Thu mua lúa trên cánh đồng lúa Nhật của ông Khanh
Những năm gần đây, trong khi không ít nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) vẫn loay hoay lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp thì ông Nguyễn Văn Khanh ở ấp B, xã Phú Cường đã sở hữu những cánh đồng lúa rộng cả trăm hecta, mỗi vụ thu lãi từ 3 - 4 tỷ đồng.
Như đã hẹn trước, chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa rộng cả trăm hecta của ông Khanh khi mọi người đang tất bật vào mùa thu hoạch. Nhìn cả cánh đồng bạt ngàn lúa vàng, oằn bông, trĩu hạt với từng tốp nhân công đang sử dụng các công cụ để gặt lúa, vận chuyển lúa đến điểm cân trọng rồi vác xuống ghe…; còn ông Khanh thì ngồi trong lán trại, ký tên vào sổ để nhận tiền đặt cọc bán lúa trên 1 tỷ đồng tiền mặt từ một doanh nghiệp, đã tạo cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc về cung cách sản xuất - kinh doanh của một người nông dân thời @.
Càng bất ngờ hơn, khi chứng kiến cảnh một tốp nhân công khác đang ngồi lựa từng hạt lúa giống tốt (loại bỏ những hạt lúa xấu) để chuẩn bị cho vụ gieo sạ mùa tiếp theo. Ông Khanh vui vẻ giải thích: “Phải lựa lúa giống kỹ càng như vậy khi gieo sạ mới nẩy mầm tốt. Ngoài ra, trong quá trình canh tác, phải thường xuyên khử lẫn lúa tạp, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, rầy nâu, ốc bươu vàng phá hại lúa chu đáo… mới cho ra sản phẩm chất lượng cao, được doanh nghiệp tin cậy, thu mua giá cao”.
Vùng Đồng Tháp Mười vốn vang danh “cò bay thẳng cánh”. Đất đai tuy rộng như vậy, nhưng việc canh tác lúa vẫn còn manh mún, lạc hậu nên người nông dân gặp không ít khó khăn từ khâu giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành trong sản xuất đến khâu tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng cao… Để có diện tích sản xuất lúa lớn cùng một loại giống, từ năm 2013, anh em của ông Khanh đã bàn bạc và thống nhất giao đất ruộng của mình cho ông Khanh toàn quyền sự dụng.
Ông Nguyễn Văn Kha là anh ruột ông Khanh chia sẻ: “Năm 2012, mấy anh em chúng tôi được cha mẹ chia cho mỗi người 11 hecta đất ruộng để làm của hồi môn. Thấy thằng Khanh nó mê làm ruộng nên anh em tôi giao đất cho Khanh làm. Mỗi năm thằng Khanh trả lãi bình quân 1,8 triệu đồng/công (1000m2). Sau khi giao đất cho Khanh, anh em tôi đều rảnh rang làm công việc khác mà mình yêu thích để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình…”
Ngồi kế bên anh Kha trong lán trại bên cánh đồng lúa Nhật của mình, ông Nguyễn Văn Khanh vui vẻ bày tỏ: “Lúc đầu, anh chị em tôi giao đất ruộng của mình lại tổng cộng 80 hecta cho một mình tôi sản xuất, tôi lo lắm, không biết mình làm ăn ra sao?! Nhờ nhiều năm làm ruộng nên tôi cũng tích lũy chút ít kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp… Rồi xây dựng kho chứa lúa, thuê nhân công trang sửa mặt ruộng, nạo vét đường nước tưới tiêu và nhất là chọn một loại giống lúa Nhật để canh tác”.
Sau hơn 2 năm canh tác theo quy mô sản xuất cánh đồng lớn cho ra sản lượng lúa có chất lượng cao và thuần chủng một loại giống lúa Nhật nên mỗi mùa vụ đều có từ 3 - 5 doanh nghiệp đến tham quan và đặt cọc, đưa phương tiện vào tận ruộng để thu mua, với giá dao động từ 6.500 - 7.100 đồng/kg (tùy theo thời điểm). Nhờ vậy, mỗi vụ, ông Khanh có thu nhập khoảng 6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, trả tiền thuê mướn nhân công… ông Khanh còn lãi từ 3,5 - 4 tỷ đồng.
Ông Thái Văn Thành ngụ xã Hòa Bình, huyện Tam Nông cho biết: “Tôi có đất ruộng gần với đất của anh Khanh và cũng canh tác cùng 1 loại giống lúa Nhật, nhưng anh Khanh làm hiệu quả hơn bởi diện tích đất nhiều nên sản lượng lúa cao và đạt chất lượng. Vì thế các doanh nghiệp thu mua lúa của anh Khanh cao hơn giá mua lúa của tôi và bà con lân cận”.
Vụ lúa hè thu năm 2015, ông Khanh đã canh tác 120 hecta lúa Nhật (tăng hơn 40 hecta so với trước). Giữa tháng 7/2015, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đến thị sát trực tiếp cánh đồng lớn đang canh tác cùng một loại giống lúa Nhật trên 120 hecta của ông Nguyễn Văn Khanh. Nhìn cánh đồng lúa bạt ngàn, Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao tiềm năng và triển vọng của mô hình này. Bí thư đã yêu cầu ông Khanh nên cập nhật thêm kiến thức về quản trị doanh nghiệp, vận động thêm nông dân tham gia mô hình để thành lập trang trại sản xuất lúa Nhật. Sau đó, thành lập doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, có nhiều dịch vụ nông nghiệp để giảm chi phí, mang lại lợi nhuận cho nông dân và nhân rộng thêm mô hình, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Vụ hè thu năm 2016 này, ông Khanh cũng canh tác 120 hecta lúa Nhật nhưng ông cho biết: “Dự tính, thời gian tới, tôi sẽ huy động thêm lên 150 hecta để mình sản xuất tập trung hơn nữa, đầu tư thêm lò sấy, kho chứa để nâng cao chất lượng hạt lúa, giảm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận. Đề nghị Nhà nước xem xét nâng cấp cầu, mở rộng đường giao thông… tạo thuận lợi cho phương tiện xe tải vào tận ruộng, đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và vận chuyển sản phẩm lúa sau thu hoạch được dễ dàng”
Với chủ trương mở rộng cánh đồng để có diện tích lớn giúp việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật dễ dàng hơn, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận… mô hình “tích tụ ruộng đất” của gia đình ông Nguyễn Văn Khanh là một cách làm hay, giúp sản xuất nông nghiệp thoát khỏi tình trạng manh mún.
Ông Nguyễn Văn Na - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: “Đây là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy sản xuất theo hướng sản xuất lớn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp sau để góp phần với tỉnh và trung ương có chính sách phù hợp với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh, của huyện Tam Nông nói riêng nhằm giúp người dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước khá giàu, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh”.