Trải qua nhiều lần cải tiến kỹ thuật khai thác từ phương pháp sử dụng ánh sáng dẫn dụ mực, đến bủa tôm câu mực và hiện nay là sử dụng đến 2 ngành nghề trên 1 phương tiên (vừa câu mực và câu thu) nhưng ngư dân Bình Châu vẫn gặp nhiều khó khăn, họ đang mong muốn có được nguồn vốn để có những thay đổi đáng kể hơn ngành nghề khai thác mang lại hiệu quả cao hơn.
Cải tiến không ngừng
Theo ông Mai Thành Thơm, cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản xã Bình Châu cho biết, xã Bình Châu hiện nay có khoảng 600 ghe tàu khai thác, trong đó có khoảng 200 chiếc sử dụng cả 2 ngành nghề trên 1 phương tiện đó là vừa bủa tôm câu mực và câu cá thu. Việc sử dụng 2 ngành nghề trên để giúp cho ngư dân tận dụng tối đa năng lực khai thác trong mỗi chuyến ra khơi, bởi khi câu mực không còn hiệu quả hoặc phát hiện nhiều đàn cá thu trên ngư trường ngư dân sẽ chuyển qua câu thu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối tượng khai thác chính của ngư dân xã Bình Châu từ trước đến nay vẫn chủ yếu là mực. Trước kia ngư dân nơi này gọi là nghề chong, nghĩa là dùng ánh sáng để câu, rập hoặc chụp mực. Theo thời gian nguồn lợi giảm dần nghề này làm ăn không còn hiệu quả, ngư dân đã chuyển sang bủa tôm câu mực, cách khai thác này có ưu điểm đánh cả ngày lẫn đêm, khai thác những con mực tầng đáy to hơn giá trị cao hơn, tuy nhiên phí tổn lại cao gấp đôi trước kia (100 triệu/chuyến). Với phí tổn này chỉ cần 1 – 2 chuyến biển không hiệu quả là "méo mặt ngay".
Để hạn chế những rủi ro đó, hiện nay trên các ghe làm nghề bủa tôm câu mực các ngư dân thường trang bị thêm một vàng câu thu. Theo đánh giá của các ngư dân, việc trang bị thêm vàng câu này chủ yếu hạn chế rủi ro. Bởi, ở vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5AL khi câu mực không còn hiệu quả, ngư dân chuyển sang câu thu để duy trì khả năng đi biển giữ bạn đi ghe, hoặc trong 1 vài trường hợp trong mỗi chuyến biển khai thác không trúng mực thuyền trưởng quyết định chuển sang câu thu để tránh lỗ tổn.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Khó khăn lớn nhất của ngư dân Bình Châu hiện nay là giá nguyên liệu đang rớt giá thê thảm. Ông Nguyễn Minh Hùng một chủ đại lý thu mua phân phối mực ở Bình Châu cho biết, giá mực trước kia nếu thu mua tại biển lên đến 80 nghìn đồng cho 1 ký mực kim và 180 nghìn đồng/ký mực ống, tuy nhiên hiện này chỉ còn 50 nghìn và 120 nghìn đồng có các loại mực trên. Điều đáng nói là với giá xuống thấp như trên nhưng "Ngư dân phải chấp nhận bán thiếu cho nậu vựa trên cơ sở của sự thỏa thuận trước khi xuất bến" ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, hầu hết các mặt hàng mực tại Bình Châu trong thời gian qua đều xuất sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù thị trường này vẫn còn nhu cầu rất lớn "nhưng do hiện nay các thương lái ở đây không đủ niềm tin để bán hàng sang thị trường này nên sản phẩm khai thác bị dội và dẫn đến rớt giá" ông Hùng nói. Nếu các sản phẩm trên "đổi chiều" xuất sang các thị trường EU, Bắc Mỹ và Nhật Bản thì giá bán tăng gấp nhiều lần, tuy nhiên với khả năng bảo quản bằng đá lạnh hiện nay thì sản phẩm này không đủ tiêu chuẩn đáp ứng thị trường này, "Họ đòi hỏi phải cấp đông ngay khi khai thác nhưng ghe mình làm sao làm được?" ông Hùng cho biết thêm.
Nhiều ngư dân cho rằng, để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, điều trước tiên phải chuyển hướng sang các sản phẩm có chi phí khai thác thấp hơn để cung ứng cho thị trường nội địa như các loài cá chẳng hạn. Để thực hiện điều này, theo các ngư dân điều khả thi nhất là chuyển hướng sang nghề lưới chấp (lưới rê hỗn hợp) là phù hợp nhất trong điều kiện và đặc điểm của phần lớn các ghe tàu của Bình Châu hiện nay. Nhưng nếu chuyển sang nghề này chi phí đầu tư cho mỗi vàng lưới cũng mất khoảng 1 – 1,5 tỉ đồng. Với khoảng tiền lớn như trên sẽ là vượt quá sức "chịu đựng" về tài chính của phần đông ngư dân Bình Châu hiện nay.