Đã có nhiều lãnh đạo, người dân đến thăm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp và ai cũng phải thừa nhận: đây là Hợp tác xã kiểu mới, điển hình của điển hình.
Cuối tháng 10/2014, HTXDVNN Tân Cường đã chính thức Đại hội thành viên chuyển đổi mô hình theo Luật hợp tác xã năm 2012. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi mô hình theo Luật hợp tác xã năm 2012 để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại. Theo đó, HTXDVNN Tân Cường sau chuyển đổi có 1.200 ha đất canh tác lúa, với 356 hộ nông dân. Vốn điều lệ là 42,650 tỷ đồng (tăng thêm 42 tỷ đồng) so với trước chuyển đổi. Dịch vụ ngành nghề từ 6 tăng lên 12 gồm: dịch vụ nước sạch nông thôn, tín dụng nội bộ và các khâu cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, chăm sóc thu hoạch đến tiêu thụ, tạm trữ lúa và xay xát chế biến gạo…
Hiện nay, tổng diện tích đất trong HTX là 1.414 ha. Trong đó, có 720 ha canh tác lúa 3 vụ/năm, 694 ha sản xuất lúa 2 vụ/năm. HTX đã huy động góp vốn được 6,2 tỷ đồng và quyền sử dụng đất trên 511.707m2. Cơ sở vật chất của HTX hiện có 10 trạm bơm điện đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu cho 1.414 ha lúa. Hệ thống trạm cấp nước sạch dài trên 15km, phục vụ hơn 1.600 hộ… Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, HTXDVNN Tân Cường đã từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Vụ hè thu năm 2016, HTXDVNN Tân Cường bắt đầu dành 10 ha đất sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để cho ra sản phẩm “gạo sạch”! Hai loại giống lúa chủ lực được HTX chọn là RVT và Thiên Ưu 8. Đây là 2 loại giống lúa mới được áp dụng lần đầu tại HTX. Quá trình canh tác được áp dụng theo quy trình VietGAP từ khâu trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser đến khâu sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Sau thu hoạch, năng suất bình quân đạt trên 6,5 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất hơn 2 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận cho bà con trên 13 triệu đồng/ha.
Đa số thành viên HTX đều rất phấn khởi và cho rằng sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm rất dễ thực hiện.
Cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ của HTX Tân Cường
Ông Trần Văn Hướng, thành viên HTXDVNN Tân Cường là một trong những người thực hiện mô hình này vui vẻ chia sẻ: “Lúc đầu tham gia mô hình này tôi lo ngại lắm. Nhưng khi thực hiện thấy không có khó khăn gì, sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, lúa phát triển rất tốt, gạo đạt chất lượng hơn, ngon hơn mà không có dư lượng thuốc trừ sâu, người dùng gạo sạch an toàn hơn…”
Từ thành công bước đầu, HTXDVNN Tân Cường sẽ triển khai, nhân rộng diện tích trồng lúa hữu cơ lên 20 ha, sử dụng 2 loại giống lúa trên và đang xây dựng thêm một nhà máy xay xát, chế biến gạo riêng đạt chuẩn HACCP đặt cạnh cánh đồng lúa sạch để thuận tiện cho việc chế biến, đóng bao bì, với nhiều chủng loại sản phẩm gạo sạch có tên thương hiệu độc quyền là “gạo Hoa Sen”, “gạo Hương Sen”, “gạo Đài Sen”…
Ông Hai Trãi cho biết: “Tất cả sản phẩm gạo của HTXDVNN Tân Cường đều được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng; người sản xuất cũng đảm bảo sức khỏe, vệ sinh môi trường đồng ruộng cũng được tốt hơn. Chúng tôi cũng cam kết bước đầu thu mua lúa sạch của bà con cao hơn thị trường tại thời điểm 500 đồng/kg để từng bước xây dựng thương hiệu gạo sạch riêng của HTX và nâng cao giá trị hạt gạo lên. Trong chuỗi chế biến, tất cả nông dân có thể tham gia từng chuỗi để tăng thu nhập cho sản xuất của mình”
Việc mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm giúp nhiều nông dân có cơ hội tham gia, nhằm tăng sản lượng gạo sạch cung cấp cho thị trường. Đồng thời, giúp nông dân thay đổi nhận thức canh tác theo kiểu truyền thống và tạo thói quen sản xuất giá trị lúa gạo theo chuỗi, sắp xếp lao động lại theo Đề án tái cơ cấu Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp - chủ yếu là ngành hàng lúa gạo.
Ông Lưu Văn Tiến - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông bày tỏ tại Hội thảo cuối vụ sản xuất: “Theo đánh giá, nhìn chung sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm tại HTXDVNN Tân Cường rất hiệu quả Để mở rộng mô hình này, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho HTX thực hiện theo quy trình VietGAP, giúp HTX xây dựng thương hiệu lúa, gạo sạch Tân Cường nói riêng và huyện Tam Nông nói chung”