Những năm gần đây, nông dân xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Từ đó nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ mô hình ương cá giống, trong đó có ông Nguyễn Văn Lượng ở thôn Trung.
Về xã Ngọc Thiện huyện Tân Yên, hỏi thăm khu vực ương nuôi cá giống của gia đình ông Nguyễn Văn Lượng người dân ở đây ai cũng biết. Nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả thành ao hồ nuôi cá giống. Hiện nay, ông đã làm chủ một khu nuôi cá giống với diện tích gần 3 ha cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Bán cá giống cho người nuôi
Tiếp chúng tôi, ông Lượng chia sẻ: “Những năm đầu mới bắt tay vào làm, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản nên gia đình tôi gặp không ít khó khăn vì cá chậm lớn, dịch bệnh”.
Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm ương nuôi cá giống, ông Lượng thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản; tích cực tham quan, học tập kinh nghiệm từ chủ các mô hình ương nuôi cá giống có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Ban đầu, ông chỉ nuôi cá thương phẩm với diện tích nhỏ. Sau một thời gian thấy việc ương nuôi cá giống đem lại hiệu quả, ông dồn đổi ruộng, chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ không ăn chắc sang đào ao ương nuôi các loại cá như: cá mè, cá trôi, cá trắm, rô phi đơn tính,… Cá giống ông mua về được ương từ 30 - 45 ngày, khi cá lớn đủ kích cỡ để nuôi thương phẩm thì xuất bán. Thức ăn cho cá giống bao gồm: cám viên nổi, bột cám gạo, bột ngô, bột đậu nành, ...
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá giống của mình, ông Lượng cho biết: “Quá trình nuôi ương, đánh bắt, vận chuyển cá giống đều phải có kỹ thuật. Ao ương phải có cống cấp và thoát nước chủ động, nước cấp cho ao phải bảo đảm sạch, không bị ô nhiễm. Hàng năm, khi cải tạo, ao nuôi phải được bơm cạn, vét bùn đáy, dùng vôi bột để cải tạo ao, diệt cá tạp và phòng trừ dịch bệnh. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh rò rỉ nước”.
Để bảo đảm cá giống ít bị hao hụt khi vận chuyển xa, ông thường luyện ép cá bằng cách dùng cào tre kéo khắp ao làm cho ao sục bùn hoặc dùng lưới kéo cá dồn lại góc ao khoảng 20-30 phút rồi lại thả ra, làm liên tục trong vòng 1 tuần trước khi xuất bán, làm như vậy thì cá vận chuyển xa cũng không sợ bị chết. Sản phẩm cá giống của ông luôn được bà con nuôi thủy sản gần xa đánh giá cao về chất lượng và uy tín. Hiện tại, ông Lượng đã tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương thường xuyên làm việc tại trại cá giống của gia đình với mức thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả từ mô hình ương nuôi cá giống của gia đình ông Nguyễn Văn Lượng đã cung cấp nguồn giống chất lượng cho các hộ nuôi cá tại địa phương. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi cá thịt, tạo công ăn việc làm, giúp xoá đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân.