Ai đã từng đến Thanh Hồng và thưởng thức hương vị bưởi đã có trên 50 năm nơi đây hẳn sẽ không thể quên. Là một người con của vùng đất này, anh Phạm Văn Mạnh đã chọn con đường phát triển kinh tế cho gia đình nhờ gìn giữ giống bưởi này.
Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, thấy kinh tế gia đình khó khăn mà thời gian nhàn rỗi lại nhiều nên anh quyết tâm chọn giống bưởi đào để trồng và nhân rộng. Ban đầu, gia đình có 6 sào đất trồng được 36 cây, tới nay vườn bưởi của anh đã được mở rộng 23 sào (1 sào = 360m2). Với kinh nghiệm của mình anh thường xuyên trao đổi và giúp đỡ bà con xung quanh, cách trồng và chăm sóc bưởi.
Anh Mạnh đang chăm sóc vườn bưởi của gia đình
Khi được hỏi về cách trồng để cây sai, quả ngọt, anh chia sẻ quan trọng nhất là chọn đúng giống bưởi đào có đặc điểm lá tròn to vũm, cùi và múi có màu hồng đào, ruột rỗng. Cây được trồng nơi đất cao, dễ thoát nước. Tạo tán ngay từ khi bé để cây phát triển rồi cắt tỉa cho cây có dáng cân đối. Tránh khi cây cao mới vín, tạo tán làm cháy quả khiến quả chua. Cây sai, quả ngọt còn phụ thuộc vào độ tuổi của cây và cách chăm sóc. Anh không dùng đạm bón cho cây vì dễ làm dụng hoa ảnh hưởng đến năng suất. Khoảng rằm tháng bảy dùng lân NPK bón cho cây làm tăng vị ngọt, quả to, mã đẹp hơn. Phải thường xuyên theo dõi sâu đục cành và bệnh rỉ sắt hại cây.
Mỗi người có cách làm riêng để cây sai quả như khoanh vỏ, cắt tỉa, dùng thuốc kích thích. Nhưng anh cho rằng khoanh vỏ là cách làm tốt nhất giúp cây ra quả sai và đều. Nhờ những cách làm hay của riêng mình và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, năm nào bưởi của gia đình anh cũng cho năng suất và chất lượng cao.
Thời gian vào đầu tháng chín khi những trái bưởi ngả sang màu vàng có mùi thơm là lúc thương lái ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tới tận vườn thu mua với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/quả. Trừ chi phí mỗi năm thu nhập gia đình từ trồng bưởi 100 – 125 triệu đồng. Từ đó giúp gia đình anh vươn lên làm giàu, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần.
Trao đổi với anh, chúng tôi còn hiểu thêm về nguyện vọng của người trồng bưởi. Anh mong trong những năm tới được thường xuyên, tham dự lớp tập huấn trao đổi kiến thức về trồng bưởi đào, cách thu hoạch và bảo quản quả bưởi, đóng gói khi vận chuyển đi xa đảm bảo chất lượng.
Hiện nay toàn xã Thanh Hồng có 120 ha trồng bưởi đào. Các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương và địa phương đang mở rộng, nhân giống những cây đầu dòng và nâng cao chất lượng nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững để bưởi đào Thanh Hồng được nhiều người biết tới hơn.