Chuyến xe Long An-Vũng Tàu rời bến lúc 5 giờ sáng. Đến 9 giờ, chúng tôi xuống xe trước chợ Bà Rịa rồi lên xe buýt đi Bình Châu. Chưa đến 11 giờ, chúng tôi đặt chân xuống bến xe Bình Châu rồi đi sang chợ hải sản kế bên để "rửa mắt". Do trung tuần tháng Chạp âm lịch nên ghe tàu cá sau chuyến vươn khơi bám biển 20 ngày ồ ạt quay về Bến Lội đúng quy trình (theo âm lịch, 17 tháng này đi - mồng 10 tháng sau về, tức chỉ đánh bắt lúc tối trời, đến lúc sáng trăng thì về). Hàng trăm điểm bán cá rải từ chợ hải sản ra các lối đi, nào cá ngừ đại dương, cá thu, cá bốp, cá hồng, cá mú,… mỗi con nặng từ vài ký đến hàng chục kg được xẻ từng khúc thịt đỏ tươi bày ra sạp cùng các giống chình biển, cá đuối, cá ngừ, cá rựa, cá măng,… ê hề. Cá đối từ biển vừa đưa lên chỉ 15.000đ/kg.
Đón hải sản về trên bến cá
Buổi chiều, chúng tôi đi xe ôm tốn 10.000 đồng vào khu suối nước khoáng nóng. Sau khi đặt giỏ luộc trứng gà vào giếng nước sôi 90 độ, chúng tôi yên chí tới quầy mua bia đen 20.000đ/vại (ly cối to) và tới chiếm lĩnh một cái chòi lá có bộ bàn ghế, rồi trở ra lấy giỏ trứng luộc (sau 15 phút là trứng vừa chín) đem vào "đưa cay" với bia đen đông lạnh rồi thả bộ trên những chiếc cầu tràm bắc qua các vũng nước khoáng nóng bốc hơi hăng hắc mùi lưu huỳnh để đến khu sinh thái rừng cổ thụ nguyên sinh. Cách nay chừng 20 năm, ở dãy rừng này có một chú voi tơ đi ra phá xóm, người dân phải bỏ nhà chạy nạn. Và rồi chú voi ấy bị toán thợ săn bắt được, dẫn về xiềng một chân bằng sợi lòi tói sắt rất to vào một gốc cây cổ thụ. Tôi may mắn đến gặp lúc các chuyên gia đang chế ngự để thuần dưỡng con vật khổng lồ bướng bỉnh đang hung hăng chống cự nhưng vẫn không sao khuất phục được đối thủ của nó và cuối cùng thì nó đã chịu quy phục, đứng yên, ngoan ngoãn nhận những cây mía do con người đưa tới và ăn ngon lành, chứ không còn lồng lên tung vó kêu rống đến rung chuyển cả đại ngàn như trước đó nữa.
Một góc chợ hải sản Bình Châu
Trong khu rừng nguyên sinh này có rất nhiều biệt thự đẹp lộng lẫy dành cho du khách đến nghỉ dưỡng. Sau một tiếng "tắm rừng", tinh thần lâng lâng hưng phấn vì được thư giãn trong bầu không khí đầy ắp oxy và ion âm. Tôi hiểu tại sao nhiếp ảnh gia Tôn Thất Hùng ở Chi hội Nhiếp ảnh (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An) mê rừng đến độ "nửa đêm tôi choàng dậy, mang túi máy rồi lấy xe đi săn ảnh rừng liền, vì hết cảnh rừng này tới cảnh rừng khác ám ảnh giấc mơ làm tôi thao thức cồn cào, không đi không được" như lời anh tậm sự, thậm chí anh còn sang tận Campuchia săn ảnh ở các khu rừng già bên ấy. Chiều dần xuống thấp, chúng tôi ra khỏi rừng và đi xuống khu tắm nước khoáng nóng. Ở đây có chỗ tắm hơi (từ nước khoáng nóng dẫn vào), có chỗ tắm bùn khoáng, có các bể tắm với nhiệt độ khác nhau phù hợp cho thể trạng và lứa tuổi của người tắm. Tắm xong, ai muốn massage thì lên các ghế nằm lộ thiên đặt quanh bể tắm, có nhân viên chuyên xoa bóp đúng bài bản cho. Dưới bể bơi còn có chỗ để đứng đưa lưng cho những tia nước từ trên cao bắn từng tia xuống lưng như đấm bóp, thật là một kiểu massage trên cả mức tuyệt vời khiến trẻ em lẫn người già đều rất khoái.
Rời khu sinh thái suối nước khoáng nóng đi qua các dải rừng trên bãi cát trắng chạy cặp theo bờ biển. Nơi đây, mỗi sớm mai hay chiều mát thường diễn ra các cảnh kéo lưới của ngư dân đánh bắt ven bờ. Du khách có thể tham gia kéo lưới, bắt cá bắt tôm chơi. Chúng tôi đi tới khu sinh thái rừng Hồ Cốc và Hồ Tràm. Không ngờ chỉ vài năm xây dựng, bây giờ toàn vùng này đã hình thành các khu du lịch sinh thái rừng - biển, các khu nghỉ dưỡng do người Nhật đầu tư, khu casino rất hoành tráng do người Malaysia đầu tư. Tôi rất thích bãi tắm Hồ Cốc vì có thể vừa tắm vừa thò tay xuống biển bắt chang chang, chép chép đem về chỗ nghỉ nấu cháo. Hai giống sò này tuy nhỏ con hơn nghêu nhưng rất ngọt thịt. Ở bãi tắm Hồ Cốc còn có một giống cua (hay còng?) thật lạ. Chúng to bằng nửa nắm tay, màu xám tro, từ dưới biển theo sóng đánh lên bờ cát. Hễ sóng rút xuống biển là chúng bò lóp ngóp trên bãi cát rồi tụt xuống biển, lúc đó ta chỉ đưa tay chụp nhanh là bắt được.
Đi du lịch Bình Châu về mà không ghé chợ hải sản để mua các loại "lộc biển" là một thiếu sót. Bình Châu còn có dân Bình Định vào mang theo công thức chế biến nước mắm truyền thống làm từ cá cơm và muối Đề Gi. Họ nói muối Đề Gi quyết định chất lượng nước mắm đặc sản Bình Châu tuyệt đối nguyên chất, không pha chế thêm thứ gì khác, kể cả hương liệu cũng không mà độ mặn vừa phải, có mùi thơm đặc trưng khá hấp dẫn, rót ra ăn trực tiếp vẫn ngon. Đi Bình Châu gặp mùa cá trích, giá rẻ như bèo nhưng khi chế biến thành gỏi, dằn thêm lớp thính từ gạo rang giã nhuyễn, cuốn bánh tráng rau sống chấm với thứ nước mắm trên đây mới tuyệt vời làm sao! Hoặc gặp mùa cá khoai, chao ôi, thứ cá to bằng nửa cườm tay, rửa sạch, cắt khúc. Nồi cháo nấu nhuyễn bắc lên bếp gas mini sôi ùng ục, nêm mắm muối vừa ăn, rắc tiêu sọ cho thơm rồi cho cá khoai vào, chừng vài phút vớt ra chén ngay. Thứ cá tươi ở biển mới lên, vị ngọt tự nhiên sao mà hấp dẫn thế! Hoặc bắc cái lẩu giấm chua lên bếp, nêm vừa ăn, rồi cá nhám trên ghe chài mới về còn thở thoi thóp, cho vào thau, chế nước sôi rồi lấy ra cạo sạch vảy nhám. Xong, xắt lát mỏng, đưa vào nhúng giấm tả pín lù ăn no đến trợn mắt cũng còn muốn ăn thêm… Bạn hãy thử xem!