Cao su là một trong những cây công nghiệp dài ngày chủ lực có nhiều lợi thế của tỉnh Quảng Trị. Tính đến nay, đã có 8/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trồng cao su với tổng diện tích 19.298,5 ha. Định hướng của tỉnh phát triển cao su lên 21.000- 22.000 ha vào năm 2015 và 30.000 ha vào năm 2020.
Hiện nay phong trào trồng cao su ở Quảng Trị đang phát triển mạnh mẽ và mang lại cho nông dân nguồn thu nhập khá lớn khi vườn cây vào kinh doanh. Để phát triển cao su một cách bền vững, ngoài việc phát triển có quy hoạch, đầu tư nguồn vốn thì kỹ thuật chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh là yếu tố quyết định rất lớn đến hiệu quả sản xuất.
Chăm sóc vườn cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (chưa cạo mủ):
Tủ gốc vào 2 năm đầu mới trồng bằng cỏ khô hay lá khô phủ quanh gốc cây; tủ gốc thực hiện vào đầu mùa khô hạn (tháng 4-5) nhằm giữ ẩm đất quanh bộ rễ. Mặt khác, phần nguyên liệu tủ gốc phân huỷ sẽ bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất và bảo vệ đất khỏi bị xói mòn và giảm sự phát triển của cỏ. Tủ gốc quanh cây thành đường vòng tròn và cách gốc 10-20cm.
Tỉa chồi gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Tỉa chồi thực hiện sau khi trồng 3 tuần, tỉa bỏ tất cả chồi từ gốc ghép (không lên từ mắt ghép) để cho chất dự trữ của cây chỉ nuôi chồi ở mắt ghép.
Giai đoạn 2: Tỉa chồi ngang, để có đoạn thân cạo dài từ 2,5 m (vùng nhiều gió) đến 3 m (vùng ít gió), các đợt tỉa chồi ngang thực hiện một tháng 1 lần hoặc khi cần thiết. Cắt bỏ dần các cành ngang nằm trong tầm với thẳng của cánh tay, nhưng không được uốn cong cây và còn chừa ít nhất 3- 4 tầng lá trên cây. Từ 2,5 m hoặc 3 m trở lên tán sẽ phát triển tự nhiên không cần cắt tỉa.
Cần tỉa cành sớm bằng dao sắc, cắt từ dưới lên, nếu cành to dùng cưa tay. Tỉa cành muộn và cành to sẽ làm cây mất sức và để lại vết sẹo lớn, mặt cạo gồ ghề, dễ cạo phạm. Trường hợp cây gãy, cần cưa cây theo vết nghiêng. Sau khi đâm chồi cần tỉa bỏ các chồi nhỏ, yếu chỉ chừa lại một chồi khoẻ nhất để thành thân chính sau này.
Có 2 cách kích thích phân cành trên cây cao hơn 3 m mà chưa có cành.
Cách 1: Nắm gom 6- 10 lá phía trên của tầng lá cuối cùng và cắt với dao sắc còn chừa cuống lá. Cần chừa lại vài lá trưởng thành để cung cấp dinh dưỡng cho tầng này. Sau khoảng 2 tuần cắt lá, các mầm lá nách sẽ phát triển và chồi sẽ mọc nhanh từ những nơi này.
Cách 2: Nắm gọn các lá phía trên của tầng lá cuối cùng, bao che đỉnh sinh trưởng và buộc lại bằng một sợi dây. Sau vài tuần, mầm nách lá phát triển và các cành ngang mọc ra, ta tiến hành tháo mở lá ra. Cây cao su cần được bón phân cân đối, đầy đủ gồm phân hữu cơ và vô cơ để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt cho sản lượng mủ cao. Đối với vườn cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản, từ năm thứ 2 đến năm thứ 3, phân hữu cơ được bón vào rãnh dọc hai bên hàng cao su theo hình chiếu của tán lá, lượng phân 1 - 2 kg/cây/ năm, bón một lần vào đầu mùa mưa (tháng 9-10). Từ năm thứ 4 trở đi, phân được bón giữa hai hàng cao su. Phân vô cơ, bón 2 lần/năm vào đầu mùa mưa (tháng 9-10) và cuối mùa mưa (tháng 2-3), bón khi đất đủ ẩm, không bón phân vào thời điểm có mưa lớn, mưa tập trung. Năm thứ nhất đến năm thứ 4 bón theo hình chiếu tán lá (năm thứ 1 và thứ 2 phân được bón theo hình vòng tròn cách gốc 0,2- 0,4 m; năm thứ 3, thứ 4 bón dọc theo hàng cây); từ năm thứ 5 bón rải giữa hàng với băng rộng 1- 2 m giữa hai hàng cao su đã sạch cỏ. Rãnh được xới sâu 5- 10 cm, để cho phân xuống, sau đó lấp đất lại. Rễ cao su nhiều, ăn nông và ăn lên, vì vậy không cần thiết phải xẻ rãnh quá sâu để bón phân.
Lượng phân bón thay đổi tuỳ thuộc vào loại đất và mật độ cây. Cao su trồng trên đất trung bình với mật độ 555 cây/ha được khuyến nghị lượng phân bón như sau: Đối với trồng mới 555 kg lân nung chảy; chăm sóc năm 1 bón 100 kg đạm urê, 200 kg lân nung chảy, 40 kg kali; chăm sóc năm 2 bón 120 kg đạm urê, 200 kg lân nung chảy, 57 kg kali; chăm sóc năm 3 bón 150 kg đạm urê, 200 kg lân nung chảy, 70 kg kali; chăm sóc năm 4 bón 180 kg đạm urê, 250 kg lân nung chảy, 70 kg kali; chăm sóc năm 5 bón 200 kg đạm urê, 250 kg lân nung chảy, 70 kg kali; chăm sóc năm 6 bón 200 kg đạm urê, 250 kg lân nung chảy, 57 kg kali; chăm sóc năm 7 bón 200 kg đạm urê, 250 kg lân nung chảy, 70 kg kali.
Lưu ý: Có thể thay phân đơn (đạm, lân, ka li) bằng các loại phân NPK chuyên dùng cho cao su theo hướng dẫn trên bao bì và cán bộ kỹ thuật .
Đối với vườn cao su thời kỳ kinh doanh (cạo mủ), việc bón phân là rất cần thiết để giúp cây tiếp tục tăng trưởng, tiếp tục sản sinh ra nhiều mủ và lâu dài. Lượng phân được bón cho 1 ha 555 cây như sau: Năm cạo thứ nhất đến năm cạo thứ 10 bón phân chuồng 3- 4 tấn, đạm urê 196 kg, lân nung chảy: 500 kg, kali 150 kg; năm cạo thứ 11 đến năm cạo thứ 20 bón phân chuồng 3- 4 tấn, đạm urê 217 kg, lân nung chảy 500 kg, kali 167 kg.
Lưu ý, phân chuồng bón cách năm; nên dùng dùng các loại phân NPK chuyên dùng cho cao su để bón thay phân đơn, lượng bón tuỳ theo loại phân; ví dụ phân NPK 16-16-8 bón 600- 700 kg/ha, bón 2 lần trong năm vào tháng 2-3 và tháng 9-10.
Phân rải đều trên băng rộng 1- 1,5 m giữa luống cao su với vườn đất bằng, vườn đất dốc cần xẻ rãnh giữa luống rồi bón phân, lấp đất và tủ lá lên để hạn chế trôi rửa phân.
Về quản lý giữa hàng cao su, khi trồng xen, phải giữ khoảng cách nhất định với hàng cao su. Cây trồng xen cần được trồng sớm đến khi cây cao su khép tán, để tránh xói mòn đất. Không nên để đất trống giữa các vụ trồng, nên chừa lại tàn dư thực vật (như thân, lá...) để làm giảm rửa trôi đất. Trồng xen phải cách gốc cao su tối thiểu là 1 m. Không sử dụng máy cày vào làm đất ở vườn cây cao su từ năm thứ 2 làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Hạn chế trồng xen sắn mà khuyến khích trồng cây họ đậu.
Nếu không trồng xen phải phát cỏ giữa hàng ít nhất 2 lần trong năm chừa lại độ cao cây cỏ 20 cm để tránh sự cạnh tranh với cây cao su và giảm được sự xói mòn.
Làm cỏ quanh cây cao su rất quan trọng để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng, nhưng không làm cỏ quá sạch thường xuyên vì sẽ làm trọc đất, chỉ cần phát cỏ là đủ. Làm cỏ trên hàng cao su có thể bằng biện pháp thủ công với băng rộng 2 m cách mỗi bên hàng cao su 1 m, làm cỏ 2- 4 lần trong năm tuỳ theo tình hình phát triển của cỏ. Có thể dùng thuốc trừ cỏ (như Glyphosate...), phun 2 lần trong năm, tránh phun thuốc vào thân cây. Đối với đất dốc chỉ làm cỏ bồn cách gốc 1 m, phần còn lại tiến hành phát cỏ như làm giữa hàng.
Khi không trồng xen, có thể kiểm soát cỏ giữa hàng bằng phát cỏ định kỳ (ít nhất 2 đợt/năm), phát cỏ thấp còn 20- 30 cm để tránh cạnh tranh với cây cao su, giảm xói mòn và duy trì lớp đất mặt. Không được cày giữa hàng cao su.
Khi cây rụng lá vào tháng 2- 3 hàng năm rất dễ xảy ra cháy vườn cao su. Nếu bị cháy không thể khôi phục được, phải huỷ, trồng lại. Vì vậy, chống cháy có ý nghĩa sống còn của vườn cao su khai thác. Phải thường xuyên quét lá rụng vào chính giữa 2 hàng cao su. Tốt nhất đào hố 0,6m x 0,6m x 0,6m cách 10 m/hố giữa 2 hàng cây để lấp lá kết hợp bón phân. Tuyệt đối không được đốt lá trong vườn cao su hoặc bìa lô. Phát ranh cản lửa trong mùa nắng rộng 4- 6 m để bảo vệ an toàn cho vườn cây. Tuyệt đối không cho trâu bò vào vườn cao su khai thác. Trâu, bò dẫm đạp làm đứt rễ, húc đổ, làm xây xát vỏ cao su.
Hiện nay trên các vườn cao su xuất hiện bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo gây hại nhiều vùng, bệnh héo đen đầu lá gây hại rải rác. Cần tăng cường các biện pháp phòng trị bệnh, đặc biệt bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá trên các cây ra lộc sớm để có biện pháp quản lý kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng tránh sự phát triển và gây hại của các loại nấm bệnh khác.