KTNT - Khoảng 3 tháng trở lại đây, trên thị trường xuất hiện các công ty bán phân bón theo hình thức bán hàng đa cấp, mặt hàng họ bán chủ yếu là phân bón “vi sinh”. Đối tượng mà các công ty này nhắm đến là những người nông dân hiền lành, chất phác.
Siêu dinh dưỡng, siêu lợi nhuận?
Đóng vai một người đã từng bán vật liệu xây dựng mới giải nghệ đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, chúng tôi gặp giám đốc đại diện phía Nam một công ty bán phân bón theo hình thức kinh doanh đa cấp tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM. Tại đây, chúng tôi được nghe giới thiệu về một loại phân bón mà theo như ông giám đốc này nói thì chẳng khác nào là "thần dược".
|
Với mức tri ân lên đến 409 triệu đồng thì nhiều người nông dân sẽ dễ dàng sập bẫy.
|
Từ một chai phân vi sinh, vị giám đốc này “vẽ” ra đủ các loại công dụng của nó đối với cây trồng, thậm chí sản phẩm này còn xử lý được môi trường như vệ sinh ao nuôi, chuồng trại… đồng thời dẫn chứng khi sử dụng sản phẩm này người dân có thể giảm chi phí từ 15-30% và tăng năng suất.
Khi được hỏi về chất lượng sản phẩm thì ông này không trả lời mà chỉ phán một câu xanh rờn: “Muốn biết chất lượng thì tham gia ngay đi”, “muốn có xe SH, xe ô tô hay nhà?”, vị này hỏi lại tôi.
Sau khi “nổ” một hồi, thấy chúng tôi có vẻ quan tâm, vị này tiếp tục giới thiệu về sản phẩm đồng thời hướng dẫn cách tham gia. Theo như vị này thì người tham gia sẽ được mở một mã ID (tài khoản cá nhân, thành viên của công ty), đồng thời hướng dẫn chúng tôi cách tiếp cận với nông dân và đưa họ về công ty để ông này tư vấn. Chỉ cần như vậy là có thể được hưởng các quyền lợi theo hình thức đa cấp.
Tại Dĩ An, Bình Dương, chúng tôi tiếp tục trong vai người đi tìm kiếm cơ hội kinh doanh để tiếp cận một công ty bán phân bón theo hình thức đa cấp, tại đây không khí còn nhộn nhịp hơn nhiều. Chúng tôi phải ngồi đợi ở một quán cà phê kế bên để được gặp giám đốc và được nghe một người đàn ông khoảng 60 tuổi, được cho là “chuyên gia” trong ngành nông nghiệp, đang tư vấn cho một số nông dân và người tham gia. Ông này nói, sản phẩm của công ty giống như một “siêu thần dược” đối với cây trồng. Theo một thành viên đã đăng ký tham gia thì mới trong vòng hơn 2 tháng mà công ty này đã có doanh thu trên 300 tỉ đồng, con số mà các công ty khác phải tốn hàng chục năm gây dựng mới có được.
|
Mức hoa hồng và gói tri ân khách hàng do các công ty bán hàng đa cấp thuyết phục người tham gia.
|
Để có được một bộ tài liệu về sản phẩm, tôi đã mua với giá 80.000 đồng, sau khi có tài liệu, tôi cũng được mời vào phòng giám đốc để được nghe “tâm huyết” của vị giám đốc này đối với ngành nông nghiệp nước nhà. Cũng như các công ty bán hàng đa cấp khác, tôi muốn tham gia thành viên thì phải đóng phí 200.000 đồng để mở ID và cũng với gói sản phẩm 5,6 triệu đồng cho một vị trí đứng đầu trong chuỗi về sau.
|
Kiếm tiền tỉ chỉ bằng... nước bọt.
|
Bằng chiêu thức tuyển người đã và đang làm trong các công ty bán hàng đa cấp, thậm chí không cần trình độ chuyên môn, các công ty này đã đưa ra những gói “tri ân khách hàng” mà theo đó với mức 5,6 triệu đồng, người tham gia mua sản phẩm sẽ có cơ hội nhận được mức tri ân lên đến 409 triệu đồng, tức là, người tham gia có mức doanh thu tăng 73 lần bằng cách giới thiệu những người khác tham gia mua hàng của công ty.
"Nếu mua hàng với gói sản phẩm 16,8 triệu đồng thì được nhận gói tri ân 820 triệu đồng, 56 triệu đồng thì nhận được gói tri ân lên đến 6,55 tỉ đồng…, Nếu mọi việc thuận lợi, bạn - một người không có chuyên mô gì cũng có thể được công ty đặt vào vị trí giám đốc kinh doanh vùng, dĩ nhiên là kèm mức thưởng 1% doanh số của toàn hệ thống và một chiếc xe ô tô giá trị 1,4 tỉ đồng, thậm chí còn có cả một căn nhà trị giá trên 2 tỉ đồng", những lời quảng cáo có cánh được đưa ra để lừa những người nhẹ dạ cả tin.
Thực hư về chất lượng sản phẩm
Để tìm hiểu sâu hơn về chất lượng sản phẩm của những công ty bán hàng phân bón theo hình thức đa cấp, chúng tôi tìm gặp giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên một diễn đàn về nông nghiệp.
Anh Đ.Q., giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở Dĩ An, Bình Dương nhận được một lời đề nghị làm ăn “khó có thể từ chối” khi được cam kết mang về doanh thu cho công ty 7 tỉ đồng mỗi tháng nếu đồng ý để công ty này làm đại lý phân phối độc quyền sản phẩm. Một con số quá lớn so với doanh thu hiện nay của công ty nên anh suýt đồng ý. Song, anh cũng kịp dừng lại vì linh cảm của một người có nhiều năm trực tiếp tiếp thị và bán hàng đã cho anh biết có gì đó không ổn ở phía sau đề nghị này.
Cảm nhận ban đầu của anh Q. khi tiếp xúc với nhân viên của công ty này là đa phần họ từng làm ở các công ty bán hàng đa cấp, có khả năng thuyết trình tuyệt vời. Dĩ nhiên, họ không tự sản xuất phân bón song lại ký hợp đồng độc quyền về phân phối sản phẩm và nhờ khả năng thuyết trình, kèm theo đó là chế độ hậu mãi, khuyến mãi nên họ đẩy sản phẩm lên rất cao.
“Tôi đã tìm hiểu qua sản phẩm của công ty này, nhìn chung sản phẩm tốt nhưng họ đẩy giá cao quá, tội nghiệp nông dân mà thôi. Trên thực tế, chỉ cần bán bằng 1/3 mức giá họ đưa ra là đã có lời nhưng giá mà những công ty này bán lên đến 800.000 đồng/lít phân bón lá”, anh Q. chia sẻ.
|
Viễn cảnh một người không cần trình độ chuyên môn cũng có thể làm tổng giám đốc miền.
|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những công ty này đều mua sản phẩm ở dạng “phân phối độc quyền” của một công ty sản xuất và kinh doanh phân bón, có đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý chứ không trực tiếp sản xuất sản phẩm. Việc của họ là tạo ra một hình thức đa cấp, mà ở đó, những lời hứa về lợi nhuận… đủ để đánh bại bất kỳ lý trí của người tham gia nào.
Chỉ cần 5,6 triệu đồng và tốn chút “nước bọt” là có thể trở thành triệu phú theo lời quảng cáo của những nhân viên bán hàng. Với nhiều nông dân thật thà, chất phác, điều này chẳng khác nào một “ma lực”, nhiều người khó nói lời từ chối tham gia. Khi được hỏi: "Bác có sợ bị lừa không?", một nông dân cho biết: "Cũng có chút sợ nhưng thử liều một phen, trong trường hợp bán không được thì dùng số phân bón này cho ruộng, vườn nhà mình".
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng như hình thức kinh doanh này để nông dân không rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".