I. NHU CẦU GIỐNG CAO SU
Cây cao su có nguồn gốc từ lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ và được nhập vào Việt Nam từ 1897. Cây cao su được trồng tập trung ở Đông Nam Bộ, kế đến là ở Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Hiện nay, sản phẩm chính của cây cao su là mủ để làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp chế tạo vỏ ruột xe, vật dụng đàn hồi, chống thấm... và gỗ làm hàng gia dụng, xây dựng. Theo dự đoán của nhiều tổ chức quốc tế, nhu cầu về mủ và gỗ cao su sẽ gia tăng trong nhiều năm sắp đến. Trước tiềm năng của thị trường cao su, nhà nước chủ trương phát triển diện tích cao su lên đến 500.000 ha nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ, phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của các vùng trồng cao su. Phần lớn diện tích trồng mới là vườn cao su tiểu điền do các nông hộ thực hiện. Các công ty quốc doanh chủ yếu tái canh trên diện tích đã có.
Trong giai đoạn 2003 - 2005, diện tích cao su trồng mới và tái canh được ước tính khoảng 52.400 ha, như vậy cần khoảng 34 triệu cây con và 42,5 triệu mắt ghép.
II. NHỮNG GIỐNG CAO SU ƯU VIỆT HIỆN NAY
Để các vườn cao su giai đoạn 2003 - 2005 đạt chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, một trong các điều kiện có tính quyết định là chọn những cây con thuộc loại giống sinh trưởng khoẻ, năng suất cao, ít bệnh, thích nghi với điều kiện môi trường và cây con phải đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Những vườn cao su đầu tiên được trồng bằng hạt thực sinh, năng suất rất kém và sản lượng từng cây không đồng đều do xuất thân từ những quần thể tạp giao. Đến nay, hầu hết những vườn cho năng suất cao được trồng bằng các dòng vô tính tuyển chọn từ các cây thực sinh đầu dòng hoặc cây lai xuất sắc.
Cao su là cây lâu năm nên thời gian chọn tạo giống rất dài (trên 20 năm) và rất tốn kém. Từ 1981 đến nay, những bộ giống thích hợp theo từng vùng sinh thái được cải tiến 3 năm 1 lần. Các giống mới gần đây đã đạt năng suất tăng dần. Tuy nhiên, một số giống cũ tuy năng suất không cao nhưng có tính ổn định ở một số vùng ít thuận lợi vẫn được duy trì để tránh rủi ro cho người trồng.
Trong giai đoạn 2002 - 2005, những dòng vô tính cao su được Viện Nghiên cứu Cao su đề xuất và Tổng Công ty Cao su Việt Nam khuyến cáo trồng như sau:
Cơ cấu bộ giống cao su trồng giai đoạn 2002 - 2005 ở các vùng chính
|
Đông Nam Bộ và Bình Thuận
|
Tây Nguyên (dưới 600 m)
|
Tây Nguyên (600 - 700 m)
|
Duyên hải miền Trung
|
Loại giống chiếm 15 - 20% diện tích trồng
|
LH82/182, RRIV 4, LH82/156, RRIV 2, PB 255, PB 260
|
LH82/182, RRIV 4, LH82/156, RRIV 2, PB 260
|
PB 260, GT1, RRIM 600
|
GT1, RRIM 600, PB 255
|
Loại giống chiếm 10% diện tích
|
RRIC 121, RRIM 600, LH82/158, RRIV 3, VM 515, GT1
|
RRIC 121, GT1, RRIM 600, PB 255, LH82/158, RRIV 3, VM 515
|
RRIC 100, PB 255, LH82/156, RRIV 2, LH82/182, RRIV 4
|
LH82/156, RRIV 2, RRIC 121, RRIC 100, RRIM 712, LH82/158, RRIV 3, PB 260(*), LH82/182, RRIV 4(*)
|
Loại giống chiếm 1 - 5 ha
|
RRIV 1, RRIV 5, LH 82/75, LH 82/92, LH 83/85, LH 83/152, LH 83/283, LH 83/290, LH 83/732, LH 88/61, LH 88/72, LH 88/236, LH 88/241, IRCA 130, IRCA 230, IRCA 331, PB 312, PB 324, PB 330 và những giống mới được Tổng công ty cao su cho phép bổ sung.
|
Ghi chú: (*): PB 260, RRIV 4, VM 515 không khuyến cáo cho vùng có gió mạnh.
III. KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG CAO SU
Cây con cao su phổ biến hiện nay là dạng tum trần 1 năm tuổi, giá thành thấp và dễ chuyên chở nhưng hạn chế là tỷ lệ trồng sống không cao khi gặp điều kiện môi trường bất thuận. Cây con dạng bầu cắt ngọn và bầu có tầng lá có giá thành cao, phí chuyên chở lớn nhưng tỷ lệ sống cao dù gặp thời vụ trồng ít thuận lợi.
1. Kỹ thuật làm vườn ươm tum trần
1.1. Thời vụ : Thiết lập vườn ươm tum trần cần tiến hành trước khi trồng 10 - 12 tháng, tốt nhất là vào đầu mùa hạt rụng, từ 1/7 đến 30/8 ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và trước 30/10 ở miền Trung.
1.2. Chọn đất làm vườn ươm
- Đất phải thoát nước tốt, bằng phẳng hoặc dốc nhẹ, sâu và độ phì tốt. Phải tránh đất có nhiều sỏi hoặc đá. Dọn sạch gốc rễ cây cũ, cày bừa cho tơi xốp.
- Nguồn nước phải gần và đủ lượng trong mùa khô để tưới.
- Có đường giao thông thuận lợi để vận chuyển cây giống.
1.3. Thiết vườn ươm tum
- Thiết kế phải bảo đảm chống xói mòn, chống úng và thuận lợi cho việc thi công, vận chuyển giống sau này. Lối đi rộng 3 - 5 m.
- Mật độ thiết kế: 80.000 điểm/ha, hàng kép cách nhau 90 cm và 2 hàng đơn cách nhau 30 cm, cây cách cây 20 cm và trồng kiểu nanh sấu.
- 1 ha vườn ươm tum có thể trồng cho 70 - 80 ha sản xuất.
1.4. Đào rãnh, bón lót
- Đào rãnh sâu 50 cm, rộng 50 cm và 2 mép rãnh cách 70 cm. Rãnh được đào từng đoạn sao cho lớp đất mặt được lấp xuống đáy.
- 15 ngày trước khi trồng, sử dụng 20 tấn phun hữu cơ và 1 tấn phân supe lân bón cho 1 ha trộn với đất để lấp đầy rãnh.
1.5. Chuẩn bị hạt giống
- Loại hạt giống: trong các giống trồng phổ biến hiện nay, dòng vô tính GT1 cho hạt làm gốc ghép tốt nhát với tỷ lệ cây con khoẻ và đồng đều cao. Hạt của những dòng vô tính cao sản khác có thể làm gốc ghép nhưng cần chú ý tỉa loại cây sinh trưởng kém và bị vàng lá.
- Số lượng hạt giống cần cho 1 ha vườn ươm tum là khoảng 1.2000 kg.
- Chỉ dùng hạt tươi, vỏ có màu sáng bóng, nặng. Loại bỏ hạt lép, bệnh, dị hình. Nếu được, nên đập nhẹ làm vỏ hạt vừa nứt để chọn hạt tốt, ruột còn trắng, đầy.
- Ngâm hạt trong nước sạch 20 giờ, vớt ra đem rấm vào líp cát.
- Líp cát có chiều rộng khoảng 1 m, dài 10 m, dày 5 cm, chung quanh có nẹp chắn và phía trên có mái che.
- Hạt có thể được đặt úp bụng xuống theo hàng, hoặc trải hạt thành 1 lợp dày 10 cm và trên phủ một lớp cát che kín lưng hạt.
- Tưới nước hàng ngày 2 - 3 lần với lượng nước 4 lít/m2. Không để bị úng.
- Cần sử dụng thuốc chống kiến và phòng trị nấm bệnh.
- Sau khi rấm khoảng 5 - 7 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm. Chọn những hạt vừa phát triển rễ mầm (nhú hạt gạo hoặc rễ chân nhện), đặt vào thúng có lót vật liệu (bao bố) ẩm mềm hoặc trong thùng nước, che mát trong khi vận chuyển ra vườn ươm. Không sử dụng những hạt nẩy mầm sau 2 tuần.
1.6. Trồng hạt ở vườn ươm
- Mỗi điểm thiết kế trồng 1 hạt. Moi đất tạo thành lỗ sâu rộng khoảng 3 cm, sâu 2 cm, đặt hạt úp bụng xuống hoặc rễ quay xuống đất, dùng tay kéo đất lấp lưng hạt khoảng 1 cm và ém chặt chung quanh.
- Hàng ngày, kiểm tra để loại bỏ và trồng giặm ngay những cây con không đạt yêu cầu.
1.7. Tưới nước
- Tưới nước hàng ngày nếu không mưa ngay sau khi trồng hạt. Hai tháng sau trồng có thể tưới 2 lần/tuần với lượng nước 10 lít/m2/lần. Tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
- Trước khi bón phân, cũng cần tưới nước đủ ẩm và sau khi bón, tưới để hoà tan phân.
- Trước khi ghép, cần tưới nước đủ ẩm, tránh tưới ngay sau khi ghép, nên sau ghép hơn 2 ngày.
1.8. Làm cỏ
- Vườn ươm phải luôn sạch cỏ để cây con phát triển tốt. Quanh gốc nên làm cỏ tay, hoặc dùng thảm phủ nilông, tàn dư thực vật để phủ đất chống cỏ. Tránh gây thương tích gốc cây. Trước khi ghép 1 tháng, phải ngưng làm cỏ xới xáo làm ảnh hưởng gốc ghép.
- Làm cỏ thủ công là chính, có thể sử dụng hoá chất diệt cỏ khi vỏ cây đã hoá nâu và lá đã ổn định. Thuốc diệt cỏ trên vườn ươm là các loại gốc glyphosate (3 - 4 lít/ha) hoặc Diuron (3 kg/ha).
1.9. Bón phân
- Lần bón đầu tiên là sau khi trồng 1 tháng, khi cây có 2 tầng lá ổn định, các lần sau cách 1 tháng. Trước khi ghép 1 tháng, ngưng bón phân vào gốc.
- Trộn phân đều và rải phân giữa 2 hàng đơn lần bón đầu, các lần sau bón dọc theo hai bên hàng kép, xới nhẹ để vùi phân.
- Trong mùa khô, bón phân kết hợp với tưới nước.
- Liều lượng bón phân vườn ươm tum như sau (g/cây/lần):
Tháng sau trồng
|
Urê (46% N)
|
Lân nung chảy (15% P2O5)
|
Phân Kali KCl (60% K2O)
|
1
|
3
|
6
|
2
|
2
|
3
|
6
|
2
|
3
|
3
|
6
|
2
|
4
|
3
|
9
|
3
|
5
|
6
|
9
|
3
|
6
|
6
|
9
|
3
|
7
|
6
|
9
|
3
|
Cộng
|
30
|
54
|
18
|
- Có thể tăng cường phân bón lá để thúc đẩy sinh trưởng của cây con.
1.10. Tỉa loại
- Phải tỉa loại những cây sinh trưởng kém, dị hình, bệnh, lá trắng hay vàng, nhằm đảm bảo vườn gồm những cây phát triển tốt, đồng đều.
- Tỉa ít nhất 2 lần, lần 1 sau khi trồng hạt 1 tháng, lần 2 sau trồng 4 tháng. Tỷ lệ tỉa loại trung bình khoảng 30%.
1.11. Phòng trị bệnh
- Những cây con sinh trưởng khoẻ mạnh, cần có biện pháp phòng trị kịp thời các loại bệnh và côn trùng phá hại. Chỉ dùng các loại thuốc được phép sử dụng và có hướng dẫn cụ thể.
- Những loại bệnh thường gặp trên vườn ươm và thuốc sử dụng như sau:
+ Bệnh lá phấn trắng (Oidium heveate): Kumulus 0.3%, Sumieight 0.2%, bột lưu huỳnh (9 - 12 kg/ha) rắc trên lá non lúc sáng sớm.
+ Bệnh héo đen đầu lá (Colletotrichum gloeosporiodes): Boócđô 1%, Daconil 0,2%, Sumieight 0,15%, oxyclorua đồng 0,5%.
+ Bệnh rụng lá mùa mưa (Phytophthora palmivora): Boóc-đô 1%, Ridomil MZ 72 0,3 - 0,4%.
+ Bệnh đốm mắt chim (Helminthosporium heveae): Daconil 0,2%, Dithane M45 0,3% hoặc Boóc-đô 1%.
1.12. Tủ gốc giữ ẩm
- Cuối mùa mưa, tủ gốc cây con bằng rơm rạ khô hoặc thân cây họ đậu 1 lớp dày 3 - 5 cm, trên tủ 1 lớp đất. Không tủ sát gốc để tránh cháy nắng cho cây con.
- Có thể sử dụng màng phủ nilông để tủ gốc ở vườn ươm.
1.13. Ghép
- Tiến hành ghép khi vườn ươm có trên 60% số cây đạt đường kính cách đất 10 cm trên 12 mm và khi tầng lá trên cùng ổn định (khoảng 8 - 9 tháng sau trồng).
- Trước khi ghép 1 tháng, nếu còn cây còi cọc, dị hình, bệnh... thì cần loại bỏ, ngưng xới xáo, bón phân, làm co gốc ghép ổn định.
- Áp dụng kỹ thuật ghép mắt xanh hoặc xanh nâu. Chọn mắt ghép nách lá hoặc vảy cá từ những cành gỗ ghép vỏ còn xanh, lấy trên các vườn nhân được kiểm định thuần giống và là những giống được khuyến cáo trồng trong vùng. Càng gỗ ghép nên có tuổi tương đương với gốc ghép để đạt tỷ lệ ghép sống cao. Vỏ gốc ghép và cành ghép phải tróc tốt. Không nên ghép lúc nắng gắt hoặc mưa dầm. Trước hết, dùng giẻ lau sạch gốc ghép, sử dụng dao ghép rạch 2 đường song song từ dưới lên sâu đến gỗ, cách đất 2 - 3 cm, rộng bằng 1/3 vòng thân (12 - 15 mm), dài 8 cm, phía dưới 2 đường này rạch 1 đường ngang hơi nghiêng để tạo cửa sổ trên gốc ghép. Để cắt mắt ghép, dùng dao rạch 2 đường song song ở 2 bên mắt ghép được chọn, bề ngang nhỏ hơn cửa sổ (10 - 12 mm), rạch 2 đường ngang để có vỏ mắt ghép dài 6 cm, dùng dao cắt một mảnh vỏ sâu vào gỗ để có chứa mắt ghép và một lớp gỗ mỏng phía dưới bảo vệ mầm. Cẩn thận tách mảnh vỏ ra khỏi lớp gỗ, kiểm tra mầm còn tốt thì sử dụng để ghép. Dùng dao nạy nhẹ lớp vỏ cửa sổ của gốc ghép, kéo từ từ lên, đưa mảnh vỏ có mắt ghép áp vào tượng tầng của gốc ghép. Cắt cỏ cửa sổ của gốc ghép, còn chừa lại phía trên khoảng 0,5 cm để giữ mắt ghép. Dùng dây băng trong (dây nilông) quấn chặt chung quanh gốc, phủ kín toàn bộ cửa sổ, các mép dây băng chồng mí lên nhau để nước không thấm vào.
- Sau khi ghép 20 ngày, băng ghép được tháo mở và kiểm tra mắt ghép sống (vỏ còn xanh).
- Các cây ghép chết có thể ghép lại lần 2 ở cửa sổ đối diện với lần 1 sau khi mở dây băng.
1.14. Bứng nhổ, xử lý cây tum trước khi trồng
- Đối với cây ghép sống, sau khi mở dây băng hơn 15 - 20 ngày, có thể bứng nhổ để trồng. Cưa ngọn gốc ghép cách mép trên mặt ghép 5 cm, mặt cắt nghiên 30o về phía đối diện mắt ghép. Cắt trụi rễ bàng nhung không phạm vào rễ cọc. Rễ cọc được cắt còn 40 - 45 cm tính từ cổ rễ, vết cắt xiên. Rễ được nhúng vào hỗn hợp nhão gồm 2/3 bùn + 1/3 phân bò tươi + 4% phân supe lân và nước để kích thích nhanh ra rễ. Mặt cắt ngọn gốc ghép được bôi vaseline hoặc nhúng vào sáp nung chảy. Bóm tum thành bó 20 cây, mắt ghép quay vào trong bằng dây mềm.
- Nên trồng ngay sau khi xử lý tum. Nếu phải chuyên chở xa hoặc chưa thể trồng ngay, thì thời gian bảo quản không quá 7 ngày sau khi nhổ bứng. Để bảo quản tốt, xếp đứng các bó tum vào hố cát sâu 50 cm, đáy hố có lớp cắt dày 10 cm, trên có mái che, lấp cát phủ kín rễ tum và tưới nước giữ ẩm thường xuyên. Khi vận chuyển, lót mùn cưa ẩm, dùng bao bố ẩm che đệm giữa các lớp bó tum, tưới 2 lần/ngày vào lúc trời mát và phải che mát.
- Tiêu chuẩn của cây tum trần 10 tháng - 1 năm tuổi là có đường kính đo cách cổ rễ 10 cm đạt từ 15 mm trở lên, mắt ghép sống ổn định, thuộc loại mắt ghép nách lá hoặc vảy cá, rễ cọc thẳng và dài trên 40 cm, không bị tróc vỏ, không bị trầy giập.
2. Kỹ thuật làm vườn ươm bầu cắt ngọn
2.1. Thời vụ : tiến hành làm vườn ươm bầu trước khi trồng 8 - 10 tháng, từ 1/7 đến 30/10.
2.2. Chọn đất làm vườn ươm bầu
Tương tự vườn ươm tum trên.
2.3. Thiết kế vườn ươm bầu
- Thiết kế phải bảo đảm chống xói mòn, chống úng và thuận lợi cho việc thi công, vận chuyển giống sau này.
- Mật độ thiết kế: 100.000 điểm/ha.
- 1 ha vườn ươm bầu có thể trồng cho 100 - 110 ha sản xuất.
2.4. Đào rãnh, chuẩn bị bầu đất
- Đào rãnh sâu 25 cm, rộng 30 cm, dài 20 m và 2 mép rãnh cách 90 cm.
- Bầu nilông dày 0,08 mm, kích thước 20 x 40 cm, ở 1/3 bầu phần đáy có đục nhiều lỗ 5 mm để thoát nước.
- Đất vào bầu là đất mặt trộn đều với phân lót gồm 20 tấn phân hữu cơ/ha và 1 tấn supe lân.
- Xếp 2 hàng bầu vào rãnh, lấp đất vào 2 bên ngoài hàng bầu, không lấp đất giữa 2 hàng bầu.
2.5. Chuẩn bị hạt giống
- Loại hạt giống và chọn hạt: như vườn ươm tum.
- Số lượng hạt giống cần cho 1 ha vườn ươm bầu là khoảng trên 1.500 kg.
2.6. Trồng hạt vào bầu
- Mỗi bầu trồng 1 - 2 hạt. Đặt hạt vào giữa, hạt úp bụng xuống hoặc rễ quay xuống đất, dùng đất mịn phủ kín lưng hạt. Tưới ngay sau khi đặt hạt vào bầu.
- Hàng ngày, kiểm tra để loại bỏ và trồng giặm ngay những cây con không đạt yêu cầu.
2.7. Tưới nước
- Tưới nước hàng ngày (nếu không mưa) ngay sau khi trồng hạt: 1 ngày/lần khi cây chưa đạt 1 tầng lá ổn định; khi cây có 1 - 2 tầng lá có thể tưới 2 ngày/lần; khi cây có trên 2 tầng lá, tưới 2 lần/tuần. Tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Lượng nước: 10 lít/m2/lần.
2.8. Làm cỏ
- Làm cỏ thủ công là chính. Dùng cuốc làm cỏ giữa 2 hàng bầu, nhổ bằng tay cỏ trong bầu. Có thể phủ thảm nilông.
2.9. Bón phân
- Bón lần 1 khi cây có 2 tầng lá ổn định, phân rải đều cách gốc 3 cm. Tưới nước đủ ẩm trước khi bón và ngay sau khi bón để hoà tan phân.
- Liều lượng bón phân vườn ươm bầu như sau (g/cây/lần):
Tháng sau trồng
|
Urê (46% N)
|
Lân nung chảy (15% P2O5)
|
Phân Kali KCl (60% K2O)
|
1
|
1
|
2
|
0,5
|
2
|
1
|
2
|
0,5
|
3
|
2
|
3
|
0,5
|
4
|
3
|
3
|
1
|
5
|
3
|
4
|
1
|
6
|
3
|
4
|
1
|
Cộng
|
13
|
18
|
4,5
|
- Có thể tăng cường phân bón lá để thúc đẩy sinh trưởng của cây con.
2.10. Tỉa loại
- Phải tỉa loại những cây sinh trưởng kém, dị hình, bệnh, lá trắng hay vàng, nhằm đảm bảo vườn gồm những cây phát triển tốt, đồng đều.
- Tỉa ít nhất 3 lần, lần 1 sau khi trồng hạt 1 tháng, lần 2 sau trồng 2,5 tháng, lần 3 sau 4 tháng trồng.
2.11. Ghép
- Tiến hành ghép khi vườn ươm có trên 60% số cây đạt đường kính cách đất 10 cm trên 10 mm và khi tầng lá trên cùng ổn định (khoảng 7 - 8 tháng sau trồng).
- Kỹ thuật ghép tương tự ở vườn ươm tum.
2.12. Chuẩn bị bầu cắt ngọn trước khi trồng
- Đối với cây ghép sống, sau khi mở dây băng hơn 15 ngày, có thể cắt ngọn để trồng. Cưa ngọn gốc ghép cách mép trên mắt ghép 5 cm, mặt cắt nghiêng 30o về phía đối diện mắt ghép và bôi vasaline phủ kín mặt cắt.
- Sau khi cắt ngọn, nhấc bầu lên khỏi rãnh, cắt bỏ phần rễ phát triển ngoài bầu, tập trung lại một nơi có che mát để vận chuyển đi trồng. Thời gian từ cắt ngọn đến khi trồng không quá 5 ngày.
- Tiêu chuẩn của bầu cắt ngọn: đường kinh đo cách cổ rễ 10 cm đạt từ 14 mm trở lên, mắt ghép sống ổn định, thuộc loại mắt ghép nách lá hoặc vảy cá, bầu không bị bể rách, cây không bị long gốc.
2.13. Các kỹ thuật khác
- Tương tự như vườn ươm tum trần.
3. Kỹ thuật làm vườn ươm tum bầu 2 - 3 tầng lá
3.1. Thời vụ : Tiến hành làm vườn ươm bầu 2 - 3 tầng lá trước khi trồng mới hoặc trồng giặm 5 - 6 tháng.
3.2. Trồng tum vào bầu
- Tum phải đạt đường kính cách cổ rễ từ 13 mm trở lên, đuôi chuột thẳng, cách mí dưới mắt ghép 29 cm cho kích thước bầu 20 x 40 cm. Mắt ghép sống ổn định.
- Trước khi trồng tum 1 - 2 ngày, tưới ẩm đất trong bầu.
- Dùng cây xoi lỗ giữa bầu, đặt tum vào lỗ sao cho mí dưới mắt ghép cách đất 1 cm, mắt ghép quay ra phía ngoài 2 hàng bầu, ém chặt đất quanh rễ tum, tưới nước ngay sau khi trồng tum vào bầu.
3.3. Tưới nước:
- Hàng ngày tưới ít nhất 1 lần cho đến khi có 2 - 3 tầng thì tưới 2 ngày 1 lần, luôn giữ đất ẩm.
3.4. Tỉa chồi
- Thường xuyên tỉa chồi dại và chồi ngang kịp thời.
3.5. Bón phân
- Bón lần 1 khi cây có 1 tầng lá ổn định, các lần sau cách 1 tháng. Phân được rải đều cách gốc 3 cm. Tưới nước đủ ẩm trước khi bón và ngay sau khi bón để hoà tan phân.
- Liều lượng bón phân vườn ươm tum bầu 2 - 3 tầng lá như sau (g/cây/lần):
Tháng sau trồng
|
Urê (46% N)
|
Lân nung chảy (15% P2O5)
|
Phân Kali KCl (60% K2O)
|
2
|
2
|
4
|
1,5
|
3
|
4
|
4
|
1,5
|
4
|
4
|
4
|
1,5
|
5
|
4
|
4
|
1,5
|
Cộng
|
14
|
16
|
6
|
- Có thể tăng cường phân bón lá để thúc đẩy sinh trưởng của cây con.
3.6. Chuẩn bị bầu trước khi trồng
- Trước khi nhấc bầu 3 - 5 ngày, ngưng tưới nước để bầu cứng chắc.
- Chọn bầu có tầng lá ổn định và nhấc ra khỏi rãnh, để riêng theo từng nhóm có số tầng lá bằng nhau ở nơi thoáng mát. Tưới nước 2 ngày/lần trong 5 - 7 ngày để cây phục hồi trước khi trồng ngoài vườn.
3.7. Các kỹ thuật khác
Tương tự như đối với vườn ươm bầu cắt ngọn.
4. Kỹ thuật làm vườn nhân gỗ ghép cao su
4.1. Thời vụ: Tuỳ theo loại cây con làm gốc ghép:
- Trồng hạt: 15/7 - 30/8 ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và trước 30/10 ở miền Trung.
- Trồng tum: 1/6 - 15/7 ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và trước 30/10 ở miền Trung.
- Trồng bầu: 15/5 - 30/8 ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và trước 30/11 ở miền Trung.
4.2. Chọn đất làm vườn nhân : tương tự vườn ươm.
4.3. Thiết kế
- Chia làm nhiều ô nhỏ để dễ quản lý, chăm sóc. Kích thước ô: dài 50 - 100 m, rộng 20 - 30 m, cách nhau 3 m và đường vận chuyển chính rộng 5 m.
- Thiết kế mật độ 20.000 gốc/ha, hàng con 1 x 0,5 m.
4.4. Đào rãnh, bón lót
- Đào rãnh rộng 40 cm, sâu 40 cm nếu trồng hạt hoặc bầu, sâu 50 cm nếu trồng tum.
- Trước khi trồng ít nhất 15 ngày, bón lót phân chuồng hoai 30 tấn/ha hoặc phân hữu cơ tương đương và phân lân nung chảy 1.100 kg/ha. Trộn đều phân và đất mặt trong rãnh, lấp đất đầy rãnh và đánh dấu hàng trồng.
4.5. Trồng
- Nếu trồng hạt, mỗi điểm đặt 2 - 3 hạt.
- Trồng tum hoặc bầu, mỗi điểm 1 cây.
4.6. Chăm sóc
- Nếu trồng hạt, chăm sóc tương tự vườn ươm tum trần cho đến khi ghép.
- Trồng tum hoặc bầu, cần thường xuyên tỉa chồi dại và chồi ngang, chỉ để 1 chồi ghép phát triển trong năm đầu. Năm 2 - 3, mỗi gốc để 2 chồi, từ năm thứ 4 trở đi, mỗi gốc để 3 - 4 chồi.
- Vào cuối mùa mưa, tủ gốc bằng rơm rạ, thân cây họ đậu cách gốc 5 cm, dày 3 - 5 cm và phủ kín đất phía trên. Có thể sử dụng màng phủ nilông để giữ ẩm và tránh cỏ.
- Làm cỏ định kỳ để vườn luôn sạch cỏ, bằng thủ công hoặc hoá chất khi cây có lớp vỏ nâu.
4.7. Tưới nước
- Trong năm đầu, cần tưới ngay đầu mùa khô dể chồi phát triển tốt.
- Những năm sau, nếu cần sử dụng gỗ ghép trong mùa khô, phải tưới trước khi cắt tối thiểu 6 tuần, 2 lần/tuần với lượng nước 80 m3/ha mỗi lần để dễ bóc vỏ gỗ ghép.
4.8. Bón phân
- Bón 2 - 3 lần/năm, đất phải đủ ẩm khi bón phân.
- Không bón trước khi cắt lấy gỗ ghép 1 tháng.
- Liều lượng phân bón:
Năm
|
G/GỐC
|
KG/HA
|
N
|
P2O5
|
K2O
|
Urê
|
Lân nung chảy
|
Clorua Kali
|
Bón lót
|
|
8,25
|
|
|
1.000
|
|
Năm 1
|
9,2
|
4,12
|
6,9
|
400
|
550
|
230
|
Năm 2 trở đi
|
13,8
|
12,37
|
6,9
|
600
|
1.650
|
230
|
4.9. Cắt lấy gỗ ghép
- Trước khi cắt cành 20 ngày, dùng dao bén cắt lá chừa cuốn còn 1 - 2 cm. Cắt các lá tầng dưới, chừa ít nhất 1 - 2 tầng lá phía trên đã ổn định.
- Khi cần sử dụng gỗ ghép, chọn cành có tầng lá trên cùng ổn định, cắt cách nơi phát chồi 15 - 20 cm, mắt cắt nghiêng 35o về phía ngoài gốc, lúc trời râm mát, và không để cành phơi ra nắng. Cắt thành đoạn dài 0,6 - 1 m, nơi có nhiều mắt hữu hiệu.
- Tiêu chuẩn cành gỗ ghép: bóc vỏ dễ dàng, bình quân có 10 mắt/mét, có tuổi và kích thước tương đương với gốc ghép, vỏ cảnh màu xanh hoặc xanh nâu.
4.10. Bảo quản, vận chuyển cành gỗ ghép
- Thời gian từ khi cắt đến khi sử dụng tốt nhất là trong 1 ngày, tối đa không quá 5 ngày.
- Cành được nhúng sáp 2 đầu, bảo quản nơi thoáng mát, có bao bì giữ ẩm. Nếu phải vận chuyển đi xa, xếp vào thùng từng lớp có đệm mùn cưa mịn ẩm (mùn cưa đã được tưới nước đẫm trong 7 ngày trước và có trộn 0,1% bột lưu huynh).
- Thùng gỗ ghép chỉ nên chứa khoảng 100 - 120 cành, làm bằng gỗ hoặc giấy cứng, dài 0,7 - 1 m, rộng 0,3 - 0,4 m, cao 0,3 - 0,35 m. Bên ngoài thùng ghi rõ tên giống, số lượng, ngày cắt cành, nơi cấp và nơi nhận.
4.11. Cưa phục hồi
- Hàng năm sau khi cắt cành, phải tiến hành cắt bỏ cành còn lại và các chồi tái sinh sao cho tuổi cành thích hợp để sử dụng vào năm sau (6 - 8 tháng tuổi).
- Sau mỗi 5 năm, tiến hành cưa phục hồi toàn vườn để hạ thấp vị trí chồi và tạo điều kiện cho chồi tái sinh khoẻ.
4.12. Quản lý vườn nhân
- Chỉ nên đưa vào vườn nhân những giống được Viện Nghiên cứu Cao su khuyến cáo theo từng thời kỳ và cho từng vùng sinh thái.
- Cần có bảng tên giống cho từng ô giống.
- Hàng năm, cần có cán bộ kỹ thuật kiểm tra loại bỏ chồi thực sinh và chồi không đúng giống. Các cành đã được kiểm định cần được dán nhãn tên hoặc đánh dấu sơn phân biệt các loại giống.
PHỤ LỤC: ĐẶC ĐIỂM CÁC GIỐNG CAO SU ĐƯỢC KHUYẾN CÁO 2002 - 2005
GT1
Là dòng vô tính được tuyển chọn tại Indonesia và được trồng nhiều nơi trên thế giới từ những năm 1960 - 1980. GT1 được trồng qui mô rộng ở Việt Nam từ 1981. Ở Đông Nam Bộ, sinh trưởng và sản lượng của GT1 từ kém đến trung bình. Trong điều kiện bất thuận của cao trình trên 600 m hoặc miền Trung, GT1 sinh trưởng và sản lượng khá. Nâng suất của GT1 khởi đầu thấp, sau đó ổn định từ 1 - 1,4 tấn/ha/năm ở Đông Nam Bộ và 1,1 - 1,2 tấn/ha/năm ở Tây Nguyên cao dưới 600 m trong 120 năm khai thác đầu. GT1 tăng trưởng khi cạo trung bình, ít nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo, nhiễm trung bình bệnh nấm hồng và rụng lá mùa mưa, tương đối dễ nhiễm bệnh lá phấn trắng, đáp ứng tốt với chất kích thích mủ và chịu được cường độ cạo cao, ít khô mủ, kháng gió khá.
GT1 không còn được khuyến cáo ở Malaysia do hiệu quả kinh tế kém hơn nhiều giống khác nhưng vẫn còn được khuyến cáo ở một số nước khác: Ấn Độ, Indonesia, Côte D'Ivoire, Cambodia.
GT1 được khuyến cáo qui mô vừa ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dưới 600 m và qui mô lớn cho vùng Tây Nguyên 600 - 700 m, miền Trung.
LH82/156 (RRIV 2)
Là dòng vô tính do Viện Nghiên cứu Cao su lai tạo năm 1982 với mẹ RRIC 110 và cha RRIC 117, được khảo nghiệm từ 1983, khu vực hoá từ 1994 và sản xuất diện rộng từ 1997. LH82/156 nổi bật về sinh trưởng trong thời gian kiến thiết cơ bản và tăng trưởng khi cạo, vượt hơn PB 235 khoảng 15%, sản lượng những năm đầu thấp hơn PB 235, sau đó tăng dần, năng suất 5 năm đạt 1.340 kg/ha/năm (88% PB 235), đáp ứng với kích thích mủ khá tốt, nhiễm trung bình bệnh lá phấn trắng, dễ nhiễm bệnh nấm hồng. LH82/156 có thân chính chiếm ưu thế, tạo tiềm năng trữ lượng gỗ hữu dụng cao. Trữ lượng gỗ của LH82/156 vào năm 14 tuổi là 0,57 m3/cây (132% PB235).
LH82/156 được xem là giống cao su gỗ-mủ, được khuyến cáo qui mô lớn ở vùng thuận lợi và qui mô vừa ở vùng ít thuận lợi.
LH82/158 (RRIV 3)
Tương tự như LH82/156, dòng vô tính LH82/158 do Viện Nghiên cứu Cao su lai tạo năm 1982 với mẹ RRIC 110 và cha RRIC 117, được khảo nghiệm từ 1983, khu vực hoá từ 1994 và sản xuất diện rộng từ 1997. LH82/158 sinh trưởng và sản lượng tương đương hoặc vượt hơn PB 235, năng suất 5 năm đầu ở Đông Nam Bộ đạt 1.500 kg/ha/năm (99% PB 235), tăng trưởng khi cạo khá, nhiễm nhẹ bệnh nấm hồng và rụng lá mùa mưa, nhiễm trung bình bệnh loét sọc mặt cạo và bệnh phấn trắng.
LH82/158 được khuyến cáo qui mô vừa ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dưới 600 m và miền Trung.
LH82/182 (RRIV 4)
Là dòng vô tính do Viện Nghiên cứu Cao su lai tạo năm 1982 với mẹ RRIC 110 và cha PB 235, được khảo nghiệm từ 1983, khu vực hoá từ 1994 và sản xuất diện rộng từ 1997. LH82/182 sinh trưởng khoẻ trong thời gian kiến thiết cơ bản, vượt PB235 trong nhiều thí nghiệm. Tuy nhiên, tăng trưởng khi cạo kém, sản lượng hơn hẳn PB 235 từ 20 - 60% và cao nhất trong các giống lai đợt 1982. Năng suất 5 năm đầu ở Đông Nam Bộ đạt 2.160 kg/ha/năm (142% PB 235). LH82/182 nhiễm nhẹ bệnh loét sọc mặt cạo, nhiễm trung bình bệnh rụng lá mùa mưa và nấm hồng, tương đối dễ nhiễm bệnh lá phấn trắng.
LH82/182 được khuyến cáo qui mô lớn ở vùng thuận lợi và qui mô vừa ở vùng ít thuận lợi, không nên trồng ở vùng có gió mạnh.
PB255
Là dòng vô tính được tạo tuyển ở Malaysia từ tổ hợp lai PB 5/51 x PB 32/36, nhập vào Việt Nam năm 1978, được khuyến cáo trồng qui mô vừa từ năm 1991. PB 255 sinh trưởng trung bình đến khá trong thời gian kiến thiết cơ bản, năng suất cao, đạt 1,6 - 2,0 tấn/ha/năm ở Đông Nam Bộ và đạt 1,1 - 1,2 tấn/ha/năm ở Tây Nguyên cao dưới 600 m trong 10 năm đầu khai thác. Ở Quảng Bình, PB 255 sinh trưởng và có sản lượng cao hơn GT1 và PB 235, đạt 1.075 kg/ha/năm trong 4 năm đầu khai thác. PB 255 tăng trưởng khi cạo khá, vỏ nguyên sinh khá dày, nhiễm bệnh phấn trắng và rụng lá mùa mưa trung bình, dễ nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo và nấm hồng, dễ khô mủ, đáp ứng tốt với chất kích thích mủ.
Có thể trồng PB 255 ở nhiều vùng cao su. Là giống kháng gió khá, PB 255 còn được khuyến cáo cho những vùng gió mạnh.
PB 260
Là dòng vô tính được tạo tuyển ở Malaysia từ tổ hợp lai PB 5/51 x PB 49, kháng gió khá tại Malaysia nhưng kém ở Côte D'Ivoire, được khuyến cáo trồng diện rộng trên nhiều nước. PB 260 được nhập vào Việt Nam năm 1978, được khuyến cáo trồng quy mô vừa từ 1994 và được sản xuất rộng từ 1997. PB 260 sinh trưởng trung bình ở Đông Nam Bộ chỉ tương đuơng với GT1, nhưng năng suất cao hơn, trung bình 5 năm đạt 1,1 - 1,7 tấn/ha/năm. Ở Tây Nguyên cao 600 - 700 m, PB 260 sinh trưởng khá và sản lượng vượt hơn GT1, PB 235. Giống này tăng trưởng khi cạo trung bình, nhiễm nhẹ bệnh nấm hồng, rụng lá mùa mưa, nhiễm nhẹ đến trung bình bệnh phấn trắng và loét sọc mặt cạo, dễ khô mủ, phản ứng mạnh khi cạo phạm, xuất hiện các bướu trên vỏ tái sinh.
PB 260 được khuyến cáo các qui mô lớn ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, qui mô vừa ở miền Trung, nên tránh vùng có gió mạnh.
RRIC 100
Là dòng vô tính đựoc tạo tuyển ở Sri Lanka, từ tổ hợp lai RRIC 52 x PB 86, được trồng diện rộng ở Sri Lanka. Ở Malaysia, RRIC 100 được ghi nhận là giống cao sản, sinh trưởng khoẻ, chống chịu gió tốt, nhiễm nhẹ bệnh phấn trắng. Trong các thí nghiệm tại Đông Nam Bộ, RRIC 100 sinh trưởng và sản lượng khá hơn GT 1, đạt năng suất 5 năm đầu từ 1,1 - 1,3 tấn/ha/năm. Ở Tây Nguyên, RRIC 100 tăng trưởng tốt và sản lượng cao hơn GT 1 (119% ở GT 1).
RRIC 100 được khuyến cáo qui mô vừa ở Tây Nguyên cao 600 - 700 m và miền Trung.
RRIC 121
Là dòng vô tính được tạo tuyển ở Sri Lanka (PB 28/59 x IAN 873), sinh trưởng khoẻ và cao sản, được khuyến cáo ở bảng 1 tại Sri Lanka. RRIC 121 được nhập vào Việt Nam năm 1977, được sản xuất rộng từ 1997. Giống này sinh trưởng khá trong thời gian kiến thiết cơ bản, sản lượng khởi đầu thấp, sau tăng dần. Ở Đông Nam Bộ, RRIC 121 đạt năng suất thấp hơn PB 235 (80 - 85% PB 235) nhưng cao hơn ở Tây Nguyên. RRIC 121 ít nhiễm bệnh loét sọc mặt cao, nhiễm nấm hồng và rụng lá mùa mưa trung bình, dễ nhiễm phấn trắng. Ít khô mủ, kháng gió trung bình, đáp ứng tốt với chất kích thích mủ, tăng trưởng tốt trong khi cạo và có trữ lượng gỗ cao.
RRIC 121 được khuyến cáo qui mô vừa ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dưới 600 m và miền Trung, tránh vùng phấn trắng nặng ở Tây Nguyên 600 - 700 m.
RRIM 600
Là dòng vô tính được tạo tuyển ở Malaysia, từ tổ hợp lai TJ1 x PB 86, được khuyến cáo qui mô rộng tại Malaysia, Thái Lan, nhập vào Việt Nam trước 1975, được khuyến cáo bảng 1 từ 1981. RRIM 600 sinh trưởng trung bình và tăng trưởng khá khi cạo mủ. Năng suất RRIM 600 thường cao hơn GT 1, đạt 1,4 - 1,6 tấn/ha/năm ở Đông Nam Bộ và 1,1 - 1,4 tấn/ha/năm ở Tây Nguyên dưới 600 m trong 10 năm khai thác đầu tiên. Trên Tây Nguyên cao 600 - 700 m, RRIM 600 đạt năng suất 1 tấn/ha/năm, khá hơn GT 1 và PB 235 (114% GT 1). Ở Quảng Trị, RRIM 600 đạt năng suất tương đương PB 235 trong 4 năm đầu: 1.420 kg/ha/năm (151 % GT 1). RRIM 600 nhiễm phấn trắng nhẹ, mẫn cảm với bệnh nấm hồng, rụng lá mùa mưa, loét sọc mặt cạo, khô mủ trung bình, đáp ứng kích thích khá.
RRIM 600 tuy dễ gãy cành do gió mạnh, nhưng mức thiệt hại không lớn và phục hồi nhanh. RRIM 600 cũng dễ nhiễm bệnh nấm hồng nhưng loại bệnh này có thể phòng trị được. Do năng suất ổn định, RRIM 600 được khuyến cáo trồng qui mô vừa ở vùng thuận lợi (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên dưới 600 m) và qui mô lớn ở các vùng ít thuận lợi (Tây Nguyên 600 - 700 m và miền Trung).
RRIM 712
Là dòng vô tính tạo tuyển từ Malaysia (RRIM 605 x RRIM 71), được khuyến cáo cho vùng gió mạnh ở Malaysia từ 1983. RRIM 712 nhập vào Việt Nam từ 1978, được sản xuất rộng từ 1997, sinh trưởng trung bình ở Đông Nam Bộ, nhưng khá đến tốt ở Tây Nguyên và miền Trung, sản lượng cao hơn GT 1 ở Đông Nam Bộ và hơn PB 235 ở Tây Nguyên, tương đương PB 235 và hơn GT 1 ở miền Trung. RRIM 712 tăng trưởng khi cạo kém, nhiễm trung bình bệnh loét sọc mặt cạo, nấm hồng, phấn trắng, rụng lá mùa mưa, ít khô mủ, kháng gió tốt.
RRIM 712 được khuyến cáo trồng qui mô vừa cho vùng cao su miền Trung có gió mạnh.
VM 515
Là dòng vô tính nhập từ Malaysia năm 1978, chưa rõ phả hệ. Được khuyến cáo ở bảng 1 tại Việt Nam từ 1991. VM 515 sinh trưởng trên trung bình trong thời gian kiến thiết cơ bản, năng suất cao, có thể đạt 1,5 - 1,9 tấn/ha/năm ở Đông Nam Bộ và 1,3 - 1,5 tấn/ha/năm ở Tây Nguyên dưới 600 m trong 10 năm cạo đầu tiên. VM 515 tăng trưởng khi cạo kém, ít nhiễm bệnh nấm hồng và loét sọc mặt cạo, nhưng dễ nhiễm bệnh rụng lá mùa mưa và phấn trắng, dễ khô mủ, đáp ứng với kích thích từ trung bình đến khá.
VM 515 chỉ được khuyến cáo trồng qui mô vừa ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên dưới 600 m, không nên trồng ở vùng bệnh lá nặng hoặc có gió mạnh và không nên mở cạo sớm khi cây chưa đủ tiêu chuẩn về sinh trưởng.