Hiện nay, mô hình VAC kết hợp không còn là hình thức sản xuất nông nghiệp xa lạ với nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, để áp dụng VAC có hiệu quả, nông dân cần phải có một số cải tiến cho phù hợp hơn với điều kiện cá biệt của từng nông hộ.
Ông Lại Đình Hội ở ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành là một điển hình của mô hình này. Ông là nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” giai đoạn 2011 – 2016, được chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen. Từ mô hình VAC kết hợp với diện tích 2,3 ha, hàng năm, ông thu về tổng lợi nhuận trên 600 triệu đồng/năm.
Trên diện tích 1,5 ha, năm 1987 ông trồng chôm chôm java xen cà phê. Sau 11 năm sản xuất ông thấy thu nhập từ mô hình này không cao do giá cả thị trường luôn biến động, giống chôm chôm java không còn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên ông đã phá bỏ để trồng điều cao sản. Sau khi đã trừ các khoản chi phí, thu nhập từ vườn điều hàng năm từ 70 – 100 triệu (tùy vào giá cả).
Tuy nhiên, sau 17 năm trồng điều, ông nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng của gia đình nên đến năm 2015, ông quyết định cưa cây điều để trồng bưởi. Hiện nay, vườn bưởi da xanh một năm tuổi đã sinh trưởng và phát triển rất tốt, nhờ ông sử dụng nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi để cải tạo đất. Bên cạnh đó, ông cũng đã thiết kế hệ thống tưới phun cho cả vườn bưởi. Ông lạc quan tin tưởng sau 3 năm nữa ông sẽ có khoản thu nhập rất cao từ vườn bưởi da xanh này. Khi cây bưởi còn nhỏ ông trồng xen bắp lai vào giữa hai hàng bưởi để tận dụng ánh sáng và dinh dưỡng. Bắp thu hoạch được ông dùng chăn nuôi heo, gà, vịt. Diện tích 0,2 ha ông trồng khoai mì (sắn), lượng mì thu hoạch được cũng dùng để chăn nuôi. Theo ông số bắp và mì thu được nếu bán cũng được 8 – 10 triệu đồng.
Bên cạnh việc trồng trọt, ông có 3 ao nuôi cá với diện tích mặt ao là 3.000 m2, nuôi ghép nhiều loại cá gồm: trắm, chép, mè, trôi, rô phi… để tận dụng không gian nuôi và thức ăn. Sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập từ cá là 20 triệu đồng/năm. Lượng bùn vét từ ao cá ông dùng để bón cho diện tích vườn và sau đó kết hợp vệ sinh ao để nuôi cá ở những lứa sau.
Trong mô hình VAC kết hợp này, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hội nằm ở diện tích 3.000 m2 dùng để chăn nuôi. Ông nuôi heo nái, số heo con sinh sản được ông để lại nuôi thúc bán heo thịt. Do không phải mua heo con giống nên sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu lãi bình quân 400 triệu đồng mỗi năm từ heo thịt. Ngoài ra, số heo con còn dư ông bán và thu nhập từ bán heo giống được 50 triệu đồng/năm. Gà, vịt ông nuôi chủ yếu là sử dụng trong gia đình, số dư ra cũng giúp ông thu nhập được khoảng 7 triệu/năm.
Đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, rất đáng khuyến khích và nhân rộng. Chủ hộ là một nông dân chịu khó học hỏi, luôn mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ngoài ý nghĩa là làm kinh tế, mô hình còn thể hiện tính bền vững trong nông nghiệp khi nông dân biết kết hợp các yếu tố sản xuất riêng lẻ thành một hệ sinh thái. Trong thời gian tới mô hình cần được tiếp tục theo dõi để có những số liệu cụ thể, ổn định làm cở sở xây dựng mô hình VAC mẫu.
Chăn nuôi heo trong mô hình VAC kết hợp mang lại nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình ông Lại Đình Hội