(Dân Việt) Quyết định thành công của việc trồng được bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam chính là khâu chọn trái. Yêu cầu trái bưởi phải non, thường là bưởi Năm Roi, có đường kính khoảng 15cm, màu da bóng mượt và cây bưởi phải đang trong giai đoạn phát triển rất tốt...
Ông Võ Trung Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) – tác giả của những trái
bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho biết, quyết định thành công của việc tạo hình loại bưởi này là khâu chọn trái (thường sử dụng trái bưởi Năm Roi để tạo hình).
“Để tạo hình được thì trái bưởi phải non (có độ tuổi từ 2-2,5 tháng), có đường kính khoảng 15cm, màu da bóng mượt và cây bưởi phải đang trong giai đoạn phát triển rất tốt. Có như vậy mới đảm bảo cơ bản ban đầu để vào khuôn ép” – ông Thành tiết lộ.
Để cho "ra lò" được một trái bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam phải tốn nhiều công sức, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Theo ông Thành, phần lớn ông chọn cây bưởi Năm Roi có tuổi thọ trên 3 năm để tạo hình. Bởi loại bưởi này phát triển tốt ở vùng đất miền Tây và dễ ép khuôn, tỷ lệ trái được tạo hình thành công cao hơn các loại bưởi khác.
Do chỉ ép khuôn 1 lần cho 1 trái duy nhất nên trước đó, ông Thành phải phun ngừa bằng thuốc trừ sâu bệnh với một liều lượng nhẹ. Thời gian sau khi vào khuôn ép, ông Thành vẫn thường xuyên thăm vườn và tiến hành phun thuốc nếu thấy dịch bệnh tấn công.
Theo ông Thành, những trái bưởi tạo hình phải được ưu tiên cung cấp chất dinh dưỡng. Vì vậy, những trái bưởi xấu trên cùng một cây, không được chọn sẽ bị cắt tỉa bỏ.
Theo ông Thành, nếu lơ là chăm sóc, theo dõi mà không phun thuốc kịp hoặc bị sâu bệnh tấn công mạnh thì tỷ lệ thành công sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là giai đoạn trái bưởi từ 3-4 tháng tuổi là giai đoạn dễ nhiễm sâu bệnh.
Để có bưởi bán vào dịp Tết Nguyên đán, ngay từ tháng 8, ông Thành đã bắt đầu ép khuôn trái bưởi. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đặt mua.
Ngoài việc phun thuốc, cách để ông bảo vệ trái bưởi sau khi vào khuôn ép không bị ướt nước mưa, sương (vi khuẩn theo nước mưa, sương tấn công vào bên trong trái bưởi), ánh nắng chiếu mạnh vào (bên trong trái sẽ bị ẩm làm hư, thối) là dùng một loại giấy nhám để che chắn phía trên trái.
Ông Thành cho biết thêm, để tạo hình thành công trên trái bưởi thì chất liệu và mực để tạo ra khuôn – dụng cụ tạo hình là một vấn đề cần phải suy nghĩ. 2 yếu tố này cũng rất quan trọng, quyết định có ra hình nổi hay không.
Nguyên liệu tạo khuôn ép bưởi được nhập từ nước ngoài, sau đó được gia công tại một cơ sở tại Việt Nam với cấu tạo phức tạp. Ông Thành cho biết, khuôn ép không được làm từ vật liệu tốt thì sẽ không thành công, trái không ra khuôn hình.
“Thực tế nhiều năm kinh nghiệm cho thấy, nếu loại nhựa, mực không tốt, đúng như ý muốn thì dù cho trái đẹp, to cỡ nào đi nữa cũng không ra khuôn hình nổi. Mặc dù là bưởi đã bị khuôn ép nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên múi không bị lép, bị sượng” – ông Thành nói.
Theo ông Thành, năm 2014, ông đã suy nghĩ ra cách tạo hình bưởi bản đồ Việt Nam, có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thế là ông đã bỏ ra nhiều tháng trời để tạo ra bản vẽ rồi nhờ một cơ sở tạo khuôn theo hình. Sau 2 lần chỉnh sửa khuôn, ông Thành mới đem ra áp dụng trên vườn bưởi.
Bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam được chăm sóc, bảo vệ rất cẩn thận, tránh bị ánh nắng chiếu vào.
“Do mới nghĩ ra năm rồi nên năm nay tôi quyết định làm thử nghiệm khoảng 800 trái, thành công được 600 trái, tương đương là 80%. Đối với tôi kết quả trên là quá thành công” – ông Thành bày tỏ.