Hội Nông dân thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cùng với cán bộ khuyến nông đã làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hội viên. Nông dân thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật trong chăn nuôi, cách chăm sóc phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và những kinh nghiệm hay trong chăn nuôi. Qua thực tế có nhiều hội viên làm giàu từ trang trại, gia trại trên mảnh đất quê hương.
Tiêu biểu như gia đình ông Hoàng Thanh Khiêm ở thôn Yên Ninh với mô hình trang trại chuyên ấp nở và nuôi úm gà bằng giống gà lai Hồ. Khi cho con trống Hồ lai với gà mái Lương Phượng sẽ tạo ra một con lai khỏe mạnh, lớn nhanh, sau 3 tháng nuôi gà mái đạt trọng lượng từ 2- 2,5 kg/con, con trống đạt 4- 4,5kg/con; chất lượng thịt thơm ngon; mẫu mã đẹp được thị trường ưa chuộng. Hiện gia đình ông có 300 con gà bố mẹ, mỗi ngày đẻ khoảng 200-210 trứng, phục vụ trực tiếp lò ấp nở của gia đình. Lò ấp nở ra thì bán gà 01 ngày tuổi hoặc nuôi úm khoảng 23-25 ngày thì bán. Với giá bán gà 01 ngày tuổi trên 12.000 đồng/con, gà nuôi úm từ 24 – 25 nghìn đồng/con, ước tính mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 250- 300 triệu đồng. Theo ông Khiêm, bán gà nuôi úm thì hiệu quả kinh tế cao hơn so với bán gà 01 ngày tuổi. Về mùa này nuôi úm rất nhanh khoảng từ 21- 23 ngày là được một lứa còn mùa đông thì có thể kéo dài hơn một vài ngày. Hiện nay nhu cầu của người dân đang lớn bởi đây là dịp vào gà để chuẩn bị bán vào dịp tết Nguyên đán.
Ông Khiêm đang chăm đàn gà bố mẹ
Ngoài số gà bố mẹ, gia đình ông còn có 800 con gà Lương Phượng hậu bị để chuẩn bị thay đàn khi đã hết giai đoạn đẻ rộ. Chia sẻ về bí quyết chăn nuôi, ông Khiêm cho biết: “Trong chăn nuôi, con giống phải được lựa chọn kỹ lưỡng, chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm không bị dịch bệnh”. Được biết, ông Khiêm thường đến Viện Chăn nuôi để mua con giống, còn con trống thì xuống làng Hồ thôn Lạc Thổ Bắc, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh để lựa chọn. Sau nhiều năm nuôi gà, ngoài kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân, ông tự tìm tòi học hỏi, hàng năm ông còn được tham gia nhiều lớp tập huấn do Hội Nông dân và khuyến nông các cấp tổ chức. Đến nay, mặc dù đã ở độ tuổi ngoài 70 nhưng ông Khiêm vẫn là một trong những hội viên nhạy bén với việc làm kinh tế, là hội viên điển hình trong Hội Nông dân thị trấn Nếnh. Trong suốt những năm qua, năm nào ông cũng được các cấp Hội, UBND thị trấn Nếnh và huyện tặng giấy khen.
Bên cạnh những trang trại chăn nuôi như gia đình hội viên Hoàng Thanh Khiêm là mô hình kinh tế tổng hợp của hội viên Đỗ Văn Tiền ở thôn Ninh Khánh. Vốn là Chi hội trưởng Hội Nông dân của thôn nên ông được đánh giá là đại diện tiêu biểu về điển hình làm kinh tế tổng hợp. Hiện gia đình ông đang làm nghề xay xát gạo, nấu rượu, nuôi lợn và mở đại lý bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Để tận dụng những phụ phẩm thừa từ máy xát và nấu rượu, ông đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi lợn. Trong chuồng hiện đang có 2 con nái siêu nạc, 20 con lợn thương phẩm chuẩn bị được xuất chuồng và 2 đàn lợn con. Mặc dù với quy mô chăn nuôi không lớn nhưng ông vẫn phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng theo đúng quy trình kỹ thuật. Ông nói: “Với điều kiện chăn nuôi kết hợp, dịch bệnh luôn xuất hiện nhưng tôi thường xuyên tìm hiểu cách thức chăn nuôi tiên tiến qua sách báo và các lớp tập huấn do các đơn vị tổ chức nên đã giảm được rất nhiều rủi ro. Khi thấy biểu hiện của dịch bệnh tôi thường mời cán bộ thú y thăm khám”.
Sở dĩ, có được nhiều hội viên làm giàu trên chính mảnh vườn, mảnh ruộng của gia đình mình là nhờ sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương cũng như các cấp. Hội Nông dân và cán bộ khuyến nông đã thường xuyên vận động, hướng dẫn nông dân áp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và chăn nuôi. “Hàng năm, UBND thị trấn có nghị quyết giao cho Hội Nông dân và khuyến nông tham mưu mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân trên địa bàn. Từ đó, giúp nông dân dần ổn định kinh kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quyê hương”, ông Nguyễn Minh Phượng - Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh cho biết.