Diện tích đất tự nhiên của 4 xã vùng gò đồi (Thủy Bằng, Thủy Phù, Dương Hòa, Phú Sơn) của thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế là 35.182 ha. Trong đó diện tích canh tác cây lâm nghiệp chiếm hơn 28.800 ha, ba xã: Dương Hòa, Phú Sơn và Thủy Bằng sản xuất cây cây keo lai là chủ yếu, xã Thủy Phù có ưu thế sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản hơn, đất trồng lâm nghiệp chỉ chiếm một phần.
Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác cho thấy những cây trồng trên cho hiệu quả kinh tế không cao và tốn nhiều công chăm sóc, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Do đó một số hộ dân đã tự phát thay thế trồng các loại cây khác như cam, ổi, bưởi, dó trầm… nhưng chỉ mang tính chất vườn tạp hoặc có cải tạo một số vườn cây như thanh trà, bưởi lâu năm không theo một quy trình kỹ thuật nào… Từ đó dẫn đến thực trạng sản xuất cây ăn quả trên địa bàn manh mún, chưa hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô tương đối; Sản xuất cây ăn quả còn chưa được đầu tư và chú trọng đúng mức; Diện tích vườn quả còn nhỏ, phân tán, vườn tạp còn nhiều, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo địa phương xác định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh một số loại cây ăn quả chủ lực như bưởi da xanh, cam V2, cây thanh trà, thanh long ruột đỏ… Để làm được việc đó, các cấp các ngành thị xã chú trọng công tác chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác tốt các điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên của địa phương. Nhiều dự án thuộc chương trình khuyến nông phát triển bưởi da xanh, cam V2; đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi tập trung về cây thanh trà, thanh long ruột đỏ... đã được thực hiện tại các xã này.
Các xã Dương Hòa, Thủy Bằng, Phú Sơn khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn phá bỏ các loại cây trồng cũ trong vườn tạp để tập trung đầu tư thâm canh phát triển cây ăn quả thành vườn cây có thiết kế đẹp, mật độ cây phù hợp. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu tỉa cành, thụ phấn, tỉa quả, sử dụng phân bón hợp lý đến khâu chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch nên nhiều năm nay, vườn cây của các hộ dân đều cho năng suất ổn định, mỗi năm riêng tiền thu hoạch cây ăn quả có hộ trên 100 triệu đồng (với diện tích 4000-5000m2).
Vườn thanh trà - bưởi đến mùa thu hoạch tại xã Dương Hòa
Ông Trương Thế Phù ở thôn Vĩ Dạ, xã Thủy Bằng chia sẻ: “Vườn của gia đình tôi có diện tích 3.000 m2. Trước đây gia đình tôi chỉ trồng nhiều loại cây hình thành vườn tạp nham nên hiệu quả kinh tế không cao. Được sự hướng dẫn của cơ quan khuyến nông, phòng kinh tế thị xã, sau khi mạnh dạn loại bỏ những cây trồng cũ kém hiệu quả sang trồng những loại cây ăn quả như bưởi, thanh trà. Với diện tích như vậy chúng tôi trồng 50 cây thanh Trà, và 50 cây bưởi (mật độ 12 cây thanh Trà/500 m2; 25 cây bưởi/500 m2), tổng cộng 100 gốc cây. Năm nay sau thu hoạch chúng tôi thu nhập trên 70 triệu đồng”.
Với tiềm năng đất đai dồi dào, tương đối rộng lớn của các xã gò đồi, để phát triển các loại cây ăn quả ổn định, lâu dài, chính quyền địa phương các xã cũng cần giám sát chặt chẽ diện tích quy hoạch cây ăn quả, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không kiểm soát được chất lượng hoặc lại rơi vào tình trạng được mùa, mất giá. Tăng diện tích trồng cây ăn quả nhưng phải có kế hoạch cụ thể để đảm bảo phát triển bền vững, có kế hoạch trồng thử nghiệm một số nơi, đồng thời làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân để chủ trương này thực sự mang lại hiệu quả.
Trong thời gian tới, để phát triển các loại cây ăn quả ổn định rất cần phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, cần tăng cường chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; chọn tạo, khảo nghiệm, chuyển giao các giống cây trồng triển vọng, phù hợp với từng địa phương. Đặc biệt, ưu tiên các giống có năng suất cao, phẩm chất tốt, có khả năng thích ứng điều kiện bất lợi về biến đổi khí hậu, chống chịu dịch bệnh.../.