ 5~10%.
Để giải quyết vấn đề này cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân khiến heo chậm lớn. Nếu nghi ngờ heo chậm lớn do dịch bệnh, cần lấy máu đi kiểm tra nhằm tìm ra biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, cần kiểm tra lại thành phần thức ăn và hệ thống cung cấp thức ăn cho heo. Có một số lỗi mà các trại hay mắc phải đó là để heo đói trong thời gian dài từ 24~48 tiếng. Nếu heo bị đói trên 24 tiếng thì sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Thỉnh thoảng, một số trại có khuynh hướng chuyển chế độ cám quá nhanh. Khi điều chỉnh cám cần xem xét các yếu tố như trọng lượng heo, lượng cám ăn vào, giới tính, tình hình dịch bệnh, chênh lệch trọng lượng trong bầy, đồng thời cần phải ghi chép lượng cám mà trại thịt tiêu thụ.
Khi đổi cám, ta cần trộn cám mới và cám cũ sau một thời gian nhất định. Nếu đổi từ cám viên sang cám bột thì cần khoảng 2 tuần. Diện tích khu vực ăn và uống nước rộng rãi sẽ góp phần tăng năng suất của heo. Nếu ta cung cấp đầy đủ nước uống cho heo vào những lúc thời tiết nóng, heo sẽ không giảm lượng cám ăn vào.
2. Sự luân chuyển đàn (di chuyển và nhập heo)
Sự luân chuyển đàn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả kinh doanh. Có ba yếu tố quan trọng trong sự luân chuyển đàn:
- Thứ nhất là khả năng di truyền và chương trình nhập heo hậu bị ảnh hưởng tới luân chuyển đàn.
- Thứ hai là sự luân chuyển đàn nái.
- Thứ ba là sự ảnh hưởng từ quá trình luân chuyển đàn từ cai sữa tới xuất bán.
Người chăn nuôi luôn phải nắm rõ quá trình luân chuyển đàn, đây là phương pháp giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi và quản lý dịch bệnh. Ở những trại làm tốt vấn đề này thì dịch bệnh thường được đầy lùi.
3. Hậu bị chất lượng thấp
Heo hậu bị không tốt sẽ ảnh hưởng tới số heo con sinh ra. Ngoài ra, nó còn góp phần làm giảm hiệu quả sử dụng chuồng trại thiết bị. Trong một số trường hợp, người chăn nuôi lại không nghĩ chất lượng của hậu bị có ảnh hưởng lớn tới năng suất trong trại.
Heo hậu bị nên phối lần đầu từ 210~230 ngày tuổi, độ dày mỡ lưng khi phối phải đạt mức 1,9cm. Hậu bị cần được nuôi trong một không gian thích hợp. Diện tích chuồng trại phải phù hợp với tăng trọng của hậu bị theo từng giai đoạn nuôi.
Hậu bị phải được cung cấp cám phù hợp với mình.
Hậu bị từ khi phối tới khi chuyển sang trại mang thai cần có chương trình ăn riêng. Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề sau: trước khi hậu bị chuyển sang trại đẻ thì phải hoàn thành xong chương trình vắc-xin, hậu bị trước khi phối cần được tiếp xúc đầy đủ với heo đực, quan sát và ghi chép đầy đủ chu kỳ lên giống của hậu bị. Theo một số tài liệu thì phối hậu bị ở lần lên giống thứ ba sẽ mang lại năng suất cao nhất.
4. Tình trạng không mang thai mùa nóng
Vào mùa nóng thì tỷ lệ thụ thai ở các trại thường giảm sút. Làm thế nào để giảm những thiệt hại như vậy? Đầu tiên, trại mang thai phải có các thiết bị tránh ánh sáng trực tiếp rọi vào trại. Ngoài ra, cần có các thiết bị làm lạnh và làm mát trại.
Tránh nuôi nái với mật độ quá dày. Ngoài ra, cần bổ sung thêm hậu bị để bù cho việc năng suất sụt giảm. Tuy nhiên, cần dự tính trước kế hoạch chuồng trại, thiết bị phù hợp với số lượng hậu bị tăng lên.
Ngoài ra, vào mùa nóng nái thường giảm lượng cám ăn vào. Chính vì vậy, cần cung cấp đủ nước cho nái sao cho nái ăn không dưới 2,2kg/ngày. Nên duy trì độ sáng chuồng trại ở thời kì mang thai và đẻ tương tự nhau.
5. Quá chú tâm vào việc đạt được mục tiêu năng suất
Việc tập trung quá mức vào việc đạt năng suất cao nhất chưa chắc mang lại lợi nhuận cao nhất cho trang trại. Ví dụ sau đây sẽ chứng minh được điều này:
Một trang trại với trang thiết bị cũ, bình quân PSY chỉ đạt 17 con. Tuy năng suất không cao nhưng giá thành sản xuất một heo con cai sữa tại trại ở mức thấp.
Một trang trại khác trang thiết bị mới hơn, PSY đạt 24 con nhưng giá thành sản xuất một heo con cai sữa cao hơn trại kia. Điều này cho thấy, năng suất cao nhưng chưa chắc mang lại lợi thế cạnh tranh.
|
Thu nhập cao từ mô hình ương cá bớp trong ao đất
Từ giai đoạn trứng được ấp nở đến cá giống có kích thước 10cm, thời gian ương khoảng 60 ngày. Tỷ lệ sống tuy còn thấp, nhưng lợi nhuận mà anh Nguyễn Hoàng Oanh thu được từ con giông cá bớp (tên khoa học Rachycentron canadum) hàng năm lên đến con số tiền tỷ.
|
Đứng trên khu ao nuôi rộng 10.000m2, trong đó có một ao lắng và 2 ao ương nuôi được lót bạt ở địa chỉ số 18/26, đường Chi Lăng, phường 12, TP Vũng Tàu. Anh Nguyễn Hoàng Oanh sinh năm 1961, kể lại quá trình nuôi hải sản từ năm 2001 cho đền nay. Ngày đó khi mới bước vào nghề anh thấy người ta nuôi tôm có hiệu quả anh cũng tìm hiểu quy trình rồi mua con giống về thả nuôi. Những năm đầu khi môi trường còn thuận lợi, các ao nuôi của anh luôn “về đích” và cho lợi nhuận cao. Những năm sau đó, khi môi trường ao nuôi ô nhiễm, việc nuôi tôm thương phẩm của anh trở nên khó khăn, anh chuyển hướng qua cho đẻ và ương nghêu giống. Nhờ bạn bè hỗ trợ kỹ thuật và nhu cầu thị trường tiêu thụ con giống nghêu ở các tỉnh khu vực miền bắc cao, anh cũng thu được nhiều lợi nhuận, nhưng chỉ vỏn vẹn trong hai năm rồi thị trường nghêu giống lại bế tắc đầu ra. Với niềm say mê làm kinh tế mà đặc biệt là yêu cái nghề “chăm con mọn” anh luôn có hướng cầu tiến. Năm 2017, qua tìm hiểu thị trường, biết được cá bớp thương phẩm có giá trị kinh tế cao, nhu cầu con giống thả nuôi rất lớn nhưng con giống nhân tạo để cung cấp cho người nuôi còn ít. Mặt khác, cá bớp có đặc điểm sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước có độ mặn từ 30-35% phù hợp với môi trường ao nuôi tại cơ sở anh. Có kinh nghiêm từ việc nuôi và cho sinh sản các loài thủy sản, anh quyết định đầu tư vào sản xuất cá bớp giống. Mỗi đợt sản xuất, tỷ lệ sống cá xuất bán còn thấp nhưng lợi nhuận mang lại cao hơn các đối tượng anh nuôi trước đây và đặc biệt là độ rủi ro cũng ít hơn.
Theo anh Oanh, để thu hoạch khoảng 100.000con/đợt, cá giống cỡ 10cm, anh nhập 2-2,5 kg trứng cá bớp từ tỉnh Phú Yên, giá 10.000.000đồng/kg trứng (Mỗi kg trứng tương đương khoảng 1.000.000 trứng). Trứng sau khi đưa về cơ sở, anh cho vào ấp trong bể nhựa thể tích bể 6m3. Trứng ấp nở thành cá bột, sau 3 ngày tiêu thụ hết noãn hoàng cho ra ao ương. Tại ao ương các thông số về kỹ thuật được đảm bảo theo yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cá bột. Lúc này cá bắt đầu sử dụng thức ăn ngoài. Thức ăn giai đoạn này chủ yếu là luân trùng (Một loài sinh vật phù du rất cần thiết cho giai đoạn đầu cùa giáp xác và cá con 3-5 ngày tuổi). Đến ngày thứ chín, chuyển qua cho cá ăn thức ăn ấu trùng Artemia (một loài giáp xác có hàm lượng đạm rất cao và có giá trị về mặt kinh tế (Một kg trứng khô có giá từ 3.000.000đ-4.500.000 đồng tùy loại). Loại thức ăn này duy trì cho đến ngày thứ 20. Lúc này cá con trưởng thành và có thể tập cho cá sử dụng thức ăn cám viên có hàm lượng đạm cao, kích thước viên thức ăn vừa miệng cá, sau đó chuyển dần qua các dạng cám viên có hàm lượng đạm và kích thước theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi cá đạt kích cỡ 3-5cm, hiện tượng phân đàn rất rõ cần phải chuyển cá ra gièo ương. Mỗi gièo có kích thước 4m x 6m có thể ương 3.000-5.000 con giống. Chế độ quản lý môi trường và thức ăn luôn đảm bảo cho cá sinh trưởng trong điều kiện tối ưu. Sau hai tháng ương nuôi, cá đạt kích thước 8-10cm là thu hoạch.
Thị trường tiêu thụ con giống chủ yếu là tỉnh Kiên Giang và vùng nuôi lồng bè Long sơn. Giá bán giao động trong năm từ 10.000đ- 15.000đ/con, cỡ 10cm, tùy theo mùa vụ. Mỗi đợt sản xuất tỷ lệ sống đạt chừng 5% tính từ trứng. Sau khi trừ chi phi lợi nhuận khoảng 500.000.000đồng/đợt. Mỗi năm cơ sở sản xuất 3 đợt mang đến thu nhập cho gia đình lên đến con số bạc tỷ. Có thể nói lợi nhuận trong lĩnh vực ương nuôi con giống hải sản là rất cao. Anh Oanh chia sẻ thêm.
Với mô hình hiệu quả nhưng hiện vẫn ít người quan tâm. Anh Võ Xuân Hậu cán bộ khuyến nông tỉnh cho biết: “Hiện nay con giống cung cấp cho các hộ nuôi lồng bè tại địa phương còn phụ thuộc vào cơ sở sản xuất của các tỉnh miền trung như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Việc anh sản xuất con giống cá bớp theo quy trình ao đất là một trong những bước đột phá tiên phong mà người dân muốn học hỏi và làm theo. Hy vọng qua mô hình này người nuôi có thêm nhiều lựạ chọn về con giống phục vụ cho việc nuôi thương phẩm cá bớp trên lồng bè cũng như trong ao đất”.
Trọng Hoàng
|
|
|
|
  |
|
Bộ Khoa học và Công nghệ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Thông tin tư vấn
Bảng giá nông sản
|
|