Thời điểm này, tuy lúa bắt đầu bước vào giai đoạn chín rộ và cao điểm thu hoạch nhưng các bệnh gây hại trên lúa như: rầy nâu, bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt vẫn phát sinh trên diện rộng...
Bước vào vụ lúa Hè Thu, nông dân Cà Mau hi vọng vụ lúa sẽ đạt năng suất cao nhằm khắc phục lại phần nào thiệt hại của vụ Đông Xuân trước đó trong đợt thiên tai hạn hán vừa qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bên cạnh giá lúa có chiều hướng giảm thì yếu tố thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống được hơn 36.500ha. Ðến thời điểm này, tuy lúa bắt đầu bước vào giai đoạn chín rộ và cao điểm thu hoạch nhưng các bệnh gây hại trên lúa như: rầy nâu, bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt vẫn phát sinh trên diện rộng. Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 8, đã có hơn 1.000 ha diện tích lúa bị sâu bệnh, qua đó, luỹ kế trong 8 tháng đã hơn 12.000 ha diện tích bị sâu bệnh tấn công.
Bên cạnh đó, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm cho nhiều diện tích lúa của nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh bị đổ ngã, ngập úng. Nhiều nông dân lo ngại, tình trạng lúa bị thương lái bỏ cọc không mua phải bán với giá rẻ vì nhiều chi phí phát sinh một lần nữa lại tái diễn.
Ghi nhận tại xã Khánh Lâm, một trong những xã nghèo nhất của huyện U Minh, người dân trong xã vừa trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn thì nay lại phải ngậm ngùi trước cảnh có hàng trăm hécta lúa bị đổ, ngã, ngập úng cả cánh đồng vì mưa giông.
Lúa đổ ngã, nông dân phải tốn rất nhiều chi phí cho thu hoạch. Song, hiện nay giá lúa bắt đầu sụt giảm, một số thương lái ép giá, không mua lúa bị đổ ngã, chỉ mua lúa gặt máy với giá dao động 4.000- 4.300 đồng/kg.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, ấp 7, xã Khánh Lâm cho biết, những ngày mưa giông vừa qua đã làm hơn 0,3 ha lúa của gia đình bị đổ ngã la liệt. Theo đánh giá, mức độ thiệt hại trên 70% nhưng vì lúa chưa chín nên không thể thu hoạch ngay. Vì thế gia đình ông rơi vào cảnh bỏ thì không đành mà thuê gặt thì tiền công gặt quá cao.
Ông Hùng nhẩm tính, chi phí thu hoạch cho một công (tương đương với 0,1ha) tiền thuê gặt với giá như hiện nay đã mất 550.000 đồng cộng với 200.000 đồng chi phí vận chuyên chở lúa cùng với các chi phí khác cộng lại mất trên 1 triệu đồng/công. Tuy nhiên tình hình lúa bị sập như hiện nay chỉ thu được 5-10 giạ/công đã là quý. Như vậy, vụ lúa này không chỉ trắng tay, mà gia đình cầm lỗ trong tay khoảng 30 triệu đồng là chắc.
Vì cứu lúa mà gia đình anh Trần Văn Hậu, ngụ ấp 7, xã Khánh Lâm cũng đã chi hơn 1 triệu đồng mua dầu bơm nước trong ruộng ra kênh khoảng 20 ngày nay để tránh cho lúa bị ngập úng. Tuy nhiên mưa giông làm lúa sập nằm sát đất phải mướn gặt tay, cùng với đó là nhiều khoảng chi phí phát sinh. Anh Hậu cho biết, “so với mọi năm, năm nay đầu vụ nắng nóng, hạn mặn, sản xuất đã khó, nay có kết quả thì lúa sập ngã, tính đằng nào cũng lỗ, vụ lúa này xem như trắng tay”.
Anh Phạm Văn Xê, cán bộ nông nghiệp xã Khánh Lâm, cho biết: “Vụ lúa Hè Thu năm nay toàn xã đã xuống giống hơn 2.600 ha diện tích. Thời điểm hiện nay đang bước vào cao điểm thu hoạch, tuy nhiên mưa to kèm theo giông lốc đã làm thiệt hại trên 100 ha, một số hộ lúa bị ngập úng thiệt hại từ 30 - 70%”.
Trước khi bắt đầu thu hoạch lúa Hè Thu, nhiều thương lái lo ngại hạn, mặn sẽ khiến sản lượng lúa giảm mạnh nên tranh nhau thu mua, khiến cho giá lúa đầu vụ tăng liên tục qua từng ngày. Không những thế, nhiều thương lái còn chấp nhận đặt cọc trước.
Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng mưa lớn kèm lốc xoáy khiến nhiều diện tích lúa Hè Thu tới kỳ thu hoạch bị đổ ngã và hư hại. Do bị ngập nước nên chắc chắn khi thu hoạch năng suất lúa sẽ giảm đáng kể, bà Trương Thị Phi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời nhận định.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều cho biết, sở chỉ đạo các huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa Hè Thu và phòng, chống các loại sâu, bệnh. Phải có biện pháp kịp thời để hỗ trợ người dân, đặc biệt đối với lúa Hè Thu muộn. Ngành tiếp tục hướng dẫn nông dân tham gia cánh đồng lớn, liên kết sản xuất với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, hạn chế ở mức thấp nhất sự thiệt hại cho người dân./.