Nhờ mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiên tiến nhất thế giới (công nghệ từ Netafim, Israel) và gắn bó “máu thịt” với cây mía, nông dân Phạm Tài Vụ đã đạt được năng suất cao trên vùng nguyên liệu của Cty Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC).
Áp dụng tốt “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” giúp anh Vụ có thu nhập tốt từ cây mía.
Chúng tôi gặp anh Phạm Tài Vụ vào buổi trưa, khi anh mới trở về từ ruộng mía. Mọi người khá bất ngờ vì người đàn ông mảnh khảnh, giọng nói nhẹ nhàng này đang quản lý hơn 28 ha ruộng mía và kiêm luôn đầu công với khoảng 80 nhân công. Chia sẻ với anh về mục đích đến thăm và trao đổi về nghề trồng mía, anh rất hăm hở, nhiệt tình và chúng tôi đã có một buổi trò chuyện đầy thú vị. Anh là một trong những nông dân đạt được năng suất cao trên vùng nguyên liệu Cty Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), làm thế nào để có được thành công đó? Tôi đến lập nghiệp tại Gia Lai cũng đã được 19 năm rồi. Ban đầu, tôi trồng cây mì, làm thuê. Sau đó, tôi chuyển sang trồng mía từ năm 2006 đến nay. Mía tơ của tôi có năng suất trung bình từ 100 tấn/ha trở lên, còn mía gốc thì tối thiểu cũng từ 85 - 90 tấn/ha tùy vụ và cho lãi trung bình 30 triệu đồng/ha. Về kinh nghiệm, trước hết, tôi luôn chọn những giống có chất lượng là giống ít trổ cờ và lấy từ ruộng không có sâu bệnh. Một số loại giống có thể kể là K88-92, K88-65, K84-200,… Tôi phải đi tham khảo những hộ xung quanh để lấy giống từ những ruộng có năng suất cao, nhằm hạn chế sâu bệnh và phù hợp với điều kiện khí hậu tại khu vực đang trồng mía. Khâu chuẩn bị đất rất quan trọng trong việc trồng và chăm sóc mía. Muốn mía không bị đổ ngã và duy trì được vụ gốc lâu thì phải trồng sâu. Bón lót cũng rất quan trọng để cây mía phát triển từ lúc đầu. Do vậy, nếu ruộng nào có điều kiện tưới thì tôi thực hiện bón lót. Sau đó khi bắt đầu mía đẻ nhánh thì tôi thực hiện bón thúc đợt 1. 1 tháng sau tôi sẽ thực hiện bón thúc lần 2. Đó cũng là một khâu kỹ thuật quan trọng để nâng cao chữ đường và chống đổ ngã, vì theo kinh nghiệm của tôi, vào mùa gió tại khu vực này những ruộng còn xanh tốt ở giai đoạn cuối vụ do kết thúc bón phân trễ có nguy cơ gãy đổ cao hơn. Tôi chưa từng sử dụng loại thuốc hóa học nào để xử lý sâu trên ruộng mía của mình. Tuy nhiên, giống R579 thường sẽ xuất hiện sâu đục thân vào lúc khoảng tháng 8. Do đó, tôi tập trung công tác phòng chống sâu rầy từ ban đầu, từ khâu chọn giống, bón phân… Các loại phân bón tôi sử dụng đều là những loại phân chất lượng được nhà máy đầu tư như NPK Năm Sao, NPK Việt Nhật, NPK Bình Điền… Chúng tôi được biết anh đạt được chữ đường trung bình trong vụ đến thời điểm này là 10.40, cao hơn mức trung bình hiện tại của nhà máy. Vậy anh có thể chia sẻ kinh nghiệm thu hoạch và bảo quản chữ đường cao được như vậy? Điều quan trọng là phải thực hiện theo lệnh đốn của nhà máy để đảm bảo mía về nhà máy ngay sau khi đốn, không để mía bỏ bãi lâu và hạn chế mía cháy. Thực hiện việc này là do sự nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Cty, chỉ bắt đầu đốn mía khi có lệnh đốn từ nhà máy. Còn thêm các kỹ thuật như chặt sát gốc hay chặt dưới mặt trăng thì đã thành thói quen rồi, tôi đã làm từ mấy vụ thu hoạch trước. Anh có thể cho biết thêm sự hỗ trợ từ nhà máy? Đối với những hộ trồng mía với diện tích lớn như tôi thì nhu cầu về vốn rất cao nên nhà máy đã đầu tư 100% vốn để trồng mía. Đầu vụ nhà máy có chính sách "tăng bo" để nông dân dễ dàng đem mía về nhà máy.
Tôi nghĩ đó là những chính sách quan trọng mà tôi có được từ nhà máy. Các công trình tưới cũng được đầu tư chi phí lắp đặt và hướng dẫn kỹ thuật từ nhà máy. Tôi mới lắp xong hệ thống tưới nhỏ giọt cho 2 ha mía, công nghệ từ đất nước sa mạc Israel. Được biết anh là nông dân đầu tiên trên vùng nguyên liệu mía lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiên tiến nhất thế giới (công nghệ từ Netafim, Israel), giá trị đầu tư khoảng 50 triệu đồng/ha. Anh có thể cho biết thông tin và động lực khiến anh đầu tư lắp đặt hệ thống này? Ban đầu các anh ở nhà máy giới thiệu hệ thống tưới nhỏ giọt với công nghệ từ Israel xa xôi. Để có thông tin rõ hơn, tôi lên mạng tìm hiểu, bàn bạc với vợ và quyết định đầu tư một hệ thống tưới nhỏ giọt cho 2 ha gần nhà. Nói là làm, trong vòng khoảng 1 tháng là tôi xây dựng nhà bảo vệ, lắp đặt và tưới ngay dưới sự giúp đỡ của của các nhân viên nhà máy đường và sự hướng dẫn từ nhân viên của Cty CP Khang Thịnh. Hiện tôi đã lắp đặt hệ thống điện 3 pha để tiết kiệm chi phí tưới. Tổng chi phí lắp đặt do tôi đã bỏ ra khoảng 65 triệu đồng. Với những kinh nghiệm trồng mía đã hơn 10 năm và những thành công đã đạt được, anh có chia sẻ gì với bà con trồng mía tại vùng mía Gia Lai cũng như những hộ trồng mía tại các vùng khác? Với tôi thì câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là phương châm trồng trọt. Tôi hy vọng trong tương lai những hộ có điều kiện sẽ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích mía trên địa bàn. Khi có nước tưới nhỏ giọt thì việc bón phân cũng trở nên dễ dàng hơn, pha phân vào hệ thống và tưới mà không cần tốn nhân công hay cày. Bà con mình nên chú ý bón lót cho cây mía, bón lót giúp cây mía phát triển từ lúc đầu, đảm bảo 80% năng suất cho vụ mùa. Ngoài ra, ưu tiên chọn giống của tôi là từ những ruộng có năng suất cao và sạch sâu bệnh để giống mang về phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng cũng như hạn chế lây lan dịch hại.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!