Giá mía ngày càng xuống thấp, chi phí SX tăng cao khiến nhiều hộ trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) gặp khó. Để hạ giá thành, nâng cao lợi nhuận… huyện đã triển khai cánh đồng mía mẫu (CĐMM) đem lại hiệu quả.
Vùng trồng mía “số 1” ĐBSCL
Hơn 8.000 hộ nông dân ở đây gắn bó với cây mía hàng thập kỷ, nhờ nó mà cuộc sống được đổi thay. Cù Lao Dung có hơn 8.000 ha đất trồng mía/năm, sản lượng cung ứng cho thị trường trên 900.000 tấn. Huyện đang là khu vực dẫn đầu ĐBSCL về sản lượng cũng như chất lượng mía. Tuy nhiên, những năm gần đây giá mía luôn đứng ở mức thấp nhiều hộ trồng mía lâm cảnh thua lỗ bởi chi phí SX tăng cao. Vì thế để ổn định cuộc sống, giữ vững vùng nguyên liệu và hạn chế rủi ro từ việc ồ ạt nuôi tôm, từ năm 2013 - 2014, tỉnh Sóc Trăng triển khai CĐMM với diện tích 30 ha tại huyện Cù Lao Dung. CĐMM đã làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân, tiết kiệm chi phí SX và lợi nhuận tăng lên rất nhiều. Tham gia CĐMM 2 năm nay, ông Huỳnh Văn Hải ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Trước đây, khi chưa tham gia vào CĐMM thì cứ dựa vào kinh nghiệm mà canh tác từ năm này sang năm khác. Tuy nhiên giờ đã thay đổi nhiều vì áp dụng theo quy trình kỹ thuật tiến bộ từ cách bón phân cân đối, trồng mía theo hàng đôi, vô chân… chi phí giảm nhiều mà năng suất lại tăng lên đáng kể”. Vừa bán 3/5 ha mía cho nhà máy đường với mức giá lên đến 1.050 đ/kg, ông Hải cho biết: “Nhờ tham gia CĐMM mà năng suất mía của tôi đạt 150 tấn/ha, từ 9 - 10 chữ đường đã tăng lên 11 - 12 chữ đường. Ngoài ra còn được hỗ trợ 20% cơ giới hóa làm đất, trừ hết chi phí vụ này còn lãi trên 150 triệu đồng”. Canh tác trên CĐMM nông dân được hỗ trợ kỹ thuật theo quy trình thâm canh. Trước đây bà con chỉ sử dụng phân hoá học ure, DAP từ khi xuống giống đến khi thu hoạch. Tham gia CĐMM được sử dụng phân hữu cơ sinh học và phân chuyên dùng NPK. Ngoài ra, còn có kỹ thuật trồng mía hàng đôi tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa khâu vô chân, chăm sóc… Đang chăm sóc ruộng mía 2 ha giống KM95 được 30 ngày tuổi, lão nông Nguyễn Minh Triệu ở ấp Văn Sáu cho biết: “Làm theo CĐMM chúng tôi được hỗ trợ tiến bộ KHKT vào SX, được vay vốn và đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi, bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy năm nào năng suất mía cũng đạt ở mức cao và giá bán ổn định”.
Theo ông Văn, CĐMM của huyện từ 30 ha nay tăng lên khoảng 150 ha. Muốn giữ vững diện tích mía phải chuyển giao những giống mía mới có năng suất cao, lưu gốc, áp dụng phương pháp "3 giảm, 3 tăng", cơ giới hóa từ khâu làm đất, vô chân, vận chuyển sau thu hoạch, xây dựng nhà máy đường gần vùng nguyên liệu. |
Theo lời ông Triệu, trước đây chưa tham gia vào CĐMM thì mía thường bị ngập khi thủy triều lên và đến mùa mưa thì nước không thoát được, còn giờ thì SX rất yên tâm. Vì thế năng suất mía tăng lên 16 tấn/công (1.300 m2). Thông qua đó, ông biết cách chọn giống tốt, cơ giới hóa khâu làm đất, đánh hộc, vô chân mía nên đã giảm được 5 - 10 triệu đồng/ha so với cách làm thủ công. Ông Phan Văn Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Ân 1 cho biết: “Diện tích CĐMM của toàn xã là 30 ha, chủ yếu các giống mía như KM92, KM95, năng suất luôn đứng ở mức 130 - 150 tấn/ha”.
Giữ vững vùng nguyên liệu.
Nhờ triển khai CĐMM huyện Cù Lao Dung hình thành được vùng SX mía chất lượng cao và tập trung. Đồng thời thuận lợi cho vấn đề quy hoạch hạ tầng thủy lợi, kết hợp với giao thông nội đồng, việc canh tác, vận chuyển, tiêu thụ được thuận lợi. Để giữ vững vùng nguyên liệu cũng như nâng cao thu nhập cho các hộ trồng mía trên địa bàn, huyện Cù Lao Dung đã hỗ trợ người dân những giống mía có năng suất lên đến 150 - 160 tấn/ha, hỗ trợ 40% chi phí cơ giới hóa làm đất. Ngoài ra, huyện còn hướng dẫn bà con cách để mía lưu gốc nhằm tiết kiệm chi phí tối đa trong canh tác. Đồng thời, áp dụng giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, giảm được số lần vô chân từ 2 lần/vụ xuống còn một nửa. Như vậy sẽ giảm được từ 5 - 7 triệu đồng/ha nữa. Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Phát triển kinh tế huyện xác định chủ lực là cây mía. Đây là vùng nguyên liệu mía ổn định năng suất cao nhất ở ĐBSCL. Trong khi đó, việc cơ giới hóa chưa được đẩy mạnh, chi phí lại tăng cao… Vì thế, để phát triển bền vững, địa phương đang tiến hành xây dựng CĐMM thông qua hỗ trợ vốn, giống mía có năng suất cao, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, đồng thời quyết giữ vững diện tích mía của toàn vùng ổn định ở mức từ 6.500 - 7.000 ha”.