KTNT - Chúng ta có nhiều bài học về sự phát triển “nóng”, tự phát và theo phong trào. Nhưng dường như vẫn chưa dừng lại. Ví dụ như đối với cây hồ tiêu.
Diện tích hồ tiêu đang tăng mạnh trong những năm gần đây
Giá tiêu tăng cao
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dự kiến quy hoạch vùng nguyên liệu hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 là khoảng 50.000ha. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường gần đây tăng cao, dẫn đến giá tiêu liên tục tăng, từ 40.000 -60.000 đồng/kg những năm trước, đến nay chạm ngưỡng 200.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, việc tăng diện tích tiêu như hiện nay cũng dễ hiểu.
Theo thống kê, từ 27.900ha năm 2000, đến nay cả nước có trên 100.000ha tiêu, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Phú Quốc (Kiến Giang),... Năng suất bình quân đạt khoảng 26 tạ/ha, có vùng lên đến 31,4 tạ/ha; Gia Lai đạt cao nhất, 39,4 tạ/ha. Sản lượng năm 2014 đạt gần 152.000 tấn.
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, cho biết, hiện nay, hồ tiêu là một trong những sản phẩm xuất khẩu (XK) chủ lực của ngành nông nghiệp. Năm 2014, kim ngạch XK tiêu đạt 1,2 tỷ USD. Hồ tiêu Việt Nam đã có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngành hồ tiêu đang tăng trưởng mạnh, có lợi thế cạnh tranh cao, có tiềm năng thị trường lớn. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong thời gian tới không hề nhỏ. “Ngành hồ tiêu đã có những thành công nhất định nhưng phát triển chưa thật sự bền vững. Chất lượng hồ tiêu không thua kém các nước, song giá trị có được chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, chứa đựng nhiều rủi ro. Thời gian tới, cần tập trung nhiều hơn vào nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để vươn xa, mạnh hơn vào thị trường thế giới”, ông Đô nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Cafecontrol, cho biết, khoảng 2 năm nay, đã xuất hiện những yêu cầu mới khắt khe từ phía khách hàng ở một số nước của thị trường châu Âu, châu Mỹ, đó là yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Giá hồ tiêu tăng cao trong vài năm gần đây nên việc tăng diện tích một cách nhanh chóng, tự phát, thâm canh quá mức, năng suất cao nhưng chất lượng chưa hẳn đã tỷ lệ thuận”, ông Toàn chia sẻ.
Theo ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước, cần thiết phải có chính sách tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hiện nay mới đạt khoảng 300ha.
Những chuyển biến
Theo Hiệp hội Chế biến hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 5 năm trở lại đây, việc sản xuất, thương mại hồ tiêu của nông dân đã có chuyển biến mạnh mẽ. Chính vì có thu nhập tốt nên phong trào đầu tư vào các khâu sau thu hoạch, bảo quản, chế biến… của nông dân và các đối tượng tham gia vào chuỗi tiêu thụ hồ tiêu tăng mạnh khiến một số chỉ tiêu chất lượng hồ tiêu sau thu hoạch như độ ẩm mốc, tạp chất… được cải thiện đáng kể so với cách đây 5 năm.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, cho biết, những năm trước, các hộ dân phơi hồ tiêu để khô tự nhiên, nhưng nay nhiều hộ đã đầu tư mạnh vào khâu bảo quản sau thu hoạch để giữ chất lượng hạt tiêu, nhất là trong điều kiện thời tiết bất thường.
“Kinh phí đầu tư một lò sấy công suất 400-500 kg/lần chỉ khoảng 15 triệu đồng là khá phù hợp với điều kiện nông hộ nên tỷ lệ hộ đầu tư lò sấy tiêu tăng khoảng 70%. Nhiều nông dân còn đầu tư máy làm sạch tiêu bằng quạt điện, thổi phân loại hạt tiêu với chi phí 1,5 triệu đồng/máy, giúp hạt tiêu có thể đủ chất lượng đóng bao cất trữ. Ở nhiều vùng trồng tiêu, nông dân và các hộ thu gom nhỏ còn đầu tư các thiết bị làm sạch, máy xay xát, chế biến tiêu trắng quy mô hộ, làm kho chứa riêng để bảo quản hồ tiêu tốt nhất”, ông Nam nói.
Cùng với sự đầu tư mạnh của nông dân trong bảo quản, chế biến, số doanh nghiệp đầu tư vào việc xử lý, bảo quản, chế biến hạt tiêu đủ tiêu chuẩn XK, theo yêu cầu nhà nhập khẩu tăng mạnh trong 5 năm qua. Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu số lượng hồ tiêu lớn của Việt Nam đều có nhà máy xử lý, chế biến hiện đại, công nghệ cao với các hệ thống làm sạch, xử lý vi sinh… theo chuẩn quốc tế. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào xử lý, chế biến tiêu tăng khoảng 40%. Hiện nay, ngành hồ tiêu có 18 nhà máy chế biến hiện đại (trong khoảng 100 nhà máy).
Nếu phát triển ồ ạt và không kiểm soát được dịch bệnh người trồng tiêu sẽ thiệt hại nặng
Không nên phát triển ồ ạt
Để nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam nói chung, hồ tiêu nói riêng, cần phải giới thiệu các giá trị nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp bền vững đến từng hộ dân. Các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra, đánh giá định kỳ các nhà máy sản xuất tiêu trên toàn quốc và công bố các nhà máy tuân thủ, đạt chuẩn an toàn thực phẩm cho các thị trường xuất khẩu trọng điểm thông qua cơ chế trao đổi thông tin nhà nước. Phát triển hạ tầng logistic để tăng giá trị và giảm chi phí, nghiên cứu và thành lập kho ngoại quan hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản ở các thị trường trọng điểm, nghiên cứu thành lập các trung tâm nghiên cứu thị trường nước ngoài.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho rằng, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong hồ tiêu hiện nay phải được xem xét kỹ. “Dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu là từ đâu?”, ông Bính đặt câu hỏi
Theo ông Bính, Cục BVTV phải chịu trách nhiệm kiểm tra, từ kho hay người nông dân. “Doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV khi đưa ra khảo nghiệm thì 15 ngày không còn dư lượng. Tuy nhiên, có loại thuốc 4 tháng vẫn còn trên hạt tiêu!? Đừng đổ lỗi cho nông dân, nông dân làm đúng, không ai trồng tiêu phun thuốc khi còn 2 tháng nữa là thu hoạch”, ông Bính bức xúc.
Ông Hòa cho rằng, nếu diện tích tăng ồ ạt cộng với biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại nếu trồng ở vùng không phù hợp. Giữ uy tín chất lượng hồ tiêu là vấn đề lớn, đề nghị xác định dư lượng thuốc BVTV ở công đoạn nào, Cục Trồng trọt cần nghiên cứu đầy đủ hơn, từ đó trao đổi với Cục BVTV để xử lý tốt hơn. Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương nên thâm canh bền vững.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm ban hành tiêu chuẩn VietGAP đối với cây hồ tiêu, thông qua cơ quan nhà nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật chất lượng cho hồ tiêu, chính sách hỗ trợ người dân làm theo quy chuẩn kỹ thuật. Nghiên cứu cơ bản giống, xác định các giống được phép kinh doanh, các giống hồ tiêu chưa có tên trong danh mục.
Trở ngại lớn nhất hiện nay cho ngành hồ tiêu là khâu canh tác chưa tốt, đặc biệt là khâu sử dụng phân bón, thuốc BVTV không kiểm soát tốt nên một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm đang có chiều hướng đi xuống, ảnh hưởng đến xuất khẩu dù khâu chế biến, bảo quản đang có nhiều nỗ lực.
Theo ông Nam, sở dĩ hiện nay giá tiêu liên tục tăng là do các nhà buôn lớn như Trung Quốc, Ấn Độ,... đang đầu cơ, tích trữ sản lượng lớn dẫn đến giá tiêu chưa có dấu hiệu đảo chiều. Tuy nhiên, nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc tăng diện tích, một khi sản lượng quá nhiều, đồng thời các nhà đầu cơ bung hàng sẽ làm cho giá tiêu trên thị trường giảm và thiệt hại người nông dân sẽ gánh chịu trước tiên.
Hãy nhớ, bài học với con cá tra, cao su và nhiều loại nông sản khác vẫn còn nguyên giá trị.