Tuần qua, đồng USD có xu hướng giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt do sự bất ổn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed. Cuộc thảo luận về thời điểm Fed thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục lấn át các yếu tố khác trên thị trường.
Thị trường thế giới: Giá gạo của tốp ba nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới biến động trái chiều trong tuần qua, với giá gạo Thái Lan và Việt Nam vẫn giữ chênh lệch lớn trong bối cảnh lượng bán ra thấp, trong khi giá gạo Ấn Độ giảm đôi chút do nhu cầu yếu.
Tại thị trường trong nước Ấn Độ, giá hạt tiêu giao ngay giảm do nhu cầu yếu. Giá hạt điều giao ngay tại thị trường Delhi tuần này đã tăng nhẹ ở nhiều chủng loại nhờ nhu cầu tiêu thụ trong mùa lễ hội tăng. Giá cà phê Robusta thế giới tăng do lực mua tăng mạnh và lo ngại về sản lượng vụ tới.
Tại thị trường Chicago, Mỹ, giá lợn hơi giao kỳ hạn tháng 10/2016 giảm do nguồn cung dồi dào bởi lợn có trọng lượng nặng hơn và nhu cầu tiêu thụ yếu.
Thị trường trong nước: Giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tuần qua biến động từ ổn định đến giảm nhẹ, nhu cầu tiêu thụ tiếp tục yếu.
Tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL, giá lợn hơi hiện giảm bình quân 100 - 200 đ/kg so với 2 tuần trước đó do gần đây lượng lợn tới lứa xuất bán tăng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn bình thường và việc xuất khẩu lợn sang thị trường Trung Quốc cũng khá hạn chế so với những tháng đầu năm 2016.
Giá thu mua cá tra size 700-900 gr/con tại Cần Thơ và An Giang tăng nhẹ so với cuối tuần trước do nguồn cung đang có xu hướng giảm dần trong khi nhu cầu của các nhà máy vẫn khá ổn định.
Giá thu mua hạt điều khô Bình Phước tăng lên mức giá cao chưa từng có từ trước tới nay nhờ nhu cầu thu mua phục vụ chế biến tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, giá điều nhập khẩu ở mức cao và nhu cầu tiêu thụ của các khách hàng nước ngoài tăng.
Giá thu mua sầu riêng quả tại Đắc Lắc ở mức cao do nắng hạn kéo dài nên mất mùa, năng suất giảm mạnh.